Bộ phim tài liệu “Black Box Diaries” kể về cuộc đấu tranh đòi công lý kéo dài 5 năm của nhà báo Shiori Ito – nạn nhân trong vụ tấn công tình dục nơi công sở.
Trong bối cảnh có quá nhiều phim về quyền phụ nữ và tính nam độc hại xuất hiện sau phong trào #MeToo, Black Box Diaries (Nhật ký hộp đen) là điểm nhấn khác biệt. Phim gây tiếng vang tại Liên hoan phim quốc tế Hong Kong 2024 (28/3-8/4) sau khi chiến thắng Giải Nhân quyền tại Liên hoan phim tài liệu có tầm ảnh hưởng CPH:DOX (13-24/3). Trước đó, phim ra mắt tại Liên hoan phim Sundance vào đầu năm.
Black Box Diaries là câu chuyện về một vụ hiếp dâm, cách giải quyết những hậu quả và hệ thống pháp luật lỗi thời được kể bởi người đồng thời là nạn nhân, điều tra viên, nhà báo kiêm đạo diễn. Thông qua lăng kính của một vụ tấn công tình dục duy nhất, Shiori Ito cho người xem thấy được thế giới của những tội ác mang tính hệ thống.
Bằng góc nhìn từ ngôi thứ nhất – không bị ảnh hưởng bởi lợi ích của nhà làm phim khác – và được thể hiện một cách chặt chẽ nhờ kỹ năng báo chí thành thục của Ito, Black Box Diaries không chỉ là một bản phân tích đáng nguyền rủa về cấu trúc quyền lực gia trưởng ở Nhật Bản đương đại, mà còn mô tả sống động về những thay đổi và đổ vỡ tâm lý hàng ngày xảy ra khi sống trong nỗi ám ảnh của nạn nhân bước ra từ một vụ xâm hại về thể xác lẫn tinh thần. Ngay từ tiêu đề, khán giả có thể cảm nhận được thực tế: Chứng kiến những tổn thương của Ito có thể khiến người chứng kiến không thoải mái, cả khi có sự đồng ý của cô ấy.
Bộ phim dựa trên Black Box, cuốn hồi ký bán chạy nhất năm 2017 của Ito. Thời điểm đó, nó thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế đến mức nữ nhà báo Nhật Bản được đưa vào danh sách Time 100 vào năm 2020. Điểm khác giữa phim và sách là nhiều năm qua đi, vụ việc đã có những bước tiến pháp lý đáng kể.
Ito mở đầu hành trình của mình bằng dòng viết tay tiêu đề, giống như viết nhật ký. Cô cảnh báo người xem nào dễ xúc động trước những tổn thương của cô hãy nhắm mắt lại và hít thở. Cô giải thích: “Cách này đã giúp tôi rất nhiều lần”. Tiếp đó, phim xen kẽ những cảnh quay khách quan với các bản ghi âm và video iPhone thô sơ, thậm chí được thực hiện bí mật. Chúng được biên tập viên Ema Ryan Yamazaki dàn dựng một cách chuyên nghiệp để truyền tải sự biến chuyển trong suy nghĩ của người kể chuyện – từ một nhà báo chuyên nghiệp, xuất sắc lạnh lùng nghiên cứu trải nghiệm cá nhân đến nạn nhân sợ hãi, choáng ngợp trước trách nhiệm phơi bày sự thật.
Cuộc chiến của kẻ sống sót
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2015, khi đó Ito là thực tập sinh 26 tuổi tại hãng thông tấn Thomson Reuters. Cô đi uống rượu với phóng viên truyền hình nổi tiếng Noriyuki Yamaguchi, cựu giám đốc Văn phòng Washington (Mỹ) của Hệ thống Phát thanh Truyền hình Tokyo (TBT) để thảo luận về công việc trong lần cả hai trở về Nhật Bản. Sau khi say khướt, Ito bị đưa vào phòng khách sạn của Yamaguchi mà không có sự đồng thuận.
Tỉnh dậy trong căn phòng xa lạ và biết mình gặp nạn, Ito tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, thứ cô nhận lại được là thái độ thờ ơ, lạnh nhạt. Họ cho rằng rất khó để chứng minh một vụ cưỡng hiếp.
Theo pháp luật Nhật Bản lúc bấy giờ (tồn tại hơn 100 năm trước), tấn công tình dục không nhất thiết được định nghĩa là không có sự đồng ý, đặc biệt nếu sự phản kháng của nạn nhân không phải là bạo lực. Ito chỉ ra nền văn hóa xứ Phù Tang được xây dựng để bảo vệ danh dự của đàn ông trước tiên trong những tình huống như vậy, nhất là khi Yamaguchi có chỗ đứng nhất định trong xã hội, còn qua lại với nhiều bạn bè cấp cao. Đó là lý do chỉ 4% vụ tấn công tình dục ở Nhật Bản được trình báo.
Khán giả còn nghe được cuộc hội thoại giữa Ito và chị gái, trong đó nữ nhà báo được khuyên hủy bỏ cuộc họp báo vạch trần tội ác của Yamaguchi. Gia đình Ito cũng có chung suy nghĩ với người chị. Họ sợ rằng Ito phải trả giá bằng danh dự và triển vọng nghề nghiệp.
Bất chấp điều đó, người phụ nữ sinh năm 1989 vẫn công khai câu chuyện của mình vào năm 2017, theo đuổi cuộc chiến pháp lý chống lại Yamaguchi và tìm nhà xuất bản cho cuốn sách Black Box. Cô muốn thông qua trải nghiệm cá nhân kêu gọi các nhà lập pháp đánh giá lại pháp luật về tội phạm tình dục từ xa xưa.
Đúng như dự đoán, Ito phải đối mặt với sự thù địch từ giới truyền thông và công chúng, thậm chí nhận được vô số lá thư hăm dọa, chửi bới từ những người không liên quan.
Cuộc đấu tranh của Ito kéo dài đến 5 năm. Ban đầu, vụ việc có bước tiến triển theo hướng có lợi dành cho nạn nhân. Đoạn video trích xuất từ camera an ninh khách sạn giúp cảnh sát có được lệnh bắt giữ Yamaguchi. Tuy nhiên, nó bị hủy bỏ ngay sau đó mà không có lý do hợp lý nào được đưa ra. Một năm sau, cơ quan công tố ra thông báo không truy tố hình sự vụ án của Ito.
Bất chấp bị dư luận công kích cũng như bị Yamaguchi tố ngược tội phỉ báng, Ito không nản chí, thay vào đó chuyển sang toà án dân sự. Trong quá trình này, Ito không đơn độc. Cô có sự giúp đỡ, ủng hộ từ bạn bè và những người ít ngờ tới nhất. Người gác cửa khách sạn, cũng là người chứng kiến Ito bị ép lên phòng, nói với nữ nhà báo: “Tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giúp cô. Không gì có thể so sánh được với những đau khổ mà cô chịu đựng”. Sau đó, anh đồng ý làm chứng trước tòa.
Không hề có sự thao túng tâm lý hay đa cảm quá mức, Black Box Diaries vẫn khiến người xem rơi vào trạng thái cảm xúc tột cùng, cho thấy diễn biến thăng trầm của vụ án kéo dài 5 năm. Trải nghiệm của Ito là cầu nối giữa cá nhân và chính trị, chứng minh lựa chọn duy nhất khi chiến đấu là tiến về phía trước.
Black Box Diaries không chỉ đơn thuần là bộ phim tài liệu mang chủ đề về quyền con người hấp dẫn, mà còn thể hiện được tính nghệ thuật sâu sắc. Điều ấn tượng nhất là cảm giác nhạy bén về sự trôi dạt và biến dạng của thời gian. Người xem nhận thấy ngày tháng trôi đi một cách mơ hồ vào thời điểm tâm trạng cô tụt dốc, cũng như khi năng lượng và động lực của cô dâng trào khi giành được lợi thế.
Cô cũng sử dụng những hình ảnh mang tính biểu tượng như những cánh hoa anh đào, tàu điện ngầm đi qua hầm hay những con hẻm tối tăm… Ngay cả giai điệu bài hát I Will Survive của Gloria Gaynor vang lên từ điện thoại cũng có dụng ý riêng.