Hơn 100 tác phẩm tranh, tượng, ký họa của những người một thời “vừa cầm bút vẽ vừa cầm súng” đang được giới thiệu, trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM trong chuyên đề Kể chuyện sau ngày thống nhất.
Từ trước đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức không ít triển lãm về mỹ thuật kháng chiến nhưng chuyên đề trưng bày Kể chuyện sau ngày thống nhất lần này đặc biệt hơn khi kết hợp giữa tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và sáng tác của các nghệ sĩ Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng. Theo ông Trần Minh Công – Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM – đây không đơn thuần là 1 sự kiện nghệ thuật mà còn là hành trình kể lại câu chuyện của thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã mang theo hình ảnh, ý niệm về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trên chặng đường sáng tạo.
Qua 4 chủ đề: Ký họa chiến trường, Hồi ức bão lửa, Những khoảng lặng và Góc nhìn hôm nay, người xem có cơ hội nhìn lại 1 giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc và thấy cả những chuyển biến nội tâm, nỗi niềm của những nghệ sĩ từng đi qua chinh chiến. Trong đó, ở 3 chủ đề đầu tiên, công chúng gặp lại những tác phẩm danh tiếng được Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sưu tập, như: Truy kích (Trang Phượng), Trạm giao liên (Nguyễn Văn Đệ), Xuống đường (Phạm Đỗ Đồng), Vết tích xe tăng giặc (Huỳnh Văn Thuận), Đại lộ kinh hoàng (Phạm Hoàng)… Nhìn lại những nét bút vội vã mà rắn rỏi ở các ký họa chiến trường, người xem có thể cảm nhận không khí khẩn trương trước khi bước vào trận đánh hay khoảng lặng giữa các trận giao tranh.
Dù kích cỡ chỉ nhỏ cỡ trang vở học trò hay đường nét, bố cục giản đơn, đơn sắc…, ký họa chiến trường vẫn chiếm vị trí đặc biệt trong nền mỹ thuật nước nhà, để lại nhiều cảm xúc đối với những người từng đi qua chiến tranh và lay động mọi trái tim biết rung cảm vì quê hương đất nước.
“Những bức ký họa chiến trường là tài sản vô giá. 100 năm sau, các họa sĩ có thể vẽ lại cuộc chiến đấu hào hùng này nhưng những bức ký họa có được nhờ sự hy sinh, sự quyết tâm vượt qua bom đạn ác liệt mãi mãi không có nữa vì lịch sử đã sang trang” – họa sĩ Nguyễn Thị Hồng Xuân nói.
Nối tiếp dòng chảy ký ức với những sáng tác mới, chủ đề Góc nhìn hôm nay tiếp tục ghi nhận những cái tên từ Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng như: Phan Hữu Thiện, Trang Phượng, Trần Xuân Hòa, Hồng Xuân, Quách Phong, Huỳnh Thị Kim Tiến, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Xuân Tiên… với tinh thần hứng khởi, mới mẻ, cởi mở. Ký ức về cuộc chiến vĩ đại mà mình là một phần trong đó tiếp tục là nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ nhưng thêm vào nhiều chiêm nghiệm, nhiều suy tư lắng đọng theo độ lùi của thời gian.
“Tác phẩm của họ không chỉ là những ghi chép bằng hội họa về một thời khói lửa mà còn là nền tảng tinh thần nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và chiều sâu cho hành trình sáng tạo của thế hệ sau, để nghệ thuật không ngừng phát triển và tiếp nối những giá trị truyền thống cốt lõi” – ông Trần Minh Công nhận định.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 8/6.