Ngay khi dự án phim Quỳnh hoa nhất dạ (do Thanh Hằng sản xuất và thủ vai chính) đăng tải hình ảnh về trang phục của diễn viên, một lần nữa vấn đề cổ phục trong phim Việt lại được đưa ra bàn luận.
Theo đó, một bộ trang phục màu đỏ – một trong năm lớp áo giao lĩnh được nhân vật chính mặc lại mang hơi hướm trang phục triều đại Mãn Thanh của Trung Quốc. Sự giống nhau này thể hiện rất rõ ở cách tà áo kéo từ trái qua phải và giữ lại bằng hàng nút tàu.
Trong khi đó, áo giao lĩnh của Việt Nam có thiết kế và cách mặc chuẩn là khoác ngoài yếm lót, mặc cùng váy đen và thắt lưng như áo tứ thân, chỉ có điều hai vạt trước buông thả chứ không buộc trước bụng.
Điều đáng nói nhất là phim Quỳnh hoa nhất dạ tập trung khắc họa hình ảnh nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga (Dương Thị) – một người sống ở thế kỷ X (thời Đinh – Tiền Lê). Trong khi đó, nhà Thanh của Trung Quốc vốn bắt đầu vào thế kỷ XVII. Việc một bộ trang phục được phục dựng đi ngược lại với tiến trình lịch sử như vậy rõ ràng là điều rất vô lý.
Và tất nhiên, khán giả không thể chấp nhận sự vô lý đó. Trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các nhóm cộng đồng về cổ phục và điện ảnh, không ít người tỏ thái độ khó hiểu và bất bình.
Từ tư duy về cái đẹp…
Theo như chia sẻ từ phía đoàn làm phim, bộ trang phục này được chuẩn bị và thực hiện trong vòng 6 tháng. Như vậy có nghĩa là dự án Quỳnh hoa nhất dạ rất chú trọng đầu tư cho trang phục. Nhưng tại sao lại để xảy ra sai sót này?
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn là người phụ trách phục trang của dự án cho biết: “Chúng tôi đã có thể thiết kế nút áo không “mang âm hưởng Mãn Thanh” nhưng rồi chọn kiểu nút áo này vì nó hài hòa với trang phục. Nút áo là yếu tố trang trí, là chi tiết nhỏ nhưng làm cho bố cục trang phục không lỏng lẻo. Nếu chúng tôi dùng một sợi dây thắt nút giản dị thì chắc chắn không có được sự trang trọng cần có của trang phục hoàng hậu”.
Thủy Nguyễn cũng chia sẻ thêm, bộ trang phục nặng tới 9,5kg, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn, nhỏ từ trong ra ngoài (còn gọi là trường lĩnh), 2 lớp váy, tà áo kéo từ trái qua phải với hàng nút sao gắn tỉ mỉ giữa ngực. Thiết kế cầu kỳ nhiều lớp, cùng dáng áo thụng và tay áo dài rộng chính là một chuẩn mực để thể hiện vị trí tôn quý của người mặc trong xã hội bấy giờ.
Hóa ra, không phải ê-kíp không hiểu về trang phục thời Đinh – Tiền Lê nói chung hay áo giao lĩnh nói riêng (vì 1 trong 5 lớp trang phục có thiết kế và cách mặc đúng) nhưng vì xem trọng cái đẹp, đề cao sự hài hòa nên đoàn làm phim đã bỏ qua chuyện đúng – sai và kết quả là nhận về không ít chỉ trích.
… đến nhận thức về cái đúng…
Quỳnh hoa nhất dạ là một dự án phim dã sử (chứ không phải chính sử). Nhưng dù là thế, việc tôn trọng sự thật lịch sử (bao gồm sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử và phục trang) đều là điều cần thiết, bởi thông qua phục trang, người xem sẽ có cái nhìn và sự liên tưởng đúng đắn về thời điểm xảy ra sự kiện cũng như thời điểm xuất hiện nhân vật.
Cái đẹp cũng quan trọng, nhưng cái đúng xem ra còn quan trọng hơn. Đó là chưa kể, việc làm đúng đã là một nét đẹp đáng tôn vinh và ghi nhận.
Nếu nói như nhà thiết kế Thủy Nguyễn rằng “Nếu chúng tôi dùng một sợi dây thắt nút giản dị thì chắc chắn không có được sự trang trọng cần có của trang phục hoàng hậu” thì chẳng phải trong mắt đoàn làm phim, cổ phục Việt là “kém sang”? Và chắc chắn khi thông điệp này được chấp nhận thì sẽ khiến khán giả (đặc biệt là giới trẻ) mất dần niềm tự hào với cổ phục Việt, mặc định rằng cổ phục Việt phải có nét Trung Quốc thì mới “sang”.
… và thái độ tôn trọng lịch sử.
Nói gì thì nói, điều quan trọng nhất của một bộ phim (hay các sản phẩm nghệ thuật khác) khi phản ánh lịch sử thì đều phản ánh đúng, phản ánh chân thực. Có như vậy thì những sản phẩm nghệ thuật này mới làm tròn “bổn phận” của mình.
Riêng về việc tôn trọng tính chân thật của cổ phục, nhiều chuyên gia đã khẳng định dù có thể chịu ảnh hưởng và khá gần với trang phục của những nước xung quanh nhưng nếu quan sát kĩ các chi tiết, chúng ta sẽ thấy cổ phục Việt Nam vẫn hoàn toàn có những bản sắc riêng, với triết lý văn hóa riêng của mình.
Ngoài ra, việc nghiên cứu trang phục cổ của chúng ta không phải hoàn toàn bế tắc. Như nhiều học giả phân tích, ngoài việc sưu tập, tìm kiếm thông tin từ các tư liệu bản địa, việc tận dụng những gì mà thế giới từng ghi chép về Việt Nam trong lịch sử cũng là một con đường cần được thực hiện song song.
Thiết nghĩ, chỉ cần nghiêm túc tìm hiểu và giữ thái độ tôn trọng lịch sử những người làm nghệ thuật hoàn toàn có thể phục dựng những bộ cổ phục đúng và chân thật. Như đã nói ở trên, việc làm đúng đã là một điều đẹp đẽ đáng tuyên dương, cổ vũ.
Lai La/Theo TTV24