Loạt ca khúc xuất hiện cách đây chục năm, thậm chí hơn 20 năm được làm mới đang được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đón nhận.
Thu hút khán giả trẻ
Một lần dang dở là một trong những sáng tác nổi tiếng của dòng nhạc boléro, từng thịnh hành vào thập niên 1980-1990. Trong show Anh trai vượt ngàn chông gai, ca khúc vốn trầm buồn này được trình diễn với chất nhạc lofi thịnh hành, kết hợp sự sôi nổi của nhạc điện tử. Sự thể hiện dí dỏm của Quốc Thiên, Hà Lê, Kiên Ứng, Đỗ Hoàng Hiệp… khiến ca khúc càng thu hút đối với khán giả.
Bài dân ca quan họ Bắc Ninh Trống Cơm cũng tạo bất ngờ cho khán giả khi xuất hiện trong diện mạo mới. Sự mộc mạc đặc trưng của bài hát này được Nghệ sĩ nhân dân Tự Long, Soobin Hoàng Sơn (Nguyễn Huỳnh Sơn), Cường Seven (Nguyễn Việt Cường) “khoác áo” mới bằng những tiết tấu nhộn nhịp, vui tươi của nhạc điện tử, phối cùng rap, đàn bầu, trống… Đã có gần 5 triệu lượt xem phần biểu diễn này trên YouTube, trong đó phần lớn là khán giả trẻ.
Khán giả tên Kim Anh viết trong phần bình luận trên YouTube: hơn 20 năm trước, chị từng mê đắm tiết mục Gót hồng của ca sĩ Lam Trường với những giai điệu nhẹ nhàng, êm ái; nay được thưởng thức lại trong diện mạo mới hết sức thú vị từ Thiên Minh, Duy Khánh, Bùi Công Nam… Họ không thay đổi nhiều về nhịp, cách hát, nhưng cho thêm nhiều tiết tấu, âm sắc mới, giúp bản phối hiện đại, hợp thời.
Chị Minh Hạnh (47 tuổi, TPHCM) cho biết chị bất ngờ khi thấy con trai say mê nghe lại những ca khúc gắn liền với thời thanh xuân của mình. Các bài hát thay đổi nhiều về giai điệu, cách thể hiện và mang lại sức hấp dẫn mới mẻ với chị. Còn con trai chị yêu thích vì sự trẻ trung, tươi mới, hợp gu thưởng thức của thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012).
Bên cạnh màu sắc âm nhạc khác biệt (chưa chịu ảnh hưởng nhiều của K-pop, nhạc Âu Mỹ, rap… như hiện tại), việc khơi gợi lại hoài niệm, ký ức cho công chúng là ưu thế của những ca khúc này. Nắm bắt điều đó, nhiều nhà sản xuất liên tục đưa chúng vào các chương trình truyền hình thực tế, game show.
Our song Vietnam – Bài hát của chúng ta sẽ có nhiều ca khúc cũ nổi tiếng được làm mới. Đoạn video bật mí sự xuất hiện của ca sĩ Lương Bích Hữu sau 1 ngày nhận về gần 1 triệu lượt xem trên Facebook, 600 bình luận. Trong đó, khán giả kỳ vọng những ca khúc nổi tiếng của chị sẽ xuất hiện lại trên sân khấu như: Cún yêu, Cô gái Trung Hoa, Dằm trong tim… Điều đó cho thấy các ca khúc cũ vẫn luôn “sống” trong tim khán giả. Không riêng các nhà sản xuất, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ cũng sử dụng các sáng tác cũ để sản xuất, phát hành sản phẩm như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Minh Cường, ca sĩ Thu Phương, Lam Trường, Phạm Khánh Hưng…
Làm mới nhạc cũ không dễ
Nhạc sĩ, rapper Hà Lê cho rằng, thị trường thay đổi là tất yếu nhưng sản phẩm giá trị gồm âm nhạc hay, ca từ đẹp, ý nghĩa… sẽ luôn có đất sống. “Hầu hết bài hát được đón nhận lại đều thuộc nhóm không chạy theo xu hướng, cô đọng cảm xúc, ca từ ý nghĩa. Nhạc cũ cũng giống như những món ăn quen thuộc. Quan trọng bây giờ là chúng ta sẽ nêm nếm như thế nào để ngon, hấp dẫn hơn” – nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Tuy nhiên, việc làm mới tác phẩm cũ không dễ, bởi giai điệu của bản gốc đã ăn sâu vào lòng khán giả. Có nhiều trường hợp làm mới bị khán giả phản ứng, chẳng hạn khi Amee (Trần Huyền My) hát Hai mươi bị chê quá nũng nịu; còn Wren Evans (Lê Phan) hát dính chữ, khó nghe trong Anh tin mình đã cho nhau một kỷ niệm…
Vài xu hướng chung được các nhạc sĩ, nhà sản xuất áp dụng thời gian qua như: lofi hóa (làm cho ca khúc chậm rãi hơn, giai điệu dàn trải, pha thêm âm thanh gây nhiễu), kết hợp nhạc điện tử, hát theo phong cách acoustic nhẹ nhàng, kết hợp rap, làm mashup.
Nhạc sĩ Bùi Công Nam cho biết, khi làm mới các ca khúc cũ trong Anh trai vượt ngàn chông gai, anh và các ca sĩ, nhạc sĩ khác phải cân nhắc kỹ: “Chúng tôi làm người sáng tạo, nhưng cũng đặt mình vào vai khán giả, vì đã từng đi qua giai đoạn âm nhạc đó. Đồng thời, chúng tôi cũng tham khảo, lắng nghe ý kiến từ mọi người để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất” – anh cho biết.
Việc làm mới các ca khúc còn nhằm mục tiêu tiếp cận thêm khán giả trẻ nên âm nhạc phải tìm được sự giao thoa của 2 thế hệ. Lần ra mắt album Một nghìn chín trăm hồi đó, Thu Phương chọn nhà sản xuất DTAP (gồm Nguyễn Trần Hoàng Thịnh, Trần Quốc Khánh, Võ Thanh Tùng) để làm mới loạt bài cũ.
DTAP giữ tinh thần, màu sắc của ca khúc gốc; chỉ làm bản phối mới mẻ hơn thông qua việc bổ sung tiết tấu, giai điệu để không biến chúng thành quá lạ lẫm với khán giả. Đồng thời, những gương mặt trẻ cũng góp phần tạo nên diện mạo mới.
Cái khó không dừng ở mặt chuyên môn. Nhiều sản phẩm khi trở lại trong diện mạo mới có lượt xem, nghe rất tốt. Nhưng có bài hát được làm mới và không thành công bằng bản gốc, bị khán giả mang ra so sánh. Điều này ít nhiều cũng tạo áp lực, gây khó cho ca sĩ, nhạc sĩ.