Nhiều bộ phim đặc tả ngành nghề đã lên sóng giờ vàng. Trong số đó không ít bộ phim nhận chỉ trích do khai thác, khắc họa không đúng về một số ngành nghề như kiểm sát viên, kỹ sư, cảnh sát hình sự…
Nhiều sạn
Bộ phim Lỡ hẹn với ngày xanh mới lên sóng không lâu đã bị khán giả chỉ ra nhiều điểm vô lý, không sát thực tế liên quan tới nghề nghiệp của nữ chính – Duyên (Lê Bống). Duyên là một kỹ sư nhưng lại mắc lỗi cơ bản do nhắc đến “gu” khi nhận xét về một công trình.
Giới kiến trúc sư cho rằng khi nhận xét, đánh giá về một công trình kiến trúc điều một kỹ sư cần quan tâm là phong cách, tỷ lệ… hay ngôn ngữ thiết kế hoặc mối liên hệ giữa công năng và hình thức.
Việc Duyên không nhận tiền tạm ứng công trình sau khi đã tư vấn, chốt phương án thiết kế cho khách hàng bị cho là không thực tế, vì có thể dẫn đến trường hợp khách lấy mất bản thiết kế của kiến trúc sư.
Lỡ hẹn với ngày xanh không phải bộ phim đặc tả ngành nghề đầu tiên mắc những lỗi sai cơ bản. Bộ phim Biệt dược đen cũng từng bị phàn nàn khi xây dựng hình tượng cảnh sát nhưng lại thương xót, có ý định bao che, không báo cáo về manh mối mới về thủ phạm.
Thời điểm đó khán giả cho rằng cũng có trường hợp cảnh sát thương cảm với tội phạm nhưng không ai có ý định che giấu như vai diễn của Lương Thanh.
Phim Hành trình công lý có sự tham gia của Việt Anh, Hồng Diễm cũng mắc lỗi tương tự khi xây dựng nhân vật luật sư (Hồng Diễm) “phản bội” thân chủ trong vụ tranh chấp tài sản thừa kế chỉ vì thương cảm cho em gái thân chủ.
Nhân vật của Hồng Diễm thể hiện sự thiếu hợp tác, kỹ năng làm việc khi không bàn bạc hay báo cáo với cấp trên, đồng nghiệp mà tự ý “tìm công lý” theo ý mình khiến đồng nghiệp của cô vô cùng khó xử. Việc này gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của văn phòng luật nơi cô làm việc.
Lỗ hổng kịch bản
Hai bộ phim Biệt dược đen, Hành trình công lý và một số bộ phim trước đó đều được nhà sản xuất giới thiệu có sự tư vấn, tham gia trong quá trình ghi hình của các chuyên gia. Tuy nhiên cả hai còn để lộ những thiếu sót, đặc biệt trong việc xây dựng tính cách, hình tượng nhân vật.
Có lẽ việc xây dựng nhân vật nữ giàu tình cảm, ít lý trí trong các ngành nghề đặc biệt trở thành xu hướng trên màn ảnh nhỏ.
Việc để lọt nhiều lỗ hổng về các ngành nghề trên phim truyền hình giờ vàng xuất phát từ thực trạng thiếu biên kịch, biên tập tài năng. Nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương khẳng định biên kịch chuyên nghiệp có thể viết được mọi đề tài, nhưng câu chuyện ở chỗ nhà sản xuất hay đài truyền hình có chấp nhận ý tưởng của họ hay không.
“Một biên kịch khi đưa đề cương cho các nhà sản xuất, đài truyền hình đều cần sự điều chỉnh để chuyển thành dự án phim. Nếu kịch bản vào tay một biên tập giỏi, có nghề, đề cương sẽ hay hơn trước. Nhưng nếu không may gặp biên tập thiếu kiến thức, non tay coi như số phận của phim không suôn sẻ”, biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương nêu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh tầm quan trọng của biên tập trong việc xây dựng, móc nối các tình tiết của phim. Bà cho rằng câu chuyện phim không logic, không hợp lý, không hấp dẫn là lỗi của biên tập.
“Để xâu chuỗi một kịch bản đảm bảo mạch phim hấp dẫn và logic đòi hỏi một biên tập giỏi. Căn bệnh chung của lĩnh vực phim truyện, truyền hình là thiếu biên tập giỏi”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương cho rằng để cải thiện chất lượng, nội dung phim cần tìm cách kích hoạt sự sáng tạo của các biên kịch, biên tập. Đây là động lực để các biên kịch mạnh dạn đưa ra ý tưởng mới, đắt giá vào phim.
Bà cũng đề xuất các biên tập nên có sự bàn bạc kỹ lưỡng với biên kịch khi sửa đổi, cắt gọt những chi tiết trong kịch bản.
Có những phim ngành, nghề được đánh giá cao Cuộc chiến không giới tuyến nhận được nhiều lời khen do có nhiều góc nhìn mới nhưng đầy chân thật, tình cảm về hình tượng người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ. Bộ phim là sự kết hợp của Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam trong dự án kỷ niệm kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. |