Tại xứ sở Hoa Anh Đào, qua những nhân vật có khả năng biến hóa hay các loài quỷ ăn xác chết, những con mèo thần quái đã tồn tại hàng thế kỷ trong văn hóa dân gian của đất nước này.
Tuổi thơ của nhiều thế hệ 8x, 9x Việt Nam gắn bó với hình ảnh của chú mèo nổi tiếng Doraemon. Từ bộ truyện tranh Nhật Bản của tác giả Fujiko Fujio được sáng tác vào năm 1969, tác phẩm sau đó đã được chuyển thành các tập phim hoạt hình ngắn, dài cùng các thể loại khác như kịch, trò chơi điện tử. Hình ảnh con mèo này chỉ là một phần nhỏ về câu chuyện dài về loài mèo ở Nhật Bản.
Bạn sẽ dễ dành nhận thấy người Nhật bản rất yêu mèo khi nhìn lướt qua bất cứ thứ gì liên quan đến văn hóa đại chúng ở Nhật Bản. Mèo cũng xuất hiện trong truyện tranh nổi tiếng như What’s Michael, và A man and his cat. Điểm đến du lịch nổi tiếng Gotokuji, một ngôi đền ở Setagaya của Tokyo, nơi tự xưng là quê hương ban đầu của chú mèo may mắn có tên Maneki Neko (con mèo may mắn); hay đền thờ mèo nổi tiếng Nyan Nyan Ji (Meo Meo Tự) ở Kyoto, nơi có cả một con mèo làm nhà sư.
Sở thích và tình yêu mèo bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích về sự hiền lành của loài mèo gắn với Phật giáo. Mèo Nhật Bản có nguồn gốc đến từ Trung Quốc vào giữa thế kỷ thứ sáu, khi chúng được đưa lên tàu để bảo vệ kinh sách Phật giáo khi được du nhập vào Nhật Bản. Mèo cũng được cho là những món quà đắt tiền được trao đổi giữa các hoàng đế để thể hiện sự ưu ái lẫn nhau.
Sự xuất hiện với điềm tốt lành của mèo với tư cách là người bảo vệ các kinh sách thiêng liêng là điểm khởi đầu cho tình yêu đối với loài mèo đã có từ lâu ở Nhật. Mèo thường được coi là loài vật có chức năng bảo vệ trong văn hóa dân gian, nơi chúng cũng có thể tượng trưng cho vận may, chẳng hạn như mèo thần tài.
Nếu như phương Tây có tình yêu chó thì ở Nhật Bản có tình yêu mèo. Chó thường biểu tượng cho tính trung thành, còn mèo thì ngược lại, chúng có nhiều tính xấu. Tuy nhiên, mèo đóng một vai trò quan trọng trong nền văn hóa lịch sử của nhân loại. Ở Ai Cập xa xưa, người ta tôn kính mèo, xem chúng là biểu tượng của sự uyển chuyển, ân sủng và đĩnh đạc.
Sự nghịch lý giữa vẻ ngoài dễ thương và bản năng hung dữ bên trong là yếu tố quyết định vị trí của loài mèo trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Dù được tôn thờ linh thiêng hay bị nguyền rủa, chúng đều có ảnh hưởng không thể phủ nhận. Tokyo là nơi có không chỉ một mà là hai ngôi đền thờ mèo: đền cổ Gotokuji và Meo Meo Tự.
Mèo có ở khắp mọi nơi trên đất nước Nhật Bản. Có thể dễ dàng nhận thấy chúng nhận được nhiều sự yêu mến nhưng người Nhật cũng rất sợ mèo. Đất nước này có một lịch sử văn hóa dân gian lâu đời, những con mèo siêu nhiên quái dị thường gây ra những nỗi sợ hãi. Văn học ma quái của Nhật Bản rất sâu rộng, từ những nhân vật biến hình huyền ảo, ma mỵ (bakeneko) đến những kẻ quỷ dị điều khiển ăn xác chết (kasha).
Các cảnh trong vở kabuki “Ume no Haru Gojūsantsugi” (1835) của Utagawa Kuniyoshi. Một Bakeneko đã biến hình thành một bà già, hai con mèo nữa đang đeo khăn ăn và nhảy múa, và bóng của một con mèo đang liếm trên đèn.
Bakeneko là một quái vật mèo siêu nhiên trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Bakeneko có khả năng biến hóa, nói tiếng người, thao túng người chết và tạo ra những lời nguyền. Chúng thường được miêu tả là đang nhảy múa với chiếc khăn trên đầu. Đôi khi là một vị thần tốt, đôi khi là một vị thần không tốt, bakeneko là một ví dụ cụ thể về nỗi ám ảnh lâu đời của người Nhật Bản đối với loài mèo.
Từ lâu, người Nhật có quan niệm dân gian rằng khi mọi vật sống quá lâu, chúng sẽ có tính linh thiêng, biểu hiện một sức mạnh kỳ diệu. Có rất nhiều câu chuyện cổ giải thích điều này với loài cáo, lửng chó (tanuki bản địa), rắn, và thậm chí cả cái ghế. Tuy nhiên, loài mèo dường như có phần độc đáo riêng bởi chúng không phải là loài bản địa của Nhật Bản. Trong khi xã hội Nhật Bản quen thuộc với cáo và lửng chó, mèo sở hữu khí chất đến từ bên ngoài thế giới.
Kết hợp sự ngoại chủng với bản chất bí ẩn tự nhiên của mèo, khả năng uyển chuyển biến hóa khôn lường, cách chúng có thể đi lại mà không có tiếng động và đôi mắt phát sáng thay đổi hình dạng trong đêm, những điều này khiến chúng hoàn hảo để trở thành một loài động vật kỳ diệu.
Sự xuất hiện đầu tiên của một con mèo thần quái ở Nhật Bản là vào thế kỷ 12. Đó là một con mèo hai đuôi khổng lồ, ăn thịt người được mệnh danh là nekomata. Nó đã rình rập ở khu rừng ngày nay là quận Nara, cố đô của Nhật Bản. Những người thợ săn và thợ đi rừng thường xuyên vào những khu rừng quanh thành phố này để buôn bán. Họ biết những nguy hiểm xung quanh, nhưng con quái vật mèo này đã vượt xa những gì họ nghĩ. Một số người đã chết trong hàm của con nekomata. To lớn và mạnh mẽ, chúng giống như những con hổ hai đuôi hơn là vật nuôi được cưng chiều của Hoàng đế Uda bấy giờ.
Trên thực tế, nekomata có thể thực sự là một con hổ. Ngày nay, có suy đoán rằng truyền thuyết về nekomata là một con hổ trốn thoát được mang từ Trung Quốc sang.
Kết thúc thế kỷ 12, những câu chuyện về nekomata và loài mèo siêu nhiên đã vắng đi trong vài thế kỷ. Đến thời kỳ Edo, những con mèo ma quái của Nhật Bản lại bùng nổ. Theo truyền thuyết, những con mèo sống lâu năm một cách bất thường sẽ tiến hóa thành những con bakeneko, giết chủ nhân của chúng.
Vào khoảng năm 1781, tin đồn bắt đầu lan truyền rằng một số cung nữ của các khu vui chơi có tường bao quanh ở thủ đô Edo hoàn toàn không phải là con người, mà là do bakeneko biến hóa. Cuối cùng, những câu chuyện này đã lan ra ngoài phạm vi cung đình để hình thành một thế giới mèo bí ẩn trong nhiều loại hình như: diễn viên kịch kabuki, nghệ sĩ, diễn viên hài.
Khi những con mèo này ra khỏi nhà vào ban đêm, chúng mặc kimono, uống rượu sake và chơi đàn shamisen. Những con mèo được miêu tả là giống mèo lai giữa người và mèo được nhân hóa, tổ chức các bữa tiệc hoang dã trước khi trở về nhà vào lúc bình minh.
Còn với kasha, một con quỷ từ địa ngục chuyên ăn xác chết. Giống như nekomata và bakeneko, kasha đã từng là những con mèo nhà bình thường. Tuy nhiên, khi mùi hương của những xác chết tràn ngập với một sự thèm khát tột độ đến mức khiến chúng biến thành những con quỷ. Với sức mạnh tiềm ẩn của mình, kasha được cho là có thể điều khiển xác chết như những con rối, khiến cái xác đứng dậy và nhảy múa.
Câu chuyện về kasha vẫn là một phần của văn hóa liên quan đến dịch vụ tang lễ. Ở Nhật Bản, theo phong tục, sau khi một người thân qua đời, họ sẽ tổ chức một buổi đánh thức để đưa thi thể về nhà và quây quần bên gia đình.
Cho đến ngày nay, mèo thường được đưa ra khỏi phòng nơi tổ chức lễ đánh thức. Bakeneko và những hình thức khác là những loài mèo ma quái đông đảo và phổ biến nhất ở Nhật Bản và chắc chắn là loài hấp dẫn nhất về mặt nghệ thuật.
Nhất Tuệ/Theo TTV24