“Án mạng lầu 4” còn khoảng cách rất xa để trở thành một tác phẩm chỉn chu thực thụ, song nếu gọi bộ phim là thảm họa điện ảnh thì có phần nặng nề.
Mở bán vé từ 16/5, tới nay, Án mạng lầu 4 mới thu về gần 2 tỷ đồng, con số được xem là khá thấp. Tác phẩm không nhận được sự quan tâm của khán giả dù là phim Việt hiếm hoi hiện tại (bên cạnh Lật mặt 7)
Tham vọng nhưng không hiệu quả
Án mạng lầu 4 được đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn làm lại từ kịch bản phim Melbourne của Iran. Khác với phiên bản Việt Nam, bộ phim gốc là một tác phẩm chính kịch đơn thuần. Thể loại Whodunnit (truy tìm tội phạm) chỉ là yếu tố nền, góp phần thúc đẩy tâm lý nhân vật.
Sau cùng, thông điệp tác phẩm gốc hướng đến là sức mạnh của đức tin và những vấn đề trong xã hội Iran. Thêm vào đó, Melbourne cũng mang hơi hướm dòng phim nghệ thuật, ít tính giải trí, vì thế tương đối kén người xem.
Đến bản làm lại – Án mạng lầu 4, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã có những thêm thắt, với ý đồ giúp bộ phim dễ xem và phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam. Song những thay đổi này chưa cho thấy sự hiệu quả, mặt khác khiến tác phẩm trở nên nhập nhằng về thể loại, thông điệp lẫn đối tượng khán giả hướng đến.
Về thể loại, khác với tác phẩm gốc, Án mạng lầu 4 mang đậm không khí thriller (giật gân), lấy việc khai thác sự căng thẳng, hồi hộp của khán giả làm trọng tâm. Tác phẩm cũng xoáy sâu hơn vào câu chuyện truy tìm thủ phạm thay vì tập trung vào tâm lý nhân vật như Melbourne .
Tuy nhiên trong 15 phút đầu, Án mạng lầu 4 lại gần như giống hệt với bản phim Iran, từ tình tiết, nhịp phim tới cách dàn dựng. Từ đó, hồi một mang hơi hướm của kiểu phim slow cinema (điện ảnh chiêm nghiệm), với nhịp độ quá chậm so với một tác phẩm giải trí thông thường. Cách làm này một mặt thách thức sự kiên nhẫn của khán giả, mặt khác khiến mood phim bị loạn, khi hồi một và hồi hai không ăn nhập với nhau.
Ở hồi hai, những thêm thắt của đạo diễn bắt đầu hiện rõ hơn, nhịp phim được đẩy dần lên. Một vài khoảnh khắc được xây dựng tốt, mang lại không khí căng thẳng, khiến khán giả tò mò cuối cùng ai là thủ phạm. Tuy nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ đối với một tác phẩm thuộc dòng whodunnit (tiểu thuyết trinh thám).
Ngoài ra, Án mạng lầu 4 cũng không cho thấy sự rõ ràng về thông điệp. Tác phẩm kết bằng một cú máy dài, gợi nhắc tình yêu quê hương. Song cách làm này khiến hồi cuối trở nên lạc lõng, rời rạc so với tổng thể, bởi cả hành trình trước đó đều xoay quanh việc giải mã vụ án.
Tựu trung, Án mạng lầu 4 là một tác phẩm khá lửng lơ. Nhằm gia tăng yếu tố giải trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã xây dựng những tình tiết mới, thậm chí thay đổi thể loại so với tác phẩm gốc. Tham vọng hơn, anh còn cố gắng giữ lại những thông điệp tốt đẹp của bộ phim Iran. Song, chính việc ôm đồm quá nhiều vô hình trung khiến bộ phim trở nên chắp vá, khó kết nối.
Không đáng bị gọi là thảm họa
Dễ thấy, Án mạng lầu 4 có không ít hạn chế, từ chuyện phim, quay dựng, cho tới những tình tiết phi logic trong tâm lý nhân vật. Hai vai diễn Thắng và Đình cũng là những “chiếc áo” tương đối rộng, có phần quá sức đối với Trương Thế Vinh và Lương Bích Hữu.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều chưa làm tốt, đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn vẫn tồn tại một số điểm tích cực, xứng đáng được khích lệ, động viên.
Sau hồi một có phần lê thê, khó kết nối, hồi hai của tác phẩm đã làm khá ổn trong việc tạo ra bầu không khí căng thẳng, phần nào đem khán giả trở lại với mạch phim.
Thêm vào đó, Án mạng lầu 4 cũng có một số phân đoạn mang tính “show, don’t tell” (thể hiện, không kể lể), đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh. Đơn cử như góc máy đặt khán giả vào điểm nhìn nhân vật anh công an vào cuối phim, khi đó, dù không có bất cứ lời thoại nào, người xem vẫn hiểu anh nghĩ đứa bé còn sống và vợ chồng Thắng – Đình có thể an toàn rời khỏi Việt Nam.
Về cuối tác phẩm, nhân vật Thắng cũng có nhiều sự thay đổi, đối lập với chính anh ở đầu phim. Anh thành tâm thắp hương dù trước đó từ chối, nhận xôi của cụ bà hàng xóm sau hai lần phớt lờ. Hình ảnh Thắng ngấu nghiến chiếc bánh tét như lần cuối cùng được ăn cũng đem lại nhiều cảm xúc, bởi trước đó anh từng chê bai, xem nhẹ nó.
Thêm nữa, về mặt chủ đề và cách thức làm phim, Án mạng lầu 4 có thể xem là một bước đi khá táo bạo, khác biệt với phần lớn phim thương mại Việt Nam hiện tại. Chưa hoàn thiện, song những nỗ lực đổi mới đó vẫn góp phần giúp thị trường điện ảnh trở nên đa dạng, nhiều màu sắc hơn.
Án mạng lầu 4 còn khoảng cách rất xa để trở thành một tác phẩm chỉn chu thực thụ, song nếu gọi đây là thảm họa điện ảnh thì có phần nặng nề.
Theo thống kê, trong gần nửa năm qua, số lượng phim Việt phát hành ngoài rạp là 10 dự án. 7 tác phẩm còn lại có doanh thu thấp, thuộc nhóm phim lỗ và lỗ nặng. 3 dự án đạt doanh thu tốt, gồm Mai, Lật mặt 7 và Gặp lại chị bầu chiếm hơn 95% tổng doanh thu phim Việt trong gần nửa năm qua.
Khoảng cách giữa phim có doanh thu cao và thấp ngày càng lớn. Cơ hội dành cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ, các đạo diễn trẻ, các nhà làm phim mới ngày càng trở nên ít ỏi.
Án mạng lầu 4 có sự độc đáo nhất định so với dòng phim thương mại tại Việt Nam. Nếu được làm tốt hơn, tác phẩm hoàn toàn có thể thu hút số lượng lớn khán giả, giúp thị trường phim nội địa trở nên sôi động hơn. Đáng tiếc điều đó đã không thể xảy ra.