Ở tuổi 45, BTV Thúy Hằng VTV chia sẻ rằng, chị sống điềm tĩnh và nhẹ nhàng hơn, thích vào bếp, nấu những món ngon cho gia đình.
BTV Thúy Hằng (tên đầy đủ là Phạm Thúy Hằng, SN 1980) là một trong những gương mặt MC, BTV quen thuộc của VTV. Chị được khán giả yêu mến qua lối dẫn chương trình tự nhiên, giọng nói nhẹ nhàng và ngoại hình dịu dàng, đậm chất Á Đông.
Trong dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, tên tuổi của BTV Thúy Hằng bất ngờ lan tỏa trên mạng xã hội sau một khoảnh khắc xử lý thông minh, tinh tế và khéo léo trong chương trình truyền hình trực tiếp tại Công viên Bến Bạch Đằng (TPHCM).
Khi phỏng vấn nhanh một bé gái tại sự kiện, nữ BTV gặp tình huống khó: Cô bé lúng túng không biết trả lời. Bằng sự nhạy bén, Thúy Hằng nhẹ nhàng chuyển hướng câu hỏi: “Trên áo con ghi chữ gì đây nè?”, giúp em bé tự tin đọc to dòng chữ: “Tôi yêu Việt Nam”.
Khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đắt giá ấy nhanh chóng lan truyền trên các nền tảng số, được khán giả dành nhiều lời khen vì vừa đáng yêu, vừa xúc động, lại truyền đi một thông điệp tích cực đúng dịp lễ trọng đại.
Hai tuần sau màn phỏng vấn gây sốt, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, BTV Thúy Hằng cởi mở chia sẻ về cuộc sống, công việc và những thay đổi của bản thân khi bước qua tuổi 40.
Còn nhiều điều tiếc nuối
BTV Thúy Hằng được nhắc đến nhiều hơn sau màn phỏng vấn gây sốt tại đại lễ 30/4 vừa qua. Chị cảm thấy thế nào?
– Việc khán giả quan tâm, nhắc đến hay dành tình cảm cho một khoảnh khắc lên sóng nào đó luôn là niềm vui và sự động viên rất lớn với những người làm truyền hình như chúng tôi.
Trong đại lễ 30/4, tôi chỉ tập trung vào phần việc của mình như bao chương trình từng tham gia, chỉ biết cố gắng làm tốt để đóng góp cho tổng thể sự kiện trọng đại. Cũng không ngờ lại nhận được phản hồi tích cực như vậy.
Tôi nghĩ điều khiến khoảnh khắc đó ghi dấu ấn mạnh mẽ không phải từ người dẫn, mà nhờ cảm xúc thật của những người dân trả lời phỏng vấn tại hiện trường. Chính sự tự nhiên và cảm xúc chân thật của họ đã lan tỏa cả bầu không khí tự hào đó đến khán giả đang ngồi trước màn hình.
Thêm điều đặc biệt cộng hưởng vào khoảnh khắc ấy chính là niềm hân hoan đang sẵn có trong lòng tất cả người dân mình. Tôi khi ấy chỉ làm nhiệm vụ kết nối, và thật may là cảm xúc đã chạm được đến khán giả.
Chị có thể chia sẻ thêm về kỷ niệm vui và đặc biệt đó?
– Bé gái tôi phỏng vấn được chọn ngẫu nhiên ngay tại hiện trường, chỉ vài phút trước khi lên sóng. Tôi quan sát thấy bé vẫy tay chào các đoàn diễu binh rất nhiệt tình, nên đoán bé mạnh dạn. Nhưng có lẽ do thấm mệt bởi nắng nóng và đông người, nên lúc lên sóng bé lại có phần e dè. Lúc bé nói “con không biết” làm tôi hơi giật mình nhưng cũng thấy thương. May mắn là cô bé lấy lại tinh thần rất nhanh.
Trong chương trình truyền hình trực tiếp ngày 30/4, chị cũng chia sẻ rằng vẫn còn nhiều điều tiếc nuối. Chị có thể nói rõ hơn về những cảm xúc đó?
– Với một chương trình quy mô và ý nghĩa như Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, điều tiếc nuối lớn nhất của tôi là không thể chuyển tải hết những câu chuyện giá trị.
Nhiều bác cựu chiến binh có mặt hôm đó – mỗi người tự hào gắn trên mình huân, huy chương – đều là mỗi câu chuyện bằng xương máu.
Các bác cựu binh trong cuộc phỏng vấn của tôi cũng là chọn ngẫu nhiên, nhưng trước đó tôi đủ thời gian để được nghe kể về khoảnh khắc các bác ấy cùng nhau tiến vào Sài Gòn năm 1975, và nay lại cùng nhau đi xem ngày hội của hòa bình. Câu chuyện vô cùng ý nghĩa. Nhưng vì thời lượng giới hạn nên tôi đã phải gói ghém thật gọn cuộc phỏng vấn để có thể chuyển tải đủ thông điệp mình mong muốn.
Nghề truyền hình là vậy, chúng tôi luôn phải chọn lọc, tiết chế. Có khi trong một buổi phát sóng chỉ vài phút, bạn phải gói trọn không khí, thông điệp và cảm xúc. Đó là thách thức lớn với nghề chuyển tải nội dung và cũng là điều mà tôi vẫn đang phải trau dồi trong công việc mỗi ngày.
Từng bối rối, lên sóng với tâm thế lo lắng
Trở lại với điểm xuất phát, chị có thể chia sẻ về cơ duyên nào đã đưa chị từ một sinh viên ngành Luật đến với công việc truyền hình, và điều gì đã khiến chị quyết định gắn bó lâu dài với nghề này?
– Tốt nghiệp ngành Luật nên tôi học được cách tư duy và tính cẩn trọng. Đây cũng là những yếu tố cần thiết cho công việc biên tập – dẫn chương trình.
Khi bén duyên với truyền hình, tôi nhanh chóng bị hấp dẫn và cuốn vào công việc. Mỗi chương trình, mỗi bản tin, mỗi lần lên sóng… đều là những trải nghiệm mới mẻ và nhiều cảm xúc. Đến bây giờ, cũng kha khá thâm niên rồi nhưng vẫn cảm thấy luôn như thế.
Khi mới bắt đầu công việc tại VTV, chị đã trải qua những khó khăn và thử thách nào? Có kỷ niệm đáng nhớ nào mà chị muốn chia sẻ?
– Thời điểm tôi bắt đầu, internet và các công cụ hỗ trợ chưa mạnh mẽ như bây giờ. Bản thân tôi lúc đó chưa được đào tạo bài bản về báo chí, nên mọi thứ đều phải tự học hỏi và tích lũy.
Không ít lần bối rối giữa hàng loạt thông tin, có lúc lên sóng với tâm thế lo lắng… nhưng chính những lần trải qua đó lại trở thành nền tảng quý giá cho tôi.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại VTV1, chị chuyển về công tác tại VTV9 và đảm nhận chương trình “Toàn cảnh 24h”. Công việc hiện tại có gì khác biệt so với trước đây, và chị cảm nhận ra sao về sự thay đổi này?
– Dù kênh nào thì cũng là hệ thống VTV, tôi luôn thấy vui với công việc và tự thấy mình có tình yêu nghề thật sự bền bỉ. Đúng là thời gian làm bản tin Thời sự 19h tại VTV1 là một giai đoạn vô cùng đặc biệt, bởi tôi được rèn luyện trong môi trường làm báo chuẩn mực và áp lực cao nhất.
Khi quay trở lại VTV9, các bản tin Thời sự nói chung và Toàn cảnh 24h nói riêng cũng có tính chất tương tự nên công việc của tôi không khác biệt nhiều.
Hiện tại, ngoài các công việc của BTV thì tôi tham gia thêm mảng đào tạo đội ngũ MC trẻ. Tôi coi đây là một giai đoạn chuyển tiếp thú vị và cũng là cơ hội để làm mới bản thân.
Trong chương trình “Toàn cảnh 24h”, chị không chỉ dẫn chương trình mà còn tham gia biên tập và lên kịch bản. Chị có thể chia sẻ về quá trình làm việc và những thách thức trong vai trò đa nhiệm này?
– Tất cả người dẫn Thời sự của VTV đều phải tự biên tập và làm kịch bản trước khi dẫn. Điều này giúp chúng tôi hiểu sâu vấn đề và chuyển tải thông tin đến khán giả tốt hơn.
Các bản tin của VTV9 cũng có quy trình như thế, chỉ khác ở đặc điểm phản ánh hơi thở cuộc sống của người dân phương Nam, nên chúng tôi đặc biệt lưu ý dùng văn phong đơn giản và cách thể hiện gần gũi với người dân nhất có thể.
Sau gần 20 năm gắn bó với truyền hình, điều gì đã giúp chị duy trì đam mê và năng lượng trong công việc?
– Đơn giản thôi, tôi yêu thích công việc. Tính chất báo chí cho tôi thông tin mới mẻ mỗi ngày. Tôi có cơ hội đến những nơi đặc biệt, làm những chương trình tạo dấu ấn, gặp gỡ những nhân vật truyền cảm hứng, và rất nhiều điều ý nghĩa khác.
Môi trường làm nghề dù có thử thách nhưng cũng có ghi nhận, có khó khăn nhưng có sự chia sẻ. Và quan trọng là tôi cũng luôn được cấp trên đặt vào những vị trí phù hợp về cả năng lực và điều kiện cá nhân. Đó là những giá trị khiến tôi gắn bó.
Cuộc sống ai cũng có nỗi niềm riêng
Chị sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên ở TPHCM, việc sống giữa hai miền văn hóa có ảnh hưởng gì đến tính cách và con người chị?
– Tôi nghĩ điều đó tạo nên một sự pha trộn rất thú vị. Tôi sinh ra ở Hà Nội, gia đình gốc Bắc. Sau đó vào Nam sinh sống, giọng nói dần chuyển sang giọng miền Nam, tự nhiên như một quá trình thấm dần vào nếp sống thường ngày.
Rồi giọng Nam ấy lại theo tôi ra Hà Nội, gắn bó với công việc truyền hình phục vụ khán giả cả nước. Đôi khi tôi thấy đời mình như một vòng lặp đầy duyên: Sinh ra ở Bắc, lớn lên ở Nam, làm việc ở VTV thì việc ra Bắc vào Nam cũng là thường xuyên. Tôi mang những trải nghiệm, bản sắc dung hòa của cả hai miền vào con người và cá tính công việc của mình.
Nét Bắc và nét Nam nào đậm trong chị?
– Tôi yêu những giá trị truyền thống mà người Bắc gìn giữ, nhất là trong nếp sống gia đình – chẳng hạn như không khí ấm cúng của bữa cơm đông đủ, hay tinh thần lễ hội rộn ràng của miền Bắc mỗi dịp xuân về.
Nhưng đồng thời, tôi cũng rất thoải mái với sự cởi mở, linh hoạt, không quá câu nệ hình thức của người miền Nam. Cái chất Nam đó khiến tôi dễ hòa nhập, dễ sẻ chia, đặc biệt trong môi trường làm việc. Với gia đình, tôi luôn cố tạo sự gần gũi qua những điều nhỏ nhặt như bữa ăn mỗi ngày. Còn trong công việc, tôi chọn cách làm việc thật chân thành và dễ chịu, để ai cũng cảm thấy mình được lắng nghe và tôn trọng.
Điều gì ở bản thân khiến chị cảm thấy hài lòng nhất?
– Có lẽ là sự ôn hòa. Tôi có thể dễ dàng thích nghi với mọi môi trường và biết cách dung hòa với những người xung quanh.
Trong công việc, hiện tại tôi dẫn dắt đội ngũ BTV dẫn chương trình của VTV9 – mỗi người một cá tính, một màu sắc riêng – thì sự ôn hòa giúp tôi duy trì được không khí đoàn kết, không xảy ra mâu thuẫn hay căng thẳng gì đáng kể.
Tôi luôn quan sát và điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp: Người này cần nhẹ nhàng, người kia cần thẳng thắn, tôi đều có thể “nương theo” để mọi thứ được suôn sẻ, làm sao để mọi người có được điều kiện làm việc dễ chịu nhất.
Ngoài sự linh hoạt, chị có phải là người có tính cách mạnh mẽ, quyết đoán?
– Tôi không nghĩ nhiều về khái niệm “quyết đoán”, nhưng trong những chuyện liên quan đến cuộc sống cá nhân, tôi luôn là người đưa ra quyết định. Như khi được phân công ra Hà Nội làm việc, con tôi khi ấy còn rất nhỏ.
Việc thay đổi môi trường sống rõ ràng không đơn giản, nhưng tôi không quá đắn đo hay sợ hãi. Một phần vì yêu cầu công việc, một phần vì bản thân tôi cũng mong muốn có sự đổi mới. Tôi biết sẽ có nhiều thử thách, nhưng tôi tin rằng: Khó đến đâu, mình sẽ tìm cách tháo gỡ đến đó.
Hiếm khi thấy chị chia sẻ về đời tư. Phải chăng phía sau hình ảnh một người phụ nữ luôn rạng rỡ, vui vẻ cũng có những góc khuất riêng?
– Cũng không có gì đặc biệt, chỉ là tôi chọn cách không nói nhiều về chuyện riêng tư. Tôi nghĩ, khán giả biết đến mình trong vai trò người dẫn chương trình thì hãy cứ dừng lại ở công việc thôi. Còn đời sống cá nhân, ai cũng có những nỗi niềm riêng và tôi muốn giữ điều đó cho mình.
Nhiều khán giả tò mò, trong gia đình, BTV Thúy Hằng là một người mẹ, một người vợ như thế nào?
– Tôi cũng giống như bao người vợ, người mẹ khác. Luôn cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình. Giai đoạn này, tôi xác định mình không thể mải mê chạy theo công việc mãi được mà cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi cũng đang từng bước xây dựng một đội ngũ kế cận để san sẻ bớt áp lực.
Con trai tôi năm nay bước vào tuổi vị thành niên – giai đoạn rất cần sự đồng hành. Tôi muốn dành nhiều thời gian bầu bạn, chia sẻ với con hơn là chỉ dõi theo từ xa như trước.
Bước qua tuổi 40, chị có nhận xét gì về bản thân?
– Bước qua tuổi 40, tôi cảm thấy mình sống điềm tĩnh và nhẹ nhàng hơn. Những thay đổi này cũng kéo theo sở thích mới như nấu nướng. Tôi thích tìm hiểu công thức mới để làm món ăn cho gia đình.
Ngoài công việc truyền hình, chị có sở thích hay đam mê nào khác giúp chị thư giãn, giải tỏa áp lực công việc và tái tạo năng lượng?
– Khi gặp áp lực, tôi cho phép mình nghỉ ngơi, thư giãn. Ngoài công việc thì tôi dành thời gian cho gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân. Thể thao đều đặn và một chút bếp núc là cách tôi thư giãn.
Tôi cho rằng, phụ nữ không nên chỉ gắn mình với công việc hay quá nhiều vai trò. Quan trọng là có không gian riêng để cân bằng cuộc sống.
Cảm ơn chị vì những chia sẻ!