Hình ảnh các nhà thơ nổi tiếng được phục chế bằng trí tuệ nhân tạo (AI) khiến người xem thích thú. Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh cho Tiền Phong biết ngỡ ngàng, xúc động khi nhìn lại tấm hình của mẹ.
Kỹ sư công nghệ truyền hình Phạm Sơn vừa chia sẻ loạt ảnh chân dung các nhà thơ nổi tiếng bằng AI. Người xem bày tỏ thích thú khi nhìn thấy hình ảnh sắc nét, sinh động của những thi hào như Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Quỳnh, Chế Lan Viên…
Anh Lưu Tuấn Anh – con trai nhà thơ Xuân Quỳnh chia sẻ với Tiền Phong cảm giác ngỡ ngàng khi xem bức ảnh đã qua phục chế. “Mỗi lần nhìn ảnh của mẹ tôi đều xúc động, nhớ đến những kỷ niệm ngày xưa. Lần này, tôi ngỡ ngàng khi thấy tấm ảnh màu. Trí tuệ nhân tạo làm ảnh rực rỡ, sống động hơn, như vừa mới chụp hôm qua. Khi nhận được ảnh, tôi gửi ngay cho bác Mai (chị gái nhà thơ Xuân Quỳnh – PV)”, anh Tuấn Anh bày tỏ.
Là người am hiểu về mỹ thuật, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh cho rằng công nghệ hiện đại đôi khi tạo ra những sản phẩm quá bóng bẩy, song việc phục chế ảnh bằng AI rất đáng khích lệ.
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh cho rằng vấn đề bản quyền hay tính chân thực không phải vấn đề quá lớn khi phục chế ảnh, nếu hình ảnh các nhà thơ được tái hiện bằng sự trân trọng, tôn vinh.
“Tôi rất vui khi những bức ảnh của mẹ được lưu truyền. Công chúng vẫn nhớ tới nhà thơ Xuân Quỳnh”, anh chia sẻ.
Không ít người xem cho rằng việc phục chế ảnh bằng công nghệ AI đánh bật những người làm công tác phục chế ảnh truyền thống. Ảnh phục chế từ AI mang lại cảm giác mới lạ cho người xem.
Một số khán giả thích thú để lại bình luận: “Đây là những người giúp 12 năm đi học của bạn không trở nên nhàm chán”, “Ai cũng có một thời son sắt. Nhà thơ Xuân Quỳnh như diễn viên, các nhà thơ nam khôi ngô tuấn tú, mỗi người một vẻ”…
Kỹ sư Phạm Sơn khẳng định với Tiền Phong mục đích phục dựng ảnh để trao đổi kinh nghiệm trên các hội nhóm, diễn đàn về AI. Anh Sơn cũng bất ngờ khi cộng đồng mạng nhanh chóng chia sẻ những sản phẩm của mình.
“Có lẽ các nhà thơ cùng tác phẩm thân thuộc với mọi người làm những bức ảnh của tôi nổi tiếng trên mạng xã hội. Hình ảnh phục hồi những nhà thơ phần nào tạo được sự chân thật, gần gũi (về khuôn mặt, kiểu tóc…) nên được chia sẻ nhiều”, anh Phạm Sơn nói.
Để có được những bức ảnh phục dựng đầy chân thực, cần trải qua 3 bước và đều sử dụng các công cụ AI. Đầu tiên, sử dụng công cụ AI xử lý ảnh để tăng chất lượng ảnh gốc, sau đó sử dụng công cụ AI lên màu ảnh để đẹp hơn, cuối cùng sử dụng công cụ AI để vẽ ảnh để ảnh có sắc thái hơn.
Anh Sơn cũng lưu ý AI chỉ là công cụ hỗ trợ trong việc phục hồi, con người vẫn là yếu tố quyết định đưa ra các tiêu chí để bức ảnh cuối hoàn thiện theo đúng ý muốn.
Trả lời câu hỏi về sự lo ngại các bức ảnh có nhiều sự tương đồng về các chi tiết của nhân vật, kỹ sư Phạm Sơn cho biết để tạo nên tính chân thực trong từng bức ảnh rất quan trọng, nên trong các bước xử lý trên, bước xử lý file đầu vào rất quan trọng. Điều này tạo nên tính riêng biệt của bức ảnh.
“Với mỗi câu lệnh đưa vào AI xử lý sẽ cho kết quả khác nhau, tùy theo nội dung được mô tả đầu vào. Vì thế các bức ảnh phục hồi sẽ khác nhau và không phải tạo ra hàng loạt bức ảnh giống nhau”, anh Phạm Sơn nói.
Để có thể phục chế ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, người thực hiện cần kiến thức về công nghệ, mỹ thuật, lịch sử để những bức hình có tính chính xác cao.