Hai chương trình giống format nhưng hướng đến nhóm khán giả riêng. Vì vậy, nội dung của “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” luôn gây tranh luận.
Phân biệt 63 “anh trai”
“Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng lên sóng khung giờ vàng tối thứ bảy. Khi công bố, hai chương trình không tránh khỏi việc bị so sánh.
Cùng một nhóm đối tượng – nam giới, cùng số lượng thí sinh hơn 30 người, cùng một mục tiêu tìm ra nhóm nam, cùng format trình diễn đội nhóm.
Thời điểm chưa phát sóng, nhiều người khó phân biệt 2 chương trình này.
“Anh trai vượt ngàn chông gai” có 33 nghệ sĩ tham gia tranh tài. Không chỉ có các ca sĩ, diễn viên, rapper, gameshow này gây chú ý khi mời cả những nhân vật ở ngành nghề khác như cầu thủ bóng đá, võ sư, đạo diễn, biên đạo…
Khi nhập cuộc, 33 sao nam được gọi bằng tên “anh tài”. Các gương mặt tham dự đều ở độ tuổi 30 trở lên.
Trong khi đó, “Anh trai say hi” quy tụ 30 nghệ sĩ nam, chủ yếu ở lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, sân khấu. Điểm khác biệt với các “anh tài” là các “anh trai” có độ tuổi khá trẻ, hoạt động năng nổ.
Thế nhưng, sau khi những tập đầu lên sóng, khán giả có thể phân tách 2 show rõ ràng, bởi những khác biệt trong thể lệ, quy định, cách biên tập, đặc trưng âm nhạc…
“Anh trai vượt ngàn chông gai” lan tỏa với những ca khúc đã quen thuộc với khán giả, cùng những màn trình diễn máu lửa, kết hợp vũ đạo, nhạc cụ và âm thanh – ánh sáng.
Giám đốc âm nhạc SlimV cho thấy sự biến hóa tài tình khi khoác áo mới cho loạt ca khúc đi cùng năm tháng như “Tình đất”, “Niềm tin chiến thắng”, “Trống vắng”… nhưng vẫn thể hiện được chất riêng và thế mạnh của nghệ sĩ.
Phía “Anh trai say hi” lại có nước đi táo bạo khi bỏ hẳn các màn trình diễn cá nhân vốn đóng vai trò giới thiệu, điểm mặt các nghệ sĩ.
Chưa kể, toàn bộ ca khúc được trình diễn trong chương trình đều là các sáng tác mới, được sản xuất bởi JustaTee. Nhà sản xuất không tận dụng và kế thừa những sản phẩm đã gây tiếng vang của các “anh trai”.
Con người và âm nhạc là hai yếu tố chính của “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”, và hai show đã thành công bước đầu trong việc định hình bản sắc.
Khán giả chia phe
Những ngày qua, 2 chương trình đang có cuộc chạy đua lượt xem gắt gao trên các nền tảng số.
Hiện tại, tập 4 “Anh trai say hi” xếp hạng 1 top thịnh hành YouTube Việt Nam với 2,9 triệu lượt xem, còn tập 2 “Anh trai vượt ngàn chông gai” xếp thứ 4 trong danh sách thịnh hành, hút 2,2 triệu lượt xem.
Khoảng cách lượt xem đã được rút ngắn so với tuần trước. “Anh trai vượt ngàn chông gai” có mức tăng lượt xem nhanh qua từng màn trình diễn, bài hát chủ đề cũng tạo hiệu ứng bùng nổ.
Trên mạng xã hội, khán giả chia hai phe ủng hộ hai chương trình. Một bên, người xem nhận xét “Anh trai say hi” thiên về giải trí, có những nghệ sĩ đình đám với khán giả gen Z, ngoại hình sáng, âm nhạc hiện đại.
Từ bài hát chủ đề đến các sân khấu livestage, “Anh trai say hi” sử dụng nhiều tiếng Anh, lời hát gần gũi với giới trẻ, cài cắm những tư duy táo bạo, gai góc.
Còn “Anh trai vượt ngàn chông gai” đề cao tính chuyên môn, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, có sự hòa hợp giữa các thế hệ, các màn trình diễn vừa lạ vừa quen, dù đôi khi không mạnh về vũ đạo hay concept (phong cách chủ đạo xuyên suốt một tác phẩm).
Do nét khác biệt này, phản ứng của khán giả với 2 chương trình cũng trái ngược: một bên ủng hộ những sáng tạo mới, hòa trộn nhiều thể loại hiện đại; một bên tìm đến cảm giác hoài niệm, gắn kết và sống lại những giai điệu quen thuộc.
Cả hai nhóm fan đều đưa ra lý lẽ riêng để bảo vệ và giúp show mà họ yêu thích thắng thế.
Dù vậy, chặng đường tìm ra các nhóm nhạc nam mới chỉ vừa bắt đầu. Hai show cần phải giữ phong độ, thuyết phục khán giả, bởi vẫn còn đó những tranh cãi về kết quả, chất lượng các màn trình diễn.