Màu áo lính biên phòng xuất hiện trong công diễn 4 Anh trai vượt ngàn chông gai, là sự ghi ơn nhà Mứt Gừng gửi tới các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Nhưng “canh giữ” kho tàng văn hóa nghệ thuật dân tộc cũng là nhiệm vụ quan trọng mà các anh tài đã phần nào làm được trong phần thi nhóm.
Những tiết mục thi nhóm tại công diễn 4 đều cho thấy sự công phu trong kết hợp nhạc truyền thống với hiện đại.
Chất Huế lên ngôi
Chất liệu dân gian Huế gần gũi cả với khán giả miền Bắc cũng như miền Nam. Đó phải chăng cũng là lý do để Mưa trên phố Huế giật giải quán quân phần thi nhóm tại công diễn 4.
Ở phần thi này, Tăng Phúc, Bùi Công Nam và Neko Lê được giao trọng trách học nhạc cụ để hòa cùng nhóm nhã nhạc cung đình. Các thành viên còn lại phải múa chén mà không chỉ đứng, họ phải làm nhiều động tác phức tạp cùng vũ công. Phần phối cũng đầy tinh tế khi để dàn dây cổ điển phương Tây đối thoại với thính phòng cung đình Huế.
Trang phục tím nhạt mộng mị mà Chín Muồi sử dụng vừa có chất Huế vừa như có tác dụng hớp hồn khán giả. Đạo cụ mái vòm nón tím treo trên cao, từ hai bên quai nón bay ra hai anh tài đu dây, không thể hợp lý hơn.
Điều này gây ra bất lợi cho nhà Mứt Gừng khi lặp lại y chang màn đu dây này, nhưng lại không có nón. Một thử thách nữa là Chiếc khăn piêu là chất liệu duy nhất trong 4 phần thi không phải của người Việt.
NSND Tự Long lồng thông điệp bảo vệ Tổ quốc vào dàn dựng, kể ra cũng hợp với nội dung lời hát. Nhưng rõ ràng những chất liệu âm nhạc của người Việt vốn ngấm sâu vào tiềm thức khán giả đã khiến họ bầu chọn cho ba phần thi kia.
Anh tài cũng mạnh dạn tự tin hơn khi tương tác với chất liệu Việt. Thử so sánh phần sáng tạo thêm của Soobin Hoàng Sơn và phần thêm của Binz thì rõ. Phần hát thêm của Soobin có thể dùng cho nhiều bài (chỉ cần đổi lời), những gì Binz thể hiện rõ chất chèo do đó gắn bó hữu cơ với Đào liễu.
Đào liễu có thể xem là tiết mục mẫu mực về phát triển chất liệu âm nhạc kết hợp nhuần nhuyễn chèo với EDM, tạo nên không khí hội hè rạo rực từ đầu đến cuối. Những phần hát, rap thêm đều ăn rơ với làn điệu gốc.
Dạ cổ hoài lang khó dàn dựng
Những tưởng chương trình quay tại TP.HCM thì khán giả phương Nam sẽ biệt đãi Dạ cổ hoài lang. Hóa ra không phải, dù đây là phần thi đòi hỏi cao nhất về thanh nhạc.
Tiết mục mở đầu với sự xuất hiện khá ấn tượng của đàn kìm Hoàng Hiệp và giọng trầm đầy Trương Thế Vinh. Đỉnh điểm là nửa câu vọng cổ thánh thót của Bằng Kiều. Phần thể hiện của khách mời hơi nhiều.
Toàn bộ tiết mục không có phần sáng tạo thêm mà chỉ là đặt lời mới cho lòng bản sẵn có. Nhưng như đã nói, chỉ cần hát cho ra chất truyền thống đã là một thử thách đáng kể trong tiết mục này.
Việc Dạ cổ hoài lang không được cho điểm cao có thể do không khí bi thương cao độ mà phần trình diễn này mang lại. Đạo diễn bố trí cho quân ta hy sinh gần hết, còn mỗi Bằng Kiều trở về.
Phần kết cũng có khả năng gây hoang mang cho khán giả khi lời hát là “Mau trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi”. Nhưng hình ảnh lại chỉ là sự trở về của các anh linh liệt sĩ.
Đoạn đánh nhau được dàn dựng đẹp mắt, song khá khó hiểu khi quân ta chỉ thấy dùng giáo đánh nhau với quân địch vô hình, tất cả ngã xuống cùng một lúc như bị chịu sức ép của bom.
Tóm lại Dạ cổ hoài lang là chất liệu âm nhạc hay, giàu cảm xúc nhưng hóa ra để dàn dựng sân khấu không hề đơn giản.
Bỏ qua điểm số, các tiết mục kết hợp chất liệu dân gian trong công diễn 4 đều mang lại cảm xúc từ chính âm nhạc chứ không phải những yếu tố dàn dựng, phụ trợ bên ngoài.
Qua đây có thể thấy sự nâng niu của các nghệ sĩ cùng giám đốc âm nhạc với chất liệu của cha ông. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng quan trọng không kém gì bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc vậy.