Loạt chiêu trò lừa đảo khiến khách du lịch “tiền mất tật mang”

12:00 | 01/10/2020
Cò du lịch, chèo kéo đánh giày, hét giá trên trời... đó là những chiếc bẫy vô hình mà khách du lịch thường gặp phải.

Mỹ nhân kế

Nạn nhân của bẫy lừa đảo này thường là nam giới. Một vài phụ nữ địa phương trẻ đẹp, hấp dẫn sẽ tiếp cận, làm quen, tán tỉnh khi “con mồi” đã ngà ngà say. Và câu chuyện thường kết thúc ở một trong hai cảnh: bạn đi vào phòng tắm, khi quay ra thì mỹ nhân cùng đồ tư trang của bạn “bốc hơi” hoặc bạn bị chồng, người yêu của của những người đẹp “tính sổ” vì có ý định cưa cẩm vợ, bạn gái của họ. Dù là hoàn cảnh nào thì cũng thật “cay đắng”.

Đánh giày

Khi đang đi trên phố hay ở nơi công cộng, một người dân địa phương sẽ nói rằng trên giày bạn có một vết bẩn. Sau đó, khi bạn còn chưa kịp phản ứng, họ sẽ nhanh chóng cúi xuống, dùng một bình xịt xịt lên giày và lau giày cho bạn. Tất nhiên, bạn phải trả tiền cho họ vì “sự phục vụ” vừa rồi của họ. Đây là một “thủ thuật” thường thấy khi bạn đi du lịch.

Móc túi

Chuyện bị móc túi đã không còn là điều xa lạ đối với du khách khi tới các điểm du lịch đông đúc. Chiêu trò này khiến nhiều du khách khốn khổ vì họ chẳng những mất tiền mà còn bị mất cả các loại giấy tờ tuỳ thân như hộ chiếu, căn cước, thẻ tín dụng…

Vấn nạn móc túi khách du lịch diễn ra ở nhiều quốc gia.

“Cò” du lịch

Không ít người rơi vào trạng thái hoang mang cực độ khi vừa bước xuống xe, tàu, sân bay thì đã có một số người săn đón, chào mời một cách nhiệt tình. Họ thường giới thiệu và mời chào bạn đến với khách sạn chất lượng cao, tour du lịch với giá hời. Các “cò” này sẽ đeo bám, chèo kéo bạn, sẵn sàng mang vác hành lý cho bạn, gọi taxi… để bạn phần vì nể nang, phần vì bị ép buộc mà phải đi cùng. Tuy nhiên, khi mua dịch vụ từ các “cò” này bạn sẽ phải trả nhiều phí hơn thường lệ do bên dịch vụ phải trích lại phần trăm hoa hồng cho “cò”, tệ hơn những dịch vụ này thường không tốt như lời quảng cáo.

Taxi lừa đảo

Ở nhiều nước, các lái xe taxi được yêu cầu phải lắp đồng hồ tính cước nhưng nhiều người vẫn có những thủ thuật riêng để “móc túi” khách du lịch. Họ có thể thay đổi các thiết lập cách tính cước phí hoặc cây số để lừa khách hàng.

“Tập đoàn” ăn xin

Gọi là “tập đoàn” vì ở không ít điểm du lịch, những người ăn xin thực chất là một tổ chức kiếm tiền. Một số “tay anh chị” tập hợp những người nghèo, dạy cho họ cách ăn xin và các mánh khóe phù hợp để “móc túi” những người tốt bụng, đặc biệt là khách du lịch.

Chặt chém khi bán hàng

Rất nhiều du khách đã phàn nàn về việc họ bị “chặt chém” khi đi du lịch vì chủ quan không hỏi giá từng món ăn trước khi gọi. “Chúng tôi đến một nhà hàng ở Isle of Capri, Italy. Món mì ống có giá 8 euro. Chúng tôi gọi hai đĩa mì và thêm hai chai nước ngọt. Sau đó hóa đơn được đưa ra, và nước ngọt có giá 6 euro, gần bằng món ăn chính”, một du khách kể. Vậy nên kinh nghiệm quý báu cho mọi người khi đi du lịch là hãy hỏi giá trước khi mua hoặc sử dụng bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào.

Đổi tiền

Hãy đổi tiền trước khi đi du lịch, hoặc nếu không bạn sẽ tạo điều kiện cho những kẻ đổi tiền giả hoạt động. Ở những nơi như vùng biên giới, ngoài sân bay, khi du khách có nhu cầu đổi nhiều tiền, những kẻ đổi tiền có thể sẽ lừa đảo ngay lập tức. Trong đó cách đơn giản nhất là kẹp giấy hoặc tiền giả vào giữa cọc tiền thật. Chiêu trò này không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ.

Tốt nhất, hãy đổi tiền trước khi đi du lịch.

Hàng giả, hàng nhái

Lợi dụng sự cả tin của khách du lịch, rất nhiều cửa hàng đã giăng bẫy lừa đảo bằng cách bày bán các sản phẩm là hàng giả, hàng nhái như lông thú, ngà voi, cao hổ, cao ngựa… Chuyện này thường xảy ra ở các nước Đông Nam Á hoặc châu Phi, Mỹ Latinh… Khách cũng dễ mua phải các đồ trang sức giả, hàng giả da hay xì gà giả ở Cuba, rượu vang giả ở Pháp…

Bẫy bắt buộc mua hàng

Một du khách khi tới Thái Lan du lịch đã kể lại câu chuyện của mình: Khi đứng bên ngoài cổng Cung điện Hoàng gia, cô được một người đàn ông mời một chai đồ uống. Trong khi cô đứng nhẩm tính để đổi mệnh giá tiền từ đồng baht sang đồng đô la Australia, người này đã mở nắp chai nước và nói rằng cô phải mua. Nữ du khách lúc đó không có thời gian tranh luận với người bán hàng, vì phải đuổi kịp nhóm của mình. Do đó, cô đã mua chai nước nhỏ với giá 5 AUD (81.000 đồng).

Những cửa hàng có 2 giá

Ở một số điểm du lịch, các cửa hàng áp dụng bán hai giá với một sản phẩm. Giá bán cho khách du lịch bao giờ cũng đắt hơn cho người địa phương. Khi phát hiện ra sự chênh lệch này, cách tốt nhất là bạn nên rời đi và tìm một cửa hàng khác bán giá “công bằng” hơn.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *