Mới đây, thông tin một bé gái 5 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem YouTube đã khiến dư luận bàng hoàng.
Theo chia sẻ của người thân trong gia đình, vào lúc 14h10 phút ngày 12/10, bé gái ở nhà với ông bà ngoại, trong lúc mọi người không chú ý, cháu đã lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình.
Khi cả nhà phát hiện thì bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Mặc dù cấp cứu ngay sau đó nhưng cháu đã không qua khỏi và ra đi vào lúc 18h10 phút cùng ngày.
Chưa rõ thông tin này có xác thực hay không, nhưng thực tế đã có không ít trường hợp gặp nguy hiểm do học theo những hành động trên YouTube.
Tháng 11/2019, một cháu bé 7 tuổi, ngụ ở huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh bị hôn mê vì học theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube.
Cụ thể, cháu bé đã dùng chiếc khăn quàng của học sinh buộc lên dây phơi đồ rồi treo cổ. Lúc gia đình phát hiện thì hai chân cháu đã cách mặt đất 20cm, tím mặt, tím môi và rơi vào trạng thái hôn mê. Người nhà vội vàng đưa cháu đến phòng khám gần nhà để sơ cứu, sau đó chuyển vào Bệnh viện Pháp Việt.
Tại đây, cháu được đặt nội khí quản và tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Sáng hôm sau cháu đã tỉnh lại và có thể nói chuyện bình thường.
Khi gia đình hỏi lý do làm ra hành động gây nguy hiểm tính mạng như thế, cháu bé hồn nhiên trả lời cháu hay xem những trò ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.
Hay trường hợp một cháu bé bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính giống như người nhện trong phim hoạt hình cũng gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.
Còn trên thế giới, đây cũng chẳng phải chuyện quá mới khi các nội dung độc hại chết người như thử thách Cá voi xanh và Momo liên tục xuất hiện.
Cái tên thử thách Cá voi xanh (Blue whale challenge) có lẽ không quá xa lạ với công chúng. Bởi 5 năm trước, nó đã bị “phong sát” trên khắp các mặt báo khi cướp đi tính mạng của vô số thanh thiếu niên.
Cụ thể, khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ phải thực hiện một chuỗi thử thách trong 50 ngày, với độ khó tăng dần. Ban đầu chỉ là các nhiệm vụ đơn giản: ngủ ở một nơi được chỉ định, đi dạo buổi tối… dần dần đòi hỏi người chơi phải tự gây tổn thương như rạch tay, khắc hình cá voi lên tay. Và đến ngày cuối cùng, để trở thành người chiến thắng.bạn phải tự tử.
Theo số liệu thống kê, các nạn nhân của thử thách Cá voi xanh xuất hiện tràn lan ở nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2016, riêng nước Nga đã có hơn 130 thanh thiếu niên thiệt mạng vì thử thách này.
Cứ ngỡ mọi chuyện đã ổn thỏa, an ninh mạng đã được siết chặt, thể nhưng hai năm sau, cư dân mạng lại một lần nữa xôn xao với một mối nguy hiểm khác mang tên Momo challenge (thử thách Momo).
Thử thách Momo xuất hiện lần đầu trên ứng dụng Whatsapp, từ một tài khoản lạ có hình ảnh là một bức tượng điêu khắc của Nhật có tên MotherBird – một con chim đầu người có khuôn mặt ghê rợn cùng nụ cười ám ảnh.
Momo đe dọa người chơi phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao và không được nói cho ai biết nếu không bản thân họ và cả gia đình sẽ bị “nguyền rủa”. Nhiệm vụ của thử thách chủ yếu xoay quanh những hoạt động tự làm tổn thương bản thân, sau đó cung cấp bằng chứng bằng cách chụp ảnh để tiếp tục vượt ải. Cuối cùng, trò chơi kết thúc với việc người tham gia tự lấy mạng sống của chính họ và ghi lại trên phương tiện truyền thông xã hội.
Đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh, yêu cầu các bậc phụ huynh có con nhỏ phải nghiêm túc xem lại những chương trình mà con hay coi. Từ đó, chọn lọc các chương trình phù hợp để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Thanh Ngát/Theo TTV24