Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng triển khai hàng loạt biện pháp giúp giảm thiểu sim rác, tuy nhiên, người dân vẫn bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định, đây là cuộc chiến lâu dài, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này.
Nhận hàng chục cuộc gọi rác mỗi ngày
Trong khoảng thời gian từ 8-11h30, chị Phan Thị Huế (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận hơn 20 cuộc gọi từ các thuê bao có đầu số 028. Tình trạng này đã diễn ra suốt từ ngày 2.6.2024 đến nay, khiến cuộc sống, công việc của chị bị ảnh hưởng.
“Tôi cứ chặn số điện thoại này là lại có số khác gọi đến. Chỉ ngồi tắt máy, cho số điện thoại vào danh sách chặn và báo cáo cuộc gọi rác thôi cũng mất cả ngày” – chị Huế nói.
Các cuộc gọi đến chị Huế đều là giọng AI và có cùng một nội dung là “đòi nợ”. Các đối tượng thông báo chị N.T.L – một đồng nghiệp cũ của chị Huế đang nợ số tiền lớn, yêu cầu chị Huế phải liên hệ lại bằng một số điện thoại khác và thực hiện các bước theo hướng dẫn của chúng.
“Chị N.T.L đã nghỉ việc từ cách đây gần 10 năm và tôi cũng không còn liên hệ với chị này. Thế nhưng không hiểu sao các đối tượng lại liên tục gọi điện cho tôi vì khoản nợ của chị L. Không chỉ tôi, nhiều đồng nghiệp khác trong công ty cũng bị làm phiền như vậy” – chị Huế cho biết.
Tháng 3.2023, Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng cương quyết dừng hoạt động của các thuê bao (sim điện thoại) có thông tin không chính xác. Sau 1 năm, khoảng 127 triệu thuê bao đã được chuẩn hoá thông tin. Tuy nhiên đến nay, theo phản ánh của người dân, tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo vẫn tồn tại.
Cuộc chiến lâu dài
Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các sim thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đều có đầy đủ thông tin thuê bao và là các sim đã tồn tại trong giai đoạn trước đây, do một bộ phận người dân đã đăng ký sim sau đó không dùng nữa. Người sử dụng sim không còn là người đứng tên khi đăng ký nhưng không thực hiện cập nhật lại thông tin thuê bao.
Đối với các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, bên cạnh công tác xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng, Bộ TTTT thực hiện triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định.
Một trong những giải pháp triển khai là cấp tên định danh (voice brandname) các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân cho các cơ quan Nhà nước như tòa án, công an, viện kiểm sát…
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định này.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Khi cơ quan quản lý Nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.
“Vì vậy, đây là cuộc chiến lâu dài giữa cơ quan chức năng và các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để hưởng lợi, phạm tội, chỉ có thể thấy được các kết quả bước đầu chứ không thể có kết quả triệt để, chấm dứt hẳn vấn nạn này” – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhận định.