Sân khấu của người trẻ

09:49 | 23/05/2025

Vừa qua, đời sống cải lương TPHCM đón nhận một sân khấu mới: We của ông “bầu” Tuấn Đạt. Với việc dựng lại vở tuồng xưa Gánh cỏ sông Hàn, sân khấu nhận được sự chú ý khi tập hợp những gương mặt trẻ, có sắc vóc, giọng ca hay, cho thấy sức sống mới đầy mạnh mẽ của sân khấu cải lương thành phố hiện nay.

Góp sức cho nghệ thuật cải lương truyền thống

Sự kiện ra mắt sân khấu We (nguyên là Phòng trà We) với vở cải lương Gánh cỏ sông Hàn – một tác phẩm cải lương kinh điển mà hơn 40 năm qua chưa có sân khấu nào dàn dựng (chỉ có phiên bản ghi hình phát sóng của đài truyền hình và thu hình – phát hành băng đĩa vào những năm 1980), là hoạt động đầu tiên mở màn cho dự án nghệ thuật dài hơi được ông bầu Tuấn Đạt ấp ủ từ lâu.

“Tôi rất mê cải lương, thường xuyên đến rạp xem hát. Từ lâu, tôi ấp ủ sẽ đầu tư thực hiện một sân khấu cải lương dành cho các bạn trẻ, những người chưa có nhiều dịp được đứng trên sân khấu lớn, để các bạn có cơ hội phát huy tài năng, có thêm nơi để học nghề, làm nghề và khán giả có được những vở diễn hay để thưởng thức”, Tuấn Đạt chia sẻ.

Vở diễn ra mắt của We bên cạnh việc nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ hết mình của nữ đạo diễn NSƯT Hoa Hạ và soạn giả Hoàng Song Việt còn có sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ thành danh, như: NSƯT Bảo Trí, Ngọc Đợi, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường (Chuông vàng Vọng cổ 2014)… và đặc biệt là dàn diễn viên trẻ: Khánh Dư, Lý Trung Cương, Trọng Hiếu, Biện Thuy, Phạm Vũ Thành, Thành Thuận, Hoàng Chương…

Ê kíp thực hiện vở cải lương dã sử Việt Nam Gánh cỏ sông Hàn

ạo diễn – NSƯT Hoa Hạ tâm tư: “Các nghệ sĩ trẻ tham gia vở Gánh cỏ sông Hàn đều có nhiều năm theo đuổi nghệ thuật cải lương, nhưng vì hoàn cảnh, cuộc sống đưa đẩy, các em phải xa sân khấu. Bây giờ, khi có cơ hội được trở về với nghề mình say mê, yêu thích, các em đã dồn tâm sức và dành nhiều thời gian hơn cho sân khấu để tạo ra những tác phẩm tốt. Khi các em nỗ lực và cố gắng thì tôi tin chắc các em sẽ thành công”.

Góp mặt trong Gánh cỏ sông Hàn còn có NSƯT Bảo Trí, nam nghệ sĩ kỳ cựu, đa năng, đa tài của sân khấu thành phố. Anh cho biết: “Khi được mời tham gia một dự án sân khấu cho người trẻ, tôi rất vui khi được cộng tác với những bạn diễn viên trẻ, để có thể góp chút sức, hỗ trợ các em có cơ hội tỏa sáng. Tôi cũng mong các bạn diễn viên trẻ sẽ truyền cảm hứng đến công chúng trẻ, để các bạn thêm hiểu và yêu thích nghệ thuật cải lương hơn, qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.

Giúp thế hệ trẻ mạnh mẽ kế thừa

Nhiều năm qua, nghệ sĩ Nguyễn Minh Trường (Chuông vàng Vọng cổ 2014) đã khẳng định tài năng, là một giọng ca hay, hội đủ sắc vóc, kỹ thuật ca diễn trên sân khấu cải lương truyền thống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời gian qua anh chỉ dừng lại ở vai kép thứ. Chính vì vậy, vai chính trong Gánh cỏ sông Hàn được xem là thời cơ chín mùi để nam nghệ sĩ tỏa sáng nhiều hơn, phát huy tài năng, sở trường ca diễn.

Còn với NSƯT Ngọc Đợi, việc tham gia vở diễn được xem là kinh điển này cùng các nghệ sĩ trẻ có nhiều ý nghĩa. Theo chị, vở diễn không chỉ mang tới một tác phẩm mới đến khán giả thành phố mà hơn thế nữa, sẽ góp phần không nhỏ vào việc bồi dưỡng, trui rèn những nghệ sĩ trẻ, tương lai của sân khấu thành phố, nhất là sân khấu cải lương.

“NSƯT Hoa Hạ rất nghiêm khắc và cũng nhờ đó, nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ đã trưởng thành. Được làm việc với nữ đạo diễn giỏi nghề, nghiêm khắc như chị rất áp lực, nhưng đó chính là may mắn, là động lực lớn cho các diễn viên, nghệ sĩ trẻ trên con đường trui rèn nghề, hoàn thiện vai diễn, nâng cao chuyên môn, kỹ năng ca diễn của chính mình”, NSƯT Ngọc Đợi chia sẻ.

Ở một góc độ khác, đây cũng là những trăn trở của soạn giả Hoàng Song Việt: “Lực lượng kế thừa của sân khấu cải lương rất quan trọng, vậy nên, trong các vở diễn, tôi đều cố gắng giao những vai quan trọng cho các nghệ sĩ trẻ, giúp các em có những cơ hội thể hiện tài năng, tự vượt qua chính mình, dần trưởng thành”.

Gánh cỏ sông Hàn được xem là vở diễn có sự bắt tay giữa các đạo diễn, nghệ sĩ nổi danh, các ông bầu chuyên nghiệp nhằm tạo một môi trường nghệ thuật mới cho nghệ sĩ trẻ thể hiện năng lực.

Hiện không chỉ We mà còn có nhiều sân khấu cải lương cũng đang chú trọng vào hoạt động nuôi dưỡng và phát huy các gương mặt mới, trẻ, có sắc vóc, giọng ca triển vọng… Tất cả đều hướng đến kỳ vọng đây sẽ là thế hệ kế thừa, tiếp nối mạnh mẽ của sân khấu cải lương trong quá trình phát triển cùng với các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác trong đời sống xã hội đương đại.

Theo Báo SGGP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *