Những ngày qua, đồng bào cả nước đều hướng về miền Trung, nên lẽ tất nhiên câu chuyện về việc từ thiện cho người dân nơi đây nhằm khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ cũng được dư luận quan tâm. Hàng loạt người nổi tiếng đã đứng ra kêu gọi, hàng loạt tổ chức từ thiện và các cá nhân, mạnh thường quân đi vào tâm lũ để cứu trợ nhu yếu phẩm, tặng tiền mặt, động viên, thăm hỏi đồng bào. Hình ảnh về những hoạt động từ thiện này gây xúc động cho không chỉ người nhận, mà cho cả cộng đồng.
Trước đó, bởi những ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, các hoạt động từ thiện đã diễn ra liên tục và tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Các hoạt động thiện nguyện như chế tạo, sản xuất, trao tặng thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu, phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí, xây dựng các ATM Gạo hay Siêu thị 0 đồng… làm chúng ta cảm thấy ấm lòng.
Năm 2017, theo số liệu được đưa ra trong khảo sát về chi tiêu có ý thức và hoạt động từ thiện của Mastercard, hơn 78,5% người tiêu dùng Việt Nam có đóng góp cho từ thiện. Với tỷ lệ này, người Việt Nam đã dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về hoạt động từ thiện.
Không thể phủ nhận, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy xã hội vẫn luôn có tình người, và người Việt luôn đùm bọc nhau trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên, chính các hoạt động từ thiện – vốn gắn liền với giá trị chân – thiện – mỹ – lại tạo ra không ít tranh cãi. Hàng loạt lùm xùm liên quan đến các cá nhân, tổ chức làm từ thiện đã khiến dư luận đặt ra vấn đề văn hóa từ thiện mà ở đó, lòng tốt không phải là tất cả.
Lòng tốt là cội nguồn của từ thiện, chứ không phải những con số
Từ xa xưa, từ thiện được xem là căn bản của đạo đức và tình nhân đạo, đó cũng là một đức tính hay đức hạnh cần thiết của con người. Các hoạt động từ thiện thường thấy là cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe hay nâng cao chất lượng giáo dục, y tế…
Có nhiều cách làm từ thiện nhưng không có một hạn mức nào cho việc này, tức là sự đóng góp của mỗi người là khác nhau. Ai có nhiều thì giúp nhiều, ai có ít thì giúp ít, ai không có của cải vật chất thì có thể góp công sức, thời gian, thậm chí gửi lời động viên, thăm hỏi cũng là một cách từ thiện tinh thần đáng quý.
Đối với người Việt, từ thiện gắn chặt với truyền thống “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Mọi sự đóng góp đều đáng quý, và bất kỳ tấm lòng từ thiện nào cũng đều xứng đáng được tôn trọng và ghi nhận.
Trong đợt Covid-19, ca sĩ Min đã bày tỏ quan điểm của mình về các hoạt động từ thiện: “Ai cũng có thể quyên góp và không quan trọng là bạn quyên góp bao nhiêu. Là 10.000 đồng, 100 tỷ đồng hay chỉ là phát miễn phí 100 cái khẩu trang cho người cần nó, tất cả đều đáng quý. Đừng để những bình luận ác ý, so sánh, làm cho việc giúp đỡ, quyên góp trở thành một cuộc đua về con số. Con người chúng ta khác nhau ở nhiều điểm, nhưng đồng tiền ấy cũng là mồ hôi, xương máu của tất cả. Nên dù với mức quyên góp thế nào, xin hãy trân trọng và cảm ơn lẫn nhau”.
Tuy nhiên, “lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo”
Từ thiện đúng cách là khi người làm từ thiện có cả lòng tốt, sự tử tế và tính chuyên nghiệp. Câu chuyện từ thiện không dừng lại ở tính minh bạch mà còn đòi hỏi những báo cáo về tính hiệu quả (lâu dài) của các hoạt động, các chiến dịch.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh – chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển – chia sẻ: “Chỉ lòng tốt thôi thì không thể đi xa, phải cố gắng vươn tới sự chuyên nghiệp và hợp tác, có trách nhiệm với đồng tiền của nhà tài trợ bỏ ra để thu lại hiệu quả tốt nhất. Không chuyên nghiệp thì hạn chế hiệu quả. Biết cách cho thì làm được nhiều việc, giúp được nhiều người hơn”.
Lấy ví dụ về câu chuyện làm từ thiện của Thủy Tiên, rõ ràng, hành động của cô ca sĩ là điều đáng ngưỡng mộ, và số tiền 150 tỷ đồng mà cô kêu gọi được đã cho thấy niềm tin mà cộng đồng dành cho cô. Nhưng số tiền càng lớn thì áp lực càng đè nặng trên vai, đồng nghĩa với việc sẽ có vô số chuyện không ngờ mà tới.
Điển hình như cô đã gặp không ít rắc rối khi hỏi ý kiến dư luận về việc trích xuất tiền ủng hộ miền Trung để giúp đỡ những ni cô bên Nhật Bản, khi thường xuyên livestream để cập nhật hoạt động từ thiện nhưng trong lần livestream mới đây, những lời hỏi han, thăm hỏi người dân của Thủy Tiên lại do người khác “mớm lời”, hay như khi cô đã tạm dừng cứu trợ người dân ở xã Hải Lăng (Quảng Trị) vì thấy nhiều người ở đây đến nhận tiền từ thiện mà lại sơn móng tay, đeo vàng, mặc váy…
Rõ ràng, đó có thể là những sự cố mà phía Thủy Tiên không lường trước được. Nếu không bản lĩnh và không có đội ngũ chuyên nghiệp thì cô khó lòng giải quyết êm xuôi các vấn đề này.
Ngoài tính chuyên nghiệp, tính bền vững cũng là điều then chốt của các hoạt động từ thiện. Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, từ thiện hiệu quả phải tạo được năng lực và bản lĩnh cho người được hỗ trợ để dần dần giúp họ có thể đứng trên đôi chân của mình và tự nắm lấy trách nhiệm của cuộc đời mình. Nếu những người nhận hỗ trợ mà năm này qua năm khác vẫn phải nhận hỗ trợ thì hoạt động từ thiện, hỗ trợ đó là chưa thành công.
Vậy nên, lời khuyên “của cho không bằng cách cho” và câu chuyện “cho con cá hay cho cần câu” vẫn là điều mà các tổ chức, cá nhân từ thiện, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cần quan tâm.
Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện bền vững
Trong lúc cấp bách, các hoạt động từ thiện sẽ hỗ trợ những cái cấp thiết. Nhưng “đã thương thì thương cho chót”, hay nói cách khác, khi những vấn đề cấp bách đã được giải quyết, các hoạt động từ thiện cần xem đến tính lâu dài.
Quỹ từ thiện của tỷ phú Bill Gates là một ví dụ. Quỹ này đã thực hiện các hoạt động thiện nguyện ở các nước đang phát triển như hỗ trợ về vệ sinh, nâng cao chất lượng sống, nghiên cứu vắcxin giá rẻ cho người nghèo…
Hay như mới đây, câu chuyện Hà Anh Tuấn và Dự án Rừng Việt Nam trồng cây gây rừng ở Lâm Đồng và Đà Nẵng đã nhận được sự tán dương của cộng đồng. Theo đó, Hà Anh Tuấn và dự án đã đi theo hướng bền vững – trồng rừng để tái thiết lập hệ sinh thái tự nhiên và hạn chết những tác động nặng nề do mưa lũ.
Sau khi cùng đoàn thanh niên, kiểm lâm và người dân ở 2 tỉnh nói trên hoàn thành việc trồng 1800 cây, Hà Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các lực lượng này trong việc theo dõi, chăm sóc, bổ sung kịp thời nguồn lực nhằm nuôi lớn bền vững các khu rừng đã trồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm việc với các địa phương khác để trồng thêm những cánh rừng mới.
Với những đóng góp nhỏ bé, chúng tôi tin vào hướng đi đang theo đuổi. Thêm một người trồng cây gây rừng thì chúng ta sẽ có thêm cơ hội được sống trong một đất nước giảm thiểu thiên tai.
Trong tình hình bão lũ với nhiều hậu quả đau xót tại miền Trung, niềm tin của chúng tôi càng thêm mạnh mẽ với một góc nhìn lâu dài và bền vững”.
Có thể thấy, với truyền thống nhân đạo lâu đời cùng sự lớn mạnh không ngừng của tầng lớp trung lưu và người giàu ở Việt Nam, việc gây quỹ từ thiện bền vững không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, để làm được điều này, tài chính thôi chưa đủ mà cần có các chính sách hỗ trợ cũng như phương án củng cố, gia tăng niềm tin nơi cộng đồng.
Lai La/Theo TTV24