Sau 33 năm gắn bó với nghiệp sư phạm, đến khi về hưu, thầy giáo, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp mới lần đầu tổ chức triển lãm cùng 4 học trò là họa sĩ Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Trần Trọng Đạt và Nguyễn Thị Ngọc Ánh (Gặp gỡ mùa thu, kéo dài đến hết ngày 26/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM). Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
Phóng viên: 33 năm vừa dạy học vừa sáng tác, vì sao đến giờ công chúng mới được xem tranh của ông chính thức tại một triển lãm?
Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp: Từ những năm 1990, tôi vừa dạy ở Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang vừa sáng tác. Xuất phát điểm của tôi là họa sĩ hình họa nên việc vẽ là đam mê lớn. Nhưng ở Nha Trang, tôi không am hiểu về việc tổ chức một triển lãm tại nơi khác cần phải chuẩn bị những gì, cá nhân cũng không đủ sức.
Cách đây vài năm, dịp trường kỷ niệm 30 năm thành lập, tôi gặp lại học trò – họa sĩ Trần Trọng Đạt. Qua thăm hỏi, tôi biết Đạt sắp cùng những người bạn mở triển lãm. Thế là thầy trò bàn nhau và có thêm các bạn cùng tham gia. Chúng tôi chọn chủ đề Gặp gỡ mùa thu, vì thầy trò tôi phải 24, 25 năm mới gặp lại. Từ các miền đất nước, xa nhất là Hải Phòng, Bình Dương, Lâm Đồng, Khánh Hòa… chúng tôi gặp nhau tại TPHCM, đúng vào mùa thu, rất xúc động.
Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp vẽ hiện thực nhưng không vẽ như thực mà đưa vào đó một không gian thần tiên. Với phong cách này, ở Việt Nam hơi ít người vẽ. Điều này khá đặc biệt vì với một họa sĩ có quá trình giảng dạy lâu, rất nhiều người nghĩ ông sẽ chọn vẽ hiện thực hoặc nghiêng hẳn sang thần tiên, ít ai ngờ có sự hòa trộn. Nhìn tranh của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp thấy có sự dụng công, vẽ rất lớp lang, công phu nhưng không hề khô cứng. Nhiều bức có thời gian hoàn thành vài tháng mà muốn giữ được bảng màu ổn định, đòi hỏi ông phải rất am hiểu, rất giỏi về vật liệu. Một điều đặc biệt là họa sĩ Ngô Đăng Hiệp từng bước qua nhiều giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, phải ly hương lập nghiệp. Với một người từng có nhiều trở ngại, nếu tranh mang theo ưu tư cũng là chuyện thường tình; nhưng tuyệt nhiên, tranh của ông như chốn tiên cảnh ở đời thường. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi |
* Khi trưng bày tác phẩm cùng học trò, ông có bị áp lực không?
– Với tôi, vẽ là đam mê, hoàn toàn không phải là cuộc tranh đua. Triển lãm lần này cùng học trò là dịp rất vui, tôi không áp lực mà ngược lại còn tự hào. Nhớ lại khoảng thời gian dạy học, thật lòng tôi có tiếc vì sự nghiệp sáng tác của mình có phần bị gián đoạn. Đến năm 2023, khi về hưu, tôi mới thật sự có thời gian vẽ. Nhưng ngày trước đi dạy, vào các tiết thực hành, học trò ở dưới vẽ thì tôi cũng phác thảo ý tưởng. Tôi thích sáng tác nên thấy học trò nào có cùng đam mê, tôi rất quan tâm, theo dõi.
* 33 năm vẽ miệt mài, số lượng tác phẩm của ông hẳn rất lớn. Liệu có một triển lãm cá nhân từ bước đệm của Gặp gỡ mùa thu lần này?
– Tôi vẽ rất nhiều, nhưng số lượng hỏng, bỏ đi cũng lớn, số được giữ lại ít hơn. Một phần khác là tôi vẽ lâu. Mỗi bức mất vài tháng để hoàn thành là chuyện bình thường. Có bức lớn đang trưng bày ở nhà, tôi vẽ trong 10 tháng. Tính tôi cầu toàn, cẩn thận. Tôi không muốn vẽ vội vã để rồi xem thường chính mình và công chúng thưởng ngoạn. Tôi muốn tác phẩm ra mắt người xem phải “ít sạn” nhất có thể. Có nhiều bức đã treo mấy năm nhưng lúc nhìn lại thấy chưa ưng, tôi mang xuống chỉnh sửa. Giờ về hưu, tôi dành toàn tâm cho sáng tác nên có nghĩ đến triển lãm cá nhân. Nhưng nhanh cũng phải 2-3 năm nữa, khi tôi hoàn thành nhiều tác phẩm mới, ưng ý.
* Màu sắc và chủ đề tranh của ông rất tươi sáng. Những sự mơ mộng ấy có thể hiện cho một khao khát nào đó bên trong ông về một thế giới thần tiên, tránh những khổ nhọc đời thường?
– Tôi hay vẽ phong cảnh và trẻ em, nhưng thường là những hình ảnh hiện lên trong tâm tưởng. Tôi muốn xây dựng cho mình một thế giới và mong ai đó khi xem tranh của tôi, họ cũng muốn bước vào.
Ngày bé, tôi rất khổ, vì mẹ mất năm tôi lên 6 tuổi. Vì thiếu tình thương của mẹ nên tôi hay đi lang thang khắp miền quê, tìm niềm vui trong cây cỏ và sở thích vẽ phong cảnh cũng dần hình thành. Đến năm 10 tuổi, ba cho tôi đi học ở nhà một họa sĩ. Tại vòng sơ tuyển trước khi vào lớp, nếu các bạn khác vẽ trái bầu, trái bí, cành mai, con chim thì tôi vẽ một người đàn ông chèo thuyền ở giữa biển nước mênh mông. Mọi người ồ lên và nói với nhau rằng đứa trẻ này không vẽ giống bạn bè đồng trang lứa.
Cuộc sống cứ thế trôi đến khi ra trường, tôi lập gia đình với vợ cũng là giáo viên. Các con tôi chào đời rồi lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Nghề dạy học giúp tôi không phải va chạm cuộc sống nhiều, được học trò quý trọng nên tranh vì thế cũng thật bình yên. Tôi mong được lan tỏa sự mơ mộng, yên bình này đến người xem.
* Xin cảm ơn ông.