Tết Trung Thu không chỉ có ở riêng mỗi Việt Nam mà nó tồn tại từ rất lâu trên nhiều nước Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singgapo… tất cả dường như đều chịu ảnh hưởng từ văn hoá Trung Quốc. Tuy nhiên khi đến với mỗi quốc gia nó lại mang một bản sắc, màu sắc riêng, không nơi nào giống nhau. Và tại Việt nam, nó lại thể hiện một nét rất đặc biệt khi trở thành một phong tục của con người đất Việt với nền văn minh lúa nước.
Trên thực tế, có rất nhiều giả thiết về nguồn gốc của ngày lễ này. Nhưng theo các nhà sử học, Trung thu bắt nguồn từ tục lệ cúng tế Mặt Trăng thời cổ đại, để ăn mừng mùa màng bội thu. Sau đó bày ra “lễ cúng Trăng, xem Trăng” để dự đoán cho mùa vụ sắp đến và vận mệnh đất nước.
Theo quan niệm của người xưa, trăng có màu vàng thì trúng mùa tơ tằm. Trăng xanh lục thì đất nước sẽ bị thiên tai, mất mùa. Nếu trăng sáng trong với màu cam thì đất nước ấm no, hạnh phúc. Về sau, đến thời Bắc tống thì chính thức được ấn định vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Và cho đến triều đại nhà Đường, nhà Minh thì nó đã trở thành một lễ hội quan trọng.
Thời cổ đại xưa, ngày lễ này được gắn kết với rất nhiều yếu tố thần thoại, mà câu chuyện được nhiều người biết đến nhất là câu chuyện “ Hằng Nga trên cung Trăng”. Thật ra thì có rất nhiều câu chuyện thần thoại về ngày lễ này, nhưng chung quy đều bắt nguồn từ điển tích trên. Và mỗi quốc gia đều có biến thể về câu chuyện này, ở Việt Nam có “chị Hằng và chú Cuội” đã đi vào tâm trí bao thế hệ trẻ thơ.
Thời xưa, khi đến dịp lễ thì mọi người sẽ bày một bàn hương ở giữa sân nhà, đặt những chiếc bánh nướng được làm từ bột mì được thu hoạch từ mùa vụ vừa qua, dưa hấu thì cắt tỉa những hoa văn giống hoa sen, táo đỏ và những loại hoa quả khác lên bàn hương.
Khi tất cả đươc sắp sếp gọn gàng, những ngọn nến đỏ cao chân được thắp lên và cả nhà cùng nhau “cúng Trăng, thưởng nguyệt”. Họ còn treo những chiếc đèn lồng được gắn những câu đối bài thơ để mọi người cùng nhau xem trăng. Về sau, tục lệ đốt đèn, đối thơ trở thành một lễ hội lớn vào ngày lễ này.
Những chiếc bánh khi đó chỉ đơn giản là bột mì được vo thành hình tròn, đem nướng vàng đều tựa như trăng đầy, với ý nghĩa viên mãn vẹn tròn. Về sau, thì dần được biến tấu thành hình vuông và hình dạng thú vật khác nhau.
Đến thời nhà Đường thì bánh Trung thu được cho thêm đậu xanh, hạt sen, trứng muối, làm cho chiếc bánh vun đầy như hình dáng hiện nay. Người thời đó còn khắc những chiếc khuôn với các loại hoa văn khác nhau cho đẹp mắt. Đến thời Minh thì thêm các loại nhân “bách quả” nghĩa là trăm loại trái cây. Nhưng đến thời nhà Thanh thì cho ra đời loại bánh ngũ nhân là tiền thân của bánh trung thu nhân “thập cẩm” ngày nay. Bánh ngũ nhân thời đó bao gồm năm loại nhân bánh là: hạt dưa, đường phèn, hạt thông, óc chó, mỡ lợn.
Những chiếc khuôn được khắc thêm tên của những chủ tiệm bánh, cũng như tên của nhân bên trong, lên bề mặt chiếc bánh cho người mua dễ phân biệt. Dù là những loại bánh có nhân khác nhau, nhưng tất cả đều là những thực phẩm thu hoạch được sau một mùa vụ, đã số đều có hình tròn và mang một ý nghĩa chung là đoàn tụ và hạnh phúc đủ đầy.
Ngày nay, khi ẩm thực phong phú hơn và xu hướng ăn uống cũng dần thay đổi. Những chiếc bánh cũng được biến tấu với nhiều loại thực phẩm khác nhau cho phù hợp với thời thế.
Các loại bánh với các loại nhân bào ngư, vi cá được làm ra như một cách để khẳng định địa vị xã hội. Hơn thế nữa, vài năm trở lại đây còn có thêm vị bánh nhân tỏi đen, đông trùng hạ thảo, yến sào… và gia nhập thêm một số loại nhân từ phương Tây như: nhân tiramisu, cá hồi, hạt chia, trứng cá tầm, nấm truffle…. Nhưng với những người có thu nhập cao thì đó vẫn chưa thể hiện được sự đẳng cấp, nên các dòng bánh được phủ vàng được làm ra với giá ngất ngưởng từ 600USD đến 5000USD.
Một cặp bánh trung thu dát vàng với lượng được sử dụng đến 50gr có thể “vét túi” của khách hàng tới 163 triệu đồng. Quả thực nó không dành cho đại đa số người dùng. Với màu vàng bắt mắt từ chất liệu vàng thật, hoa văn khắc tinh xảo, bánh trung thu dát vàng thuộc hàng quà biếu cao cấp, xa xỉ chỉ dành riêng cho giới nhà giàu.
Từ một chiếc bánh là “tế phẩm” dành riêng cho ngày lễ cúng Trăng dần trở thành thức ăn, quà tặng cho người thân, bạn bè, để gắn kết niềm vui đoàn viên, hạnh phúc trong mâm cỗ đêm trăng rằm, nay đã trở thành một thứ thể hiện đẳng cấp, xa hoa, lãng phí. Có lẽ, những chiếc bánh nhân hạt sen, đậu xanh, thập cẩm ngũ nhân… cùng với những tiếng reo hò của lũ trẻ khi rước đèn đêm trăng nay chỉ là dĩ vãng trong hồi ức tuổi thơ của mỗi người.
Giày Đỏ/Theo TTV24