Chương trình “Tết Đoan ngọ Thăng Long xưa” diễn ra sáng 6/6, gồm các hoạt động như trưng bày về các phong tục dân gian truyền thống, thực hành hai nghi lễ đặc sắc của ngày Tết Đoan ngọ trong cung đình (nghi lễ cúng tế tổ tiên và nghi lễ ban quạt), thực hành phong tục dân gian giết sâu bọ…
Sáng 6/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa. Một số hoạt động thể nghiệm các nghi lễ cung đình mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Nguyễn Thanh Quang bày tỏ những hoạt động này góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. |
Hoạt động thể nghiệm tái hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt trong cung đình Thăng Long được thực hiện từ sáng sớm. |
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là tết Đoan Dương thường được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đây là ngày tết truyền thống của một số quốc gia Đông Á gồm Việt Nam, Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Trung Quốc. |
Theo các nguồn sử liệu như Đại Việt sử ký toàn thư, Lê triều hội điển, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… trong cung đình xưa, Tết Đoan Ngọ là lễ thường triều, hoàng đế chịu mệnh trời thực hiện một số nghi lễ như cúng tế các tiên đế, báo hiếu bậc sinh thành, ban yến và ban quạt cho văn võ bá quan… |
Để chuẩn bị cho lễ ban quạt của nhà vua, triều đình đã giao hộ phiên phát phái cho sáu cung Ngự dụng lĩnh tiền công rồi giao cho xã Đào Xá làm và sơn. Đào Xá là làng của những người mang họ Đào, xưa làng chuyên làm quạt nên còn được gọi là Đào quạt. Làng không chỉ làm các loại quạt thường bán cho các vùng thôn quê như quạt nan, quạt giấy dó phất cậy… mà còn là nơi được triều đình chọn có những người thợ tài hoa làm ra được những chiếc quạt quý, với kỹ thuật tinh xảo. |
Tái hiện nghi lễ ban quạt trong dịp Tết Đoan Ngọ là điểm nhấn của chương trình. Gian trưng bày một số loại quạt phỏng dựng của tầng lớp vua quan, quý tộc và các loại quạt thông thường của người dân giúp du khách có cái nhìn rõ hơn về văn hóa sử dụng quạt của người xưa. |
Theo quan niệm dân gian, trong cơ thể của chúng ta đều có “sâu bọ” mà thực chất là các loài ký sinh trùng sinh sống, đến ngày 5 tháng 5 sẽ ngoi lên. Do vậy sau lễ cúng tổ tiên vào sáng sớm, cả nhà sẽ quây quần ăn hoa quả như đào, mận, vải thiều, dưa hấu, khế, xoài cùng cơm rượu nếp, bánh tro và uống rượu hùng hoàng, xương bồ… để diệt trừ “sâu bọ” trong người, cầu mong mạnh khỏe, bình an. Dịp này nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết giao lưu, trò chuyện giúp cho du khách và các bạn trẻ hiểu rõ hơn phong tục này. |
Tết Đoan Ngọ còn là dịp để sum họp gia đình. Tại các làng quê, người dân rất coi trọng ngày này và đặc biệt chú trọng đến việc trang hoàng, chuẩn bị đồ cúng và món ăn cho lễ cúng. Trái cây là thứ đồ cúng không thể thiếu, đặc biệt là những loại trái cây đang đơm hoa kết trái vào mùa này… Ngoài ra, còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương như rượu nếp, xôi chè. |