Thị trường thực phẩm đóng gói
Theo báo cáo năm 2018 của VietNam Report, cuộc sống hiện đại đã làm người tiêu dùng có “cái nhìn khác” đối với thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn. Tỷ lệ nhóm hàng này có mặt trong giỏ hàng đi chợ của người tiêu dùng ngày càng tăng.
Còn với khảo sát của Datamoniter giữa năm 2019, thị trường thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn ở Việt Nam trong những năm qua luôn tăng trưởng ở mức hấp dẫn, có năm mức tăng trưởng xấp xỉ hai con số.
Ghi nhận từ một số sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn cho hay, nhu cầu mua sắm các mặt hàng như đồ hộp, thực phẩm đóng gói… tăng mạnh trong tháng 2 và 3 năm nay. Có những mặt hàng như đồ hộp, thực phẩm đóng gói… tăng so với mức bình thường lên tới 60-160%. Cụ thể, trên sàn TMĐT Lazada Việt Nam, trong vòng 4 tuần từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3/2020 ghi nhận ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ đồ ăn liền hàng đầu thế giới. Theo thống kê mới nhất, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tiêu thụ mì gói, sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Nhật.
Khảo sát từ Nielsen cũng chỉ ra thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh đã trở thành những lựa chọn hàng đầu ở nước ta sau khi Covid-19 bùng phát. Tỷ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền là 67 %; thực phẩm đông lạnh là 40%. Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng đang có xu hướng tăng.
Người Việt Nam vốn chuộng đồ tươi ngon, dịch vụ giao hàng lại phát triển, vậy tại sao nhóm hàng thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn vẫn chiếm thị phần lớn?
Cuộc sống hiện đại với guồng quay hối hả chính là nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến tình trạng trên. Các loại thực phẩm ăn liền, đóng gói đều có thể sử dụng được ngay hoặc chỉ cần chế biến sơ qua, đơn giản… nên tiết kiệm tối đa thời gian cho người tiêu dùng. Khi người ta càng bận rộn, nhu cầu về các loại thực phẩm tiện lợi này càng tăng cao.
Hơn nữa, chi phí dành cho thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn nhiều khi còn rẻ hơn so với thực phẩm tươi. Chẳng hạn, một bát phở ở ngoài sẽ có giá dao động từ 30-50.000đ, nhưng một gói phở ăn liền lại chỉ có giá khoảng 7-10.000đ.
Ngoài ra, chất lượng của các thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn cũng ngày càng được cải thiện. Để phục vụ người tiêu dùng, các công ty thực phẩm – đồ uống đã thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa, đóng gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và dễ dàng mang theo. Thêm vào đó, các công ty cũng hướng tới cung cấp các bữa ăn tươi (ready meals) nhằm mang đến cho người tiêu dùng không chỉ là những sản phẩm đóng gói/ăn liền khô, mà còn là những sản phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.
Một nguyên nhân nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc phổ biến, quảng cáo hương vị, món ăn quê hương. Theo đó, sản xuất đồ ăn đóng hộp đã trở thành cách để mang hương vị quê hương đến với bạn bè quốc tế cũng như những người xa quê.
Xu hướng này không chỉ thịnh hành ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia châu Á khác. Ví dụ, thương hiệu mì ăn liền MyKuali của Malaysia là món mì cà ri trắng đặc trưng. Ở Việt Nam, không chỉ bún, miến, phở, hủ tiếu, cháo sen, mà giờ doanh nghiệp đã đóng hộp cả… cháo lòng. Ở Hàn Quốc, các loại mỳ cay đóng hộp cũng rất thịnh hành.
Cùng với đó, người Việt Nam có tính tò mò, rất thích trải nghiệm cái mới, nếm thử hương vị mới. Vậy nên khi có sản phẩm mới ra mắt, người dân thường “ăn thử cho biết”, và nếu cảm thấy phù hợp, ngon miệng, họ sẽ gắn bó với sản phẩm một thời gian dài.
Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát và có diễn biến phức tạp đã khiến nhu cầu sử dụng thực phẩm ăn liền, đóng gói tăng cao đột biến. Nhóm hàng này đã một lần nữa khẳng định được ưu thế của mình: có thể bảo quản trong thời gian dài, dễ dàng tích trữ và thay thế các loại thực phẩm tươi sống.
Lai La/Theo TTV24