Nhà hát Hồ Gươm mời hợp tác, dàn nhạc quốc tế hỏi ‘khán giả Việt Nam thưởng thức được không’?

14:11 | 07/06/2024

Đại diện Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles nói ‘chúng tôi chưa ký hợp tác với nước nào trong khu vực các ông nhưng không hiểu sao lại ký với Nhà hát Hồ Gươm’.

Nhà hát Hồ Gươm gặp gỡ báo chí sáng 6-6 – Ảnh: ĐẬU DUNG

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy – giám đốc Nhà hát Hồ Gươm – kể lại cuộc làm việc với dàn nhạc danh tiếng này trong cuộc gặp mặt báo chí thông tin về chương trình biểu diễn năm 2024 của Nhà hát Hồ Gươm, diễn ra sáng 6-6 tại Hà Nội.

‘Khán giả của các ông thế nào?’

Ông Bẩy nói, khi đặt vấn đề hợp tác với Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, đại diện đơn vị này hỏi: “Khán giả của các ông thế nào?”.

“Nếu chúng tôi có một dàn nhạc giao hưởng hiện đại, đầy đủ trang thiết bị và tiện nghi, đáp ứng được chất lượng nghệ thuật đẳng cấp thế giới, khán giả của ông có thưởng thức được không?”, ông Bẩy nhớ lại.

Cuộc trò chuyện đó đã mở đầu cho Hòa nhạc Bốn mùa (Four Seasons), đánh dấu sự hợp tác giữa hai bên diễn ra hồi tháng 4.

“Khán giả thủ đô đón nhận nồng nhiệt, họ rất vui”, giám đốc Nhà hát Hồ Gươm cho biết ngày 11, 12-9 tới, Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles cùng với Đoàn ballet Malandain Ballet Biarritz sẽ biểu diễn vở ballet The seasons.

Những nghệ sĩ của Nhà hát Hoàng gia Versailles cũng là những người kết chuỗi Musical Seasons bằng vở opera Carmen vào tháng 4 năm sau.

Ngoài Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles, theo lịch sự kiện mà Nhà hát Hồ Gươm cung cấp, năm nay sẽ có loạt nghệ sĩ hàng đầu và các dàn nhạc, đoàn múa danh tiếng của thế giới “đổ bộ” về Hà Nội.

Có thể kể ra đây một số cái tên: ca sĩ Katherine Jenkins, Giuseppe Gipali, Dàn nhạc Les Musiciens du Louvre, biên đạo múa Thierry Malandain, Dàn nhạc Thính phòng Vienna, Đoàn ballet Malandain Ballet Biarritz…

Nghệ sĩ vionlin Bùi Công Duy chia sẻ: “Trước đây, nhiều người thế hệ của tôi từng mơ được đặt chân tới những phòng hòa nhạc lớn trên thế giới, nghe những dàn nhạc lớn trên thế giới biểu diễn…

Còn người dân thủ đô thực sự là những cư dân hạnh phúc khi được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đỉnh cao với giá vé vừa phải ngay tại đây mà chẳng phải đi đâu”.

Hòa nhạc Bốn mùa diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm hồi tháng 4 năm nay – Ảnh: Nhà hát Hồ Gươm

Rào cản về thủ tục

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Trần Hải Đăng – cố vấn nghệ thuật của Nhà hát Hồ Gươm – cho hay để chạy được các chương trình trong năm nay, từ một năm trước, nhà hát đã phải sang các nước để làm việc với các dàn nhạc, nghệ sĩ quốc tế.

“Chúng tôi cũng bị động nhất định khi sát nút mới nhận được chữ ký từ phía các cơ quan chức năng”, ông Đăng nói.

Ông chia sẻ thêm, nghệ sĩ quốc tế thường lên lịch làm việc trước một năm. Việt Nam cũng nên làm quen với điều đó.

Ông Đăng cũng không quên nhắc một thói quen kỳ lạ của người Việt đó là xin vé, cho vé. “Điều đó không công bằng với nghệ sĩ và nhà hát”, ông nói.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho hay công ty của anh đã có nhiều hợp tác quốc tế thời gian qua nhưng thực sự, để đưa những nghệ sĩ hàng đầu, dàn nhạc đẳng cấp thế giới về Việt Nam biểu diễn, chúng ta vẫn cần nhiều sự thay đổi.

“Các thủ tục hành chính ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, các quyết định cấp phép thường được đưa ra vào lúc sát thời gian diễn ra chương trình, gây cản trở và khó khăn cho các đơn vị tổ chức”, Quốc Trung nói.

Theo nhạc sĩ, muốn hội nhập đời sống âm nhạc thế giới, bên cạnh một kế hoạch hợp tác tỉ mỉ, chuẩn bị trước 1-2 năm thì mong nhận được sự ủng hộ từ phía các cơ quan chức năng nhiều hơn.

Tạo thói quen thưởng thức cho khán giả thông qua việc bán vé cũng là điều cần thiết trong việc phát triển công nghiệp âm nhạc.

 

Theo Tuổi trẻ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *