Đàn ông trang điểm: Từ phán xét đến bước ngoặt cho ngành mỹ phẩm

20:18 | 22/10/2020
Chuyện đàn ông trang điểm vốn đã phổ biến từ cách đây hàng ngàn năm, nhưng sau đó lại bị hạn chế. Đến nay, nó đã tạo bước ngoặt mới cho công nghiệp làm đẹp.

Đàn ông xưa trang điểm vì nhiều lý do khác nhau

Vài ngàn năm trước công nguyên, đàn ông Ai Cập đã sử dụng mực đen để vẽ viền lên đôi mắt của họ. Một vài thiên niên kỷ sau, kohl eyeliner (kẻ mắt), eyeshadow (phấn mắt) xanh khổng tước cũng như màu môi và má làm từ thổ hoàng đỏ cũng dần trở nên phổ biến. Make-up ở thời kỳ này mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Người Ai Cập tin rằng màu mắt xanh sẽ gợi lên hình ảnh của những vị thần Horus và Ra, giúp họ tránh được những căn bệnh có hại cho sức khỏe.

Đàn ông Ai Cập cổ đại đã biết trang điểm.

Công dụng này đã được xem xét dưới góc độ khoa học và được công bố vào năm 2010 trên tạp chí khoa học Analytical Chemistry của Hiệp hội Hóa học Mỹ.

Việc phân tích thành phần hóa học của các chất đựng trong 52 hũ mỹ phẩm Ai Cập cổ đại bảo quản ở Bảo tàng Louvre cho thấy tất cả đều là hợp chất chứa chì như galena, cerussite, laurionite và phosgenite. Theo các nhà khoa học, chính chất chì trong mực vẽ mi đã giúp người Ai Cập cổ đại không bị viêm mắt – một chứng bệnh thường xuất hiện theo các đợt lũ sông Nile – vì nó tạo ra một lớp viền ngăn vi khuẩn lan từ da vào mắt.

Bên cạnh đó, đường kẻ mắt đen ấn tượng mà họ sử dụng nhằm mục đích gợi nhớ đến sự giàu sang và quyền lực.

Ở đế chế La Mã vào thế kỷ thứ I sau công nguyên, nhiều người đàn ông đã biết sử dụng sắc tố đỏ để đánh lên gò má của họ. Họ còn làm sáng da bằng phấn phủ, sơn móng tay của mình bằng thuốc giảm đau bụng chiết xuất từ mỡ và máu lợn. Không chỉ vậy, họ còn vẽ lên đầu mực và phấn đen, nhằm làm tóc trông dày hơn và xóa đi những vết hói kém thẩm mĩ.

Người la Mã biết dùng mực để phủ vết hói trên đầu.

Đến thế kỷ XVIII, việc trang điểm thực sự mang ý nghĩa làm đẹp. Những người đàn ông quý tộc ở Pháp dưới thời vua Louis XVI thường xuyên make-up. Ngoài ra, họ còn sử dụng những đôi giày cao gót và khăn lông choàng cổ như phái nữ để thể hiện sự sang trọng và quý phái.

Hàng năm, đàn ông trong bộ tộc Wodaabe (một trong những bộ tộc lớn nhất Trung và Tây Phi) tham gia một cuộc thi sắc đẹp, họ dành 6 giờ để trang điểm nhằm gây ấn tượng với phụ nữ.

Muốn lấy được vợ, những người đàn ông thuộc bộ tộc Wodaabe phải biết trang điểm.

Suốt một thời gian dài, việc đàn ông trang điểm bị hạn chế

Sau cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799), các loại kem phấn không còn được các quý ông nước này dùng đến.

Ở Mỹ, một khảo cứu về lịch sử mỹ phẩm Mỹ của Bảo tàng lịch sử Smithsonian đã viết về việc trang điểm như sau: “Vào thế kỷ 18, người Mỹ, cả nam và nữ, của tầng lớp trên đều trang điểm. Nhưng không lâu sau cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783), việc dùng mỹ phẩm “tô vẽ’ (mỹ phẩm có màu cho môi, da, mắt và móng tay) ở cả hai giới dần dần không được xã hội chấp nhận nữa”.

Vào thế kỷ 19, trang điểm ở Anh đã bị Nữ hoàng Victoria (1819-1901) xem là không đứng đắn, thô tục, và chỉ được dùng cho các diễn viên.

Trong những năm cuối của thế kỷ XIX, xu hướng make-up cho nam giới có nhiều thay đổi, nhiều người cho rằng chỉ nữ giới mới trang điểm. Trường hợp nam giới trang điểm chỉ được áp dụng cho những nghệ sĩ rock and rollers hoặc các diễn viên…

Theo Marc Jacobs – nhà thiết kế thời trang người Mỹ, phấn son chỉ biến mất trên khuôn mặt đàn ông Mỹ sau các cuộc chiến: “Đó là vì trong Cách mạng Mỹ, kiểu chưng diện bắt mắt của đàn ông hay làm đỏm kiểu con công – một điển hình lâu đời của chế độ quân chủ – đã được thay thế bằng hình tượng nam tính giản dị hơn tôn vinh kiểu binh sĩ trận mạc khỏe khoắn”.

Nhưng cuối cùng, việc đàn ông trang điểm đã trở lại và được nhìn nhận cởi mở hơn

Cùng với sự phát triển của điện ảnh, truyền hình và công nghiệp biểu diễn, 100 năm qua, mỹ phẩm đã dần trở lại trên khuôn mặt đàn ông. Danh hài Charlie Chaplin kẻ viền đen quanh mắt để có một khuôn mặt gây cười trên màn ảnh những thập niên đầu thế kỷ 20.

Danh hài Charlie Chaplin kẻ viền đen quanh khi biểu diễn.

Ngôi sao Michael Jackson luôn tô son, đánh phấn đậm trong các show diễn và cả ngoài đời thường từ những năm 1980 đến cuối đời.

Vào giữa những năm 2000 – khi mà nhạc Pop trở nên đa dạng hơn, các ngôi sao nhạc Pop trình làng nhiều hơn thì một từ mới cũng xuất hiện, đó là “guyliner”. Từ này được ghép từ 2 từ là “guy” (chàng trai) và “eyeliner” (kẻ mắt), dịch nôm na là “chàng trai kẻ mắt”. Pete Wentz, Jared Leto, Adam Lambert là những cái tên gắn liền với từ mới này.

Trong hai thập niên trở lại đây, nghệ sĩ Âu – Mỹ đã không che giấu việc mình dùng mỹ phẩm, và các “mỹ nam Hàn Quốc” môi son má phấn đậm chất nữ tính cũng góp mặt vào trào lưu này.

Idol Hàn Quốc đã quen với việc trang điểm.

Ở Việt Nam, đàn ông trang điểm cũng không hề hiếm gặp.

Sự trở lại này đã tạo bước ngoặt mới cho nền công nghiệp mỹ phẩm

Năm 2008, Yves Saint Laurent đã cho ra đời một dòng sản phẩm dành cho nam giới mang tên Touche Éclat.

Vài năm sau, những công ty mỹ phẩm có tên tuổi như Covergirl hay Maybelline cũng công bố những gương mặt nam đại diện đầu tiên cho thương hiệu của họ, tạo tiếng vang lớn trong cộng đồng làm đẹp.

Năm 2017, Hãng mỹ phẩm Tom Ford (TF) giới thiệu hai sản phẩm dành cho đàn ông là gel chải lông mày và kem che khuyết điể. Chúng được giới thiệu là có tác dụng làm mờ đốm mụn đỏ, quầng thâm mắt.

Năm 2018, Chanel tung ra dòng mỹ phẩm dành cho nam có tên là Boy De Chanel với kem nền pha màu, sáp bôi môi dạng mờ (matte), chì lông mày bốn màu. Chiến dịch quảng bá sản phẩm được Chanel khởi động vào tháng 9/2018 ở Hàn Quốc với sự tham gia của gương mặt đại diện là diễn viên Lee Dong-wook trước khi bước ra thị trường toàn thế giới.

Bộ mỹ phẩm trang điểm dành cho nam Boy De Chanel và gương mặt đại diện là nam diễn viên điện ảnh Hàn Quốc Lee Dong-wook.

“Sắc đẹp không phải là vấn đề về giới tính mà là vấn đề về phong cách”, Chanel viết trong một thông cáo báo chí giới thiệu dòng mỹ phẩm Boy De Chanel.

Đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp làm đẹp cho nam giới đang ngày càng được quan tâm hơn, nó không còn thô sơ mộc mạc mà cũng được trau chuốt chẳng kém gì mỹ phẩm dành cho nữ. Những món đồ trang điểm dành cho nam đang ngày càng đa dạng hơn với sáp môi dưỡng ẩm, mascara, mặt nạ đất sét, kem nền có màu, bên cạnh những sản phẩm chăm sóc đã trở thành truyền thống như sữa dưỡng thể, kem dưỡng da, dưỡng mắt…

Bước sang thế kỷ mới, nam giới đã được phép làm đẹp một cách đàng hoàng hơn.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *