Ăn ngon 3 miền: Lạ miệng với đặc sản Quy Nhơn

06:00 | 24/09/2020
Trong những năm gần đây, thành phố biển Quy Nhơn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Không chỉ nổi tiếng với những hòn đảo hiền hòa, những bãi tắm ngập nắng mà nơi đây còn sở hữu một nền ẩm thực vô cùng phong phú và độc đáo.

Nem chợ Huyện

Món nem chợ Huyện ngon nức tiếng.

Nem chợ Huyện là món ăn vặt nổi tiếng ở Quy Nhơn. Nem có vị dai giòn sần sật chua chua. Món này ăn liền đã ngon, nếu đem nướng than rồi ăn kèm với bánh, chả ram, rau mùi, rau răm, tía tô, chuối xanh, khế lát mỏng, dưa leo, nước chấm hoặc xì dầu… thì lại càng hấp dẫn.

Theo kinh nghiệm của người làm nem Bình Định, thịt làm nem ngon nhất là thịt heo cỏ khoảng từ 6 đến 8 tháng tuổi, nặng chừng 60 kg, bởi lúc đó thịt heo không quá non cũng không quá già, rất thích hợp cho việc làm nem.

Nem này khi nướng lên ăn cũng rất ngon.

Tré

Tré là món ăn quen thuộc của vùng Trung Bộ nhưng nổi tiếng và ngon nhất vẫn là tré ở đất võ Quy Nhơn. Món ăn này không thể thiếu trong những ngày quan trọng như lễ tết, giỗ chạp của người dân nơi đây.

Tré được gói trong một cuộn rơm dày, phủ đều theo ống trụ bịt kín hai đầu để giúp phần thịt bên trong kín khí hoàn toàn. Nguyên liệu làm tré là những nguyên liệu rất quen thuộc của địa phương như: tai lợn, thịt thủ, thịt ba chỉ cùng với gia vị mè, thính, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi.

Tré được ủ lên men một cách tự nhiên, sau 2 đến 3 ngày sẽ tự chín, các gia vị sẽ thấm đều vào nhau tạo nên hương vị đặc trưng. Món này có thể bảo quản khoảng một tuần đến 10 ngày và rất dễ vận chuyển đi xa, phù hợp làm quà cho khách du lịch.

Món ăn này không thể thiếu trong những ngày quan trọng như lễ Tết, giỗ chạp của người dân Bình Định.

Lòng nướng

Từ lâu món lòng nướng bán ở đường Lê Hồng Phong đã trở thành một nét đặc trưng của Quy Nhơn. Dưới tiết trời mát mẻ, gió biển mát rượi mà được cùng bạn bè thưởng thức lòng nướng, nhâm nhi chút bia thì còn gì tuyệt vời bằng.

Đến Quy Nhơn, hãy thưởng thức lòng nướng ở đường Lê Hồng Phong.

Bánh hỏi cháo lòng

Muốn thưởng thức bánh hỏi cháo lòng ngon đúng vị thì phải đến thành phố Quy Nhơn. Bánh hỏi trắng mềm được xếp ngay ngắn theo từng lớp, ở trên có phủ một lớp mỡ hành thơm lừng cùng lớp đậu phộng béo ngậy. Theo cùng với đó là những miếng thịt heo luộc được cắt đều tăm tắp ăn kèm nước mắm chua ngọt. Bánh hỏi sẽ trở nên ngon hơn khi được ăn cùng cháo lòng nóng hổi.

Cặp đôi hoàn hảo bánh hỏi – lòng lợn.

Vịt lộn chiên mắm

Nếu món cút lộn xào me từng làm mưa làm gió ở Sài Gòn thì vịt lộn chiên mắm được ví như một cơn bão ẩm thực ở thành phố biển Quy Nhơn. Trứng vịt lộn sau khi được luộc thì sẽ được chiên qua lớp dầu nóng để phần vỏ giòn giòn, sau đó rưới sốt mắm cay cay ngọt ngọt ăn cùng. Món ăn này đã làm say đắm biết bao tâm hồn yêu ẩm thực bởi sự bùi bùi béo béo của đậu phộng và vị thơm nồng của rau thơm.

Vịt lộn chiên mắm.

Bún chả cá

Không biết từ bao giờ mà bún chả cá đã trở thành món ăn đặc trưng, mang tính biểu tượng của phố biển Quy Nhơn. Đặc biệt, linh hồn của món ăn này chính là những miếng chả cá trứ danh.

Chả cá ở đâu cũng có cách làm giống nhau nhưng mùi vị ở Quy Nhơn đặc biệt hơn hẳn nhờ vị ngọt rất riêng, thơm bùi, chắc thịt. Yêu cầu số một của món ăn là nguyên liệu phải “chuẩn”. Cá ngon (thường là cá thu) sau khi được lọc sạch xương sẽ tẩm với tỏi, hành, mắm muối, đường, hạt mêm, da lợn, mỡ lợn, để một thời gian cho ngấm rồi đánh dẻo, cuối cùng là rán chín vàng ươm.

Chả cá – linh hồn của món bún chả cá trứ danh.

Bánh dây

Sở dĩ gọi là bánh dây vì bánh có dạng sợi, giống như sợi mì, sợi bún. Bánh dây được làm từ các loại gạo cũ (gạo được sản xuất từ nhiều tháng trước), sợi dai, ăn kèm với dầu hẹ, đậu phộng nhuyễn và chút nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Món ăn tuy dân dã nhưng lại có hương vị rất thơm ngon và được lòng du khách.

Bánh dây có hình như sợi bún, sợi mì, nhưng vẫn là bánh.

Chả ram tôm đất

Món ăn này đích thị là minh chứng cho câu nói “nhỏ mà có võ”. Mỗi miếng chả ram chỉ bé bằng đầu ngón tay nhưng ngon “bá cháy”, chỉ ăn một miếng là muốn ăn mãi bởi cái vị giòn rụm, beo béo, ngọt ngọt của món ăn này quả thật rất hấp dẫn lòng người.

Nguyên liệu để làm món chả ram tôm đất rất đơn giản, chỉ gồm có bánh tráng mỏng, tôm đất và ít thịt mỡ. Tuy nhiên, cách chiên để miếng chả giữ được độ giòn suốt nhiều giờ đồng hồ mới thực sự là “vấn đề”. Món ăn này mang theo linh hồn của vùng đất địa linh nhân kiệt, thường xuất hiện trên mâm cỗ của người Bình Định trong những ngày trọng đại.

Những miếng chả ram “nhỏ mà có võ”…

Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai có hai loại phổ biến là bánh màu lá gai và bánh màu trắng nhân đậu xanh hoặc nhân dừa. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh, mát dẻo của vỏ bánh. Được gói gọn gàng trong những chiếc lá gai, là món quà vô cùng tiện dụng và ý nghĩa để tặng người thân và bạn bè.

Bánh ít là món ăn quen thuộc ở Bình Định.

Bánh ít mặn (bánh ít trần)

Ngon không kém món bánh ít lá gai, đó là món bánh ít mặn, hay còn gọi là bánh ít trần. Đây là một trong món ăn nổi tiếng nhất của Quy Nhơn.

Bánh nếp trắng nõn nà, dẻo thơm với nhân bên trong được làm từ tôm và thịt xay cùng chút mỡ hành. Sự hấp dẫn này khiến mọi thực khách không thể cưỡng lại. Tuy nhiên, bánh mặn khó bảo quản trong thời gian dài nên để thưởng thức món ăn này, du khách hãy đến mảnh đất Quy Nhơn nhé.

Bánh ít mặn ngon không kém bánh ít lá gai.

Bánh tráng nước dừa

Món bánh bình dân này luôn có mặt trong túi quà của những vị khách khi rời khỏi Quy Nhơn. Bánh được làm từ bột gạo hoặc bột sắn, ngô và được cán mỏng, phơi khô trước khi đem đi nướng. Bánh giòn rụm với vị thơm béo, ngậy ngậy của nước dừa rất chắc chắn sẽ khiến bạn “yêu” ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.

Có dịp ghé Quy Nhơn, hãy mua bánh tráng nước dừa về làm quà.

Bánh hồng

Nguyên liệu chính của bánh hồng là bột nếp. Nếp phải lựa loại nếp ngự mới, độ dẻo cao đem rửa sạch, vò kỹ, ngâm qua đêm để nếp ngấm đủ nước rồi xay thành bột nước. Bột được ép ráo, nhồi thật dẻo và vón thành cục nhỏ, luộc chín, sau đó thắng đường cho nóng chảy.

Bột đã chín, đường cũng đã chín, người làm bánh nhanh tay vớt bột cho vào chảo đường, dừa được bào thành sợi cũng cho vào luôn, sau đó khuấy nhanh, đều để bột và đường tan vào nhau. Khi ra thành phẩm, bánh quyện chặt. Người ta cắt bánh thành từng miếng nhỏ cho vừa ăn.

Bánh hồng có màu hồng hay được làm từ quả hồng?

Mắm cá sặc

Quy Nhơn nổi tiếng với các loại mắm, đặc biệt là mắm cá sặc. Mắm cá sặc được chế biến từ những con cá tươi sống vừa được đánh bắt, bởi vậy mắm luôn giữ được vị mặn mòi, thơm nồng của biển cá. Mắm cá sặc dùng làm nước chấm hoặc ăn kèm cơm nóng cũng rất “đưa cơm”.

Mắm cá sặc nổi tiếng Quy Nhơn.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *