Phát triển từ phim ngắn 16:30, Ròm là bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy, từng tạo tiếng vang và thu hút nhiều sự chú ý khi bất ngờ đoạt được giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan lần thứ 24.
Ròm là câu chuyện xoay quanh nhân vật chính cùng tên – một cậu bé sống đơn độc, mưu sinh bằng nghề “cò” đề – bán vé dò ở khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa giữa lòng Sài Gòn. Tuy nhiên miếng cơm của Ròm (do Trần Anh Khoa thủ vai) luôn bị tranh giành bởi Phúc (do Nguyễn Phan Anh Tú thủ vai) – một chàng trai trẻ khác cũng bán vé dò kiếm sống. Những cuộc rượt đuổi giữa Ròm và Phúc là điểm nhấn xuyên suốt phim, họ xô xát, vùng vẫy, tìm kiếm cho mình một hy vọng đổi đời bằng những con số tuyệt vọng.
Chiếc áo số bảy may mắn
Ở nửa sau bộ phim, khán giả bắt gặp hình ảnh nhân vật Ròm (Trần Anh Khoa) thường gắn liền với chiếc áo màu đỏ in con số 7. Trong quan niệm phương Tây, số 7 được xem là một con số may mắn của các cuộc chơi “đỏ đen”. Trong trò chơi Jackpot, nếu người chơi quay được cùng lúc ba số 7 thì họ sẽ giành được giải thưởng cao nhất.
Qua lời kể của Ròm ở đầu phim, cậu bé từng là một người rất may mắn. Chi tiết chiếc áo số 7 cậu mặc đã bị phai màu, cũ kĩ là ngầm ý nói rằng sự may mắn của cậu bé chỉ nằm trong quá khứ.
Những cặp số lặp lại
Có 3 lần chiếc đồng hồ xuất hiện trong bộ phim với những cặp số được lặp lại. Ngay từ trailer, khán giả cũng có thể nhìn thấy con số 23 giờ 23 phút xuất hiện trên chiếc đồng hồ của cậu bé Ròm. Đối với những người mù quáng tin vào những con số may mắn, sự lặp lại này được xem là điềm báo. Vì là một bộ phim xoay quanh về số đề, nên có thể thấy các con số trong Ròm đều mang những ý nghĩa sâu xa nào đó.
Nghề nghiệp của bà Ba
Bà Ba (nghệ sĩ Thiên Kim) là một trong những nhân vật phụ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả sau khi xem Ròm. Nếu quan sát kĩ căn của bà với rất nhiều sách, chiếc bảng đen trong căn phòng, người xem có thể đoán được nhân vật này là một nhà giáo đã về hưu.
Bên cạnh đó, địa điểm bà Ba đi bán bánh tráng hàng ngày cũng là trước cổng trường, đây có lẽ là nơi bà từng làm nghề giáo. Khán giả có thể hiểu rằng vì quá lưu luyến với thời một thời vàng son không thể quên nên bà vẫn muốn gắn bó với ngôi trường này.
Ý nghĩa của góc máy nghiêng
Ròm là bộ phim rất đặc biệt khi gần như 100% cảnh quay được thực hiện với một góc máy nghiêng. Đây chính là chủ đích của hai đạo diễn hình ảnh khi muốn khắc hoạ các mảnh đời bấp bênh, không bằng phẳng.
Trong cảnh quay ở mid-credit, khán giả sẽ một lần hiếm hoi được thấy góc máy được căn chỉnh thẳng trở lại. Đó cũng là giây phút hiếm hoi Ròm tự tìm thấy sự cân bằng cho mình sau những lần chạy miệt mài không ngừng nghỉ.
Cuốn sách “Cả thế gian trong túi”
Trong chồng sách của bà Ba, có một cuốn sách mang tên “Cả thế gian trong túi”. Đây là thời điểm mà bà Ba chỉ sống bằng việc bấu víu vào những con số đề may rủi với hy vọng giữ lại được căn nhà. Bà đã dốc hết tất cả gia tài vào con số đề cuối cùng. Tựa cuốn sách như đang nói lên số phận và hi vọng mà bà đặt vào cuộc đỏ đen.
Quá khứ của ông Khắc
Ông Khắc (Mai Trần) là nhân vật dị biệt nhất trong Ròm và cũng là nhân vật mang nhiều nỗi đau trong quá khứ. Ban đầu, khán giả thấy ông không bị cuốn vào trò chơi số đề đang khiến cả chung cư điêu đứng. Ông thề chỉ đặt niềm tin vào con số khi tìm được phần mộ đã thất lạc của vợ con mình. Trong cả cuộc đời hành nghề đóng hòm cho người đã khuất, nỗi thương nhớ vợ con là điều duy nhất ám ảnh ông Khắc. Ngay cả khi bị buộc phải rời bỏ chung cư, ông cũng nhất quyết không để hũ tro cốt của vợ con bị đập bỏ.
Xuất thân của cặp vợ chồng trong chung cư
Cũng như nhiều nhân vật khác trong phim, cặp vợ chồng do diễn viên Mai Thế Hiệp và Thanh Tú thủ vai không được giới thiệu nhiều về thân thế. Tuy nhiên thông qua cách bài trí căn phòng của họ, có thể đoán nhân vật của Mai Thế Hiệp là một hoạ sĩ nghèo, còn người vợ (Thanh Tú thủ vai) làm nội trợ. Vì hoàn cảnh gia đình túng quẫn người vợ đã sa vào đam mê với số đề. Hai vợ chồng chỉ mong ước con số may mắn sẽ mang đến cho họ cơ hội mở một tiệm may nhỏ để thay đổi cuộc đời.
Ròm sở hữu hệ thống nhân vật phụ phong phú, sống động và chân thật. Tuy mỗi nhân vật chỉ có thời lượng xuất hiện ít ỏi nhưng đều có cho riêng mình số phận và nét khắc hoạ đặc biệt. Mỗi khung hình đều được đạo diễn sắp đặt các chi tiết dù nhỏ nhưng hỗ trợ hiệu quả cho câu chuyện của từng nhân vật.
Dù ý đồ biên kịch là xây dựng những thước phim chân thật nhất, nhưng mọi thứ đều có hai mặt lợi – hại. Không gian bí bách của xóm nghèo, những màn rượt đuổi, những cuộc ẩu đả dù có chân thật đến đâu cũng không thể đem lại giá trị cao nhất cho một bộ phim. Cái Ròm thiếu là một khoảng lặng đủ lâu, một hình ảnh mang tính biểu tượng, gợi nhớ và ám ảnh.
Về tổng thể, Ròm là một bộ phim ổn. Sau 8 năm bấm máy, cách tạo hình nhân vật trong RÒM, cách quay dựng, cách truyền tải thông điệp vẫn hiện đại và chỉn chu, báo hiệu cho một tương lai đầy tiềm năng của đoàn làm phim trẻ nói riêng và của điện ảnh Việt nói chung. Đây cũng được coi như tín hiệu đáng mừng cho sự khởi sắc của phim Việt trong thời điểm này, khi phần đông khán giả còn ngại ra rạp vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
CTV Hải Linh/ Theo TTV24