Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần phải phát triển du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có và chúng ta còn rất nhiều lợi thế cũng như tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa.
Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20% – 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, các đại biểu đã đưa ra những hiện trạng, phương hướng phát triển tài nguyên văn hóa một cách hiệu quả và bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn vì du lịch văn hóa góp phần tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch. Khi du lịch được đưa vào chiến lược phát triển, văn hóa du lịch trở thành một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch văn hóa. Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam cần phải phát triển du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có và chúng ta còn rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa.
Từ trước đến nay, du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, các điểm di tích. Khách du lịch còn thiếu các sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa cung cấp phong phú kiến thức văn hóa truyền thống, con người Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch.
Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Vì vậy, các địa phương cần ban hành kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình; cần ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó Nhà nước cần có chính sách cụ thể về hỗ trợ phát triển du lịch văn hóa trong các lĩnh vực: Cải thiện cơ sở hạ tầng; bảo tồn di sản; phát triển bản sắc văn hóa vùng; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và cơ sở vật chất du lịch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển du lịch văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Chú trọng đào tạo nhân lực cho du lịch văn hóa; xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, tình nguyện viên du lịch văn hóa để cung cấp cho khách du lịch thông tin về truyền thống văn hóa, lịch sử, lễ hội,… của khu vực. Đẩy mạnh truyền thông và xúc tiến du lịch văn hóa.