Lần đầu tiên sau 26 năm, phim Hàn “trượt chân” tại Cannes 2025: Điều gì đã xảy ra?

11:03 | 19/04/2025

Không một bộ phim truyện Hàn Quốc nào có mặt tại Liên hoan phim Cannes năm nay, cú sốc lớn với nền điện ảnh từng được cả thế giới ca ngợi.

ú tụt dốc bất ngờ

Tháng 5/2019, đạo diễn Bong Joon-ho đứng giữa sân khấu LHP Cannes, giơ cao giải Cành cọ vàng cho bộ phim Parasite (Ký sinh trùng). Khoảnh khắc ấy như minh chứng cho sự lên ngôi của điện ảnh Hàn Quốc trên bản đồ thế giới.

Đạo diễn Bong Joon-ho (trái) và diễn viên Song Kang-ho cầm cúp Cành cọ vàng của phim Ký sinh trùng tại LHP Cannes lần thứ 72, năm 2019 – Ảnh: EPA-Yonhap

Thế nhưng chỉ 6 năm sau, điện ảnh Hàn Quốc trải qua cú tụt dốc bất ngờ: không một phim truyện nào của Hàn Quốc, dù chính thức hay không chính thức, góp mặt tại Cannes 2025. Đây là lần đầu tiên sau 26 năm điều này xảy ra, khiến giới làm phim trong nước bàng hoàng.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, sự loại trừ chưa từng có trong năm nay không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà còn phản ánh những vấn đề sâu sắc hơn trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Trong đó sự chuyển dịch sang các nền tảng phát trực tuyến được coi là một yếu tố chính.

Tờ The Korea Times dẫn lời Shim Eun-jin, giảng viên bộ môn sân khấu và điện ảnh tại Đại học Cheongju: “Phim Nhật Bản tiếp tục thu hút sự chú ý tại Cannes và đúng là sản lượng phim Hàn Quốc đang giảm. Một lượng lớn nội dung Hàn Quốc hiện đang được sản xuất tập trung vào các nền tảng phát trực tuyến. Sự thay đổi trong mô hình làm phim, chuyển từ mô hình lấy rạp chiếu phim làm trung tâm sang mô hình lấy phát trực tuyến làm trung tâm, là lý do chính khiến phim Hàn Quốc vắng bóng tại Cannes năm nay”.

Ngày 16/4, LHP Cannes công bố thêm danh sách phim tham dự ở các hạng mục phụ như Directors’ Fortnight và Critics’ Week, nhưng kết quả không thay đổi: Hàn Quốc trắng tay hoàn toàn ở các hạng mục dành cho phim truyện.

Lần gần nhất điện ảnh Hàn Quốc không có đại diện chính thức tại Cannes là năm 2013. Khi đó, dù vắng bóng ở hạng mục phim truyện, Hàn Quốc vẫn kịp ghi dấu với phim ngắn Safe của đạo diễn Moon Byoung-gon, giành giải Cành cọ vàng cho Phim ngắn xuất sắc.

Diễn viên Choi Min-sik trong phim Chihwaseon của đạo diễn Im Kwon-taek, bộ phim đã mang về giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes lần thứ 55

Từ năm 1984, khi đạo diễn Lee Doo-yong đưa phim Mulleya Mulleya (còn được gọi là Spinning the Tales of cruelty towards women) đến Cannes, điện ảnh Hàn gần như luôn có mặt tại sự kiện danh giá này (trừ năm 1999). Thập niên qua, loạt thành tựu như Ký sinh trùng (2019) của Bong Joon-ho hay Quyết định rời đi (2022) của Park Chan-wook từng giúp Hàn Quốc giữ vị trí hàng đầu ở các LHP quốc tế.

Ngành phim Hàn được dẫn dắt bởi “tứ trụ” lừng danh, nhóm đạo diễn được gọi tắt là BongParkHongLee: Bong Joon-ho, Park Chan-wook, Hong Sang-soo và Lee Chang-dong. Sau ánh hào quang của họ, một câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ là thế hệ kế thừa?

Tài năng mới không có chỗ trình làng

Theo báo cáo năm 2025 của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Hàn Quốc xếp thứ 9 toàn cầu về doanh thu phòng vé với 875 triệu USD. Song, quy mô không đồng nghĩa với sự cởi mở.

Các chuyên gia nhận định ngành phim Hàn đang gặp rào cản lớn về tính đa dạng và khả năng mạo hiểm sáng tạo. Màn ảnh rộng trong nước phần lớn bị chi phối bởi các nhà phát hành lớn như CJ ENM hay Lotte Entertainment, vốn ưu tiên phim thương mại dễ sinh lời.

“Vấn đề như độc quyền rạp chiếu, khó khăn của phim nghệ thuật hoặc độc lập trong việc tìm suất chiếu không mới, nhưng cũng chưa được giải quyết triệt để” – nhà phê bình văn hóa Sung Sang-min nhận định.

Thực tế, nhiều khán giả chỉ xem 1 đến 2 phim mỗi năm và thường là phim bom tấn. Điều này khiến các tác phẩm nghệ thuật hoặc phim của đạo diễn trẻ bị chìm trong im lặng, dù có chất lượng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của Hàn Quốc là môi trường điện ảnh tập trung cao độ ở khu vực thủ đô. Các rạp chiếu phim chuyên về phim độc lập và phim nghệ thuật, nơi nhiều nhà làm phim mới thường bắt đầu sự nghiệp, chủ yếu tập trung ở Seoul.

Ở các vùng khác, khán giả và nhà làm phim gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận phim nghệ thuật. Theo các nhà phê bình, kết quả là cả nhà làm phim và khán giả đều phải đối mặt với “môi trường khắc nghiệt hơn nhiều khi bước ra khỏi Seoul”.

Đạo diễn Park Chan-wook (trái) được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất năm 2022 cho phim Quyết định rời đi và diễn viên Song Kang-ho, nam diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong phim Broker của Hirokazu Kore-eda.
Cần sự kiên nhẫn

Không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc đang thiếu những đạo diễn trẻ có tầm ảnh hưởng quốc tế như thế hệ trước. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc ngành phim đã “thụt lùi”.

Sự trưởng thành của một đạo diễn là hành trình dài hơi. Bong Joon-ho phải mất gần 1 thập kỷ sau phim ngắn đầu tay White Collar (1994) mới được công nhận với Memories of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân, 2003). Park Chan-wook cũng chỉ thực sự “vụt sáng” từ Joint security area (Khu vực an ninh chung, 2000), sau 8 năm kể từ phim đầu tay có chưa đến 100 người xem.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là: Sau lần ra mắt đầu tiên, liệu họ có cơ hội thứ hai?

“Ngay cả khi một đạo diễn mới nhận được tài trợ và làm bộ phim đầu tay thu hút, thì cũng rất ít hệ thống hỗ trợ để họ làm phim tiếp theo” – Sung nói – “Sự thừa nhận quốc tế thường đến với những đạo diễn có cá tính và phong cách riêng, điều chỉ hình thành qua những tác phẩm không thuộc dòng phim thương mại”.

Tính đến giữa tháng 4/2025, bộ phim hoạt hình ngắn Glasses của đạo diễn Joung Yu-mi là tác phẩm Hàn Quốc duy nhất được mời đến Cannes năm nay, tham gia hạng mục phim ngắn của Critics’ Week.

Tín hiệu tích cực tuy nhỏ nhưng cho thấy tiềm năng vẫn còn, nếu ngành điện ảnh có đủ kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn.

“Cần mở rộng không gian để các phim đa dạng được ra rạp” – Sung nhấn mạnh – “Chỉ khi đó, các đạo diễn trẻ mới có cơ hội được nhìn nhận, phát triển và định hình tiếng nói riêng”.

Theo Báo Phụ Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *