Trong lúc chờ đợi sự trở lại của Squid Game (Trò chơi con mực) mùa 2, khán giả lại được nền công nghiệp truyền hình Hàn Quốc chiêu đãi bộ phim chủ đề trò chơi sinh tồn mới: The 8 show.
Tám người không rõ lai lịch tự nguyện giam mình trong một khu nhà được dựng lên giống phim trường.
Ở đây, họ phải tự tạo ra những trò giải trí để có thêm thời gian sống trong khu vui chơi và kiếm tiền nhờ việc sống ở đó. Thời gian và tiền bạc họ kiếm được phụ thuộc mức độ giải trí mà mỗi người tạo ra.
Người thắng có tất cả
Tuy có thể tạm gọi The 8 show là phim chơi trò chơi sinh tồn, nhưng mục đích của thế lực đứng đằng sau khu vui chơi này không phải là loại bỏ người chơi, mà dường như họ muốn người chơi ở lại đây càng lâu càng tốt.
Vì họ cần thấy người chơi đau khổ, chật vật pha trò, đấu đá nhau, hãm hại nhau, gian lận, khinh bỉ, thù hằn nhau.
Cũng chính nhờ thế, tuy The 8 show không có nhiều cảnh máu me bạo lực như bộ phim đồng hương Squid Game nhưng đủ sức khiến khán giả hồi hộp dõi theo các tập phim.
Được chuyển thể từ truyện tranh đăng trên mạng, tài năng của dàn diễn viên đã giúp ý tưởng ngỡ là giản đơn trở nên sinh động hơn dưới mắt người xem. Thêm nữa, thời điểm bộ phim này chiếu thì ấn tượng của bộ Squid Game vẫn còn khá mạnh.
Trước Squid Game, riêng ở châu Á, nhắc đến dòng phim trò chơi sinh tồn, gần như khán giả sẽ nghĩ ngay đến ngôi độc tôn của Nhật Bản. Chính sự thành công bất ngờ và có phần quá mức của Squid Game đã mở ra cơ hội mới cho những nhà sáng tạo kịch bản.
Dù là dạng phim sinh tồn, nhưng The 8 show khéo léo lồng ghép thực trạng xã hội đương đại Hàn Quốc.
Tám kẻ chấp nhận “bán mình” dù không biết thứ gì đang đợi họ. Tám tầng lầu dành cho tám người với những điều kiện sống, đãi ngộ khác nhau.
Đi kèm những khác biệt đó là sự phân tầng giai cấp xã hội rõ nét. Những người ở tầng cao hơn sống thoải mái, được quyền ban phát đồ ăn thức uống cho người ở tầng dưới.
Trái lại, những người ở tầng dưới sống trong cảnh phụ thuộc, vừa phải giữ chất thải của mọi phòng, chịu sai khiến, trở thành người hầu cho những người tầng trên.
Người chơi của The 8 show được định đoạt ngay từ đầu và không thể thay đổi dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa.
Tám con người bị giam trong khu vui chơi là một xã hội thu nhỏ nơi vật chất chi phối mọi thứ. Nơi mà “người thắng lấy tất cả”.
Trong phim, nhiều lần khán giả chứng kiến giai cấp trên, thiểu số nắm số tiền của đa số trong tay, có quyền thao túng cuộc chơi, thay đổi luật chơi.
Khi mà nhân vật thông minh, trí thức, thường đóng vai trò trọng tài, lại dễ dàng bị khuất phục bằng vũ lực và bị những kẻ có tiền mua chuộc.
Kế thừa và hứa hẹn
Vô số máy quay giám sát lắp đặt khắp nơi trong phim trường thu lại nhất cử nhất động của tám người chơi cho ta hình dung về một show thực tế khổng lồ giờ đây tràn ngập các kênh truyền hình trên thế giới.
Nơi mà không có một “vùng cấm” nào cho các máy quay thu hết mọi sinh hoạt của con người từ buồng ngủ đến nhà tắm.
Ý tưởng về phim trường khổng lồ của một bộ phim truyền hình dài tập đã được phim điện ảnh năm 1998 The Truman Show xây dựng khá thành công.
Nhưng Truman không biết đời mình chỉ là một chương trình truyền hình được sắp đặt, bị đem ra kinh doanh, bị hàng triệu người soi mói. Còn các nhân vật của The 8 show đều biết những điều đó.
Họ đồng lõa trong việc bán đời mình, một cuộc đời có cá tính, có tự tôn. Và trên thế giới đang có nhiều triệu người hằng phút hằng giờ “bán mình” trên mạng xã hội.
Họ quay lại những khoảnh khắc sống hằng ngày của mình, ăn uống, tắm rửa, yêu đương, chia tay, đau khổ. Nhiều video mà nhân vật chính không nói gì ngoài khóc trên nền nhạc buồn, hay chìm trong giấc ngủ được phát trực tiếp.
Sau cùng, cũng giống như nhiều nhân vật trong phim, số tiền họ kiếm được chưa bao giờ là đủ. Khi mọi thứ dần trở nên nhàm chán, họ cần nghĩ ra những trò gây sốc hơn để kiếm nhiều hơn, kể cả liều mạng, hủy hoại thân thể.
Nếu nói The 8 Show kế thừa hiệu ứng truyền thông của Squid Game thì The 8 Show có phần nhỉnh hơn bởi cách kể chuyện, sự hài hước trào lộng cân bằng giữa những tình huống nghẹt thở.
Phim có phản kháng, có những đoạn kẻ bị trị trở thành kẻ thống trị và ngược lại. Dần dà, những trò chơi chỉ còn là một cái cớ biến phim giống như một thí nghiệm tâm lý xã hội để thăm dò bản chất nhân tính.
Chúng ta sẽ làm gì khi có tiền và quyền lực? Chúng ta sẽ làm gì khi chế ngự kẻ khác? Chúng ta sẽ làm gì với tự do mà chúng ta có được? Sẽ chấp nhận được “nuôi nhốt” để mua vui nhưng an toàn, no đủ và hứa hẹn tương lai giàu có, hay là biết đủ, biết chấp nhận?
Bộ phim khép lại với những trò đùa giỡn đến phút cuối cùng. Những trò đùa giỡn làm ta thấy sợ hơn là thấy vui.
Bởi trùm cuối chưa xuất hiện, bởi bản chất của cuộc chơi chưa được giải thích. Nên vĩnh viễn tồn nghi cái gì đứng đằng sau hay rộng hơn thiết chế quyền lực nào đang chi phối chúng ta.
Liệu chúng ta học được gì, đã mạnh mẽ hơn chưa sau khi thoát khỏi sân chơi đó? Hay chỉ đơn giản là bước từ khu vui chơi này sang khu vui chơi khác, chấp nhận sống kiếp mua vui cho thiên hạ mà thôi.