Thành ngữ tục ngữ là những viên ngọc sáng trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, kết tinh tri thức, kinh nghiệm, trí khôn của nhân dân ta. Việc sử dụng thành ngữ tục ngữ trong văn chương hiện đại hay lời ăn tiếng nói hàng ngày vốn là điều đáng quý và luôn được người Việt phát huy. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân như cách phát âm, cách biến âm… mà một số thành ngữ tục ngữ ngày nay bị dùng sai so với nguyên tác.
Dưới đây là một số ví dụ.
Thuốc đắng dã tật?
Đây là một câu rất quen thuộc, với vế sau là “sự thật mất lòng”. Câu này ám chỉ những thứ dù dù ban đầu gây khó chịu nhưng sau lại mang đến lợi ích nhất định. Hiểu thì là như vậy, nhưng đâu là cách viết đúng của câu này: “Thuốc đắng giã tật”, “thuốc đắng dã tật” hay một cách viết nào khác?
Nhiều người cho rằng “thuốc đắng giã tật” là từ chính xác vì “giã” ở đây mang nghĩa “bỏ vào cối chày mà đâm”; “giã tật” tức “giã nát bệnh tật”. Nhưng rõ ràng cách nói này chưa xuất hiện bao giờ.
Một số ý kiến khác lại giảng: “giã” nằm trong “giã biệt”, “giã tật” là “giã biệt bệnh tật”. Nhưng chữ “giã” với nghĩa như vậy thường mang sắc thái bịn rịn, nhớ thương, như “giã bạn”, “từ giã”… còn ở đây với bệnh tật thì có gì mà lưu luyến?
Một số đông khác thiên về phương án “thuốc đắng dã tật” và giải thích “dã” ở đây là “làm cho giảm bớt”. Cách giải thích này có vẻ có lý vì trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của giảng: “Dã: Làm cho mất sức, bớt sức. Dã thuốc độc: làm cho bớt vị độc. Dã rượu: làm cho bớt say…”.
Thoạt nghe có vẻ như “thuốc đắng dã tật” rất hợp lý, nhưng cần lưu ý rằng hai vế của câu cần phải có sự tương đồng với nhau: “thuốc đắng” tương ứng với “sự thật”, “tật” tương ứng với “lòng” thì “dã” cần tương ứng với “mất”. Nhưng “dã” chỉ có nghĩa là vơi bớt, trong khi “mất” thì làm cho biến đi hoàn toàn, có vẻ không khớp nhau cho lắm.
Kì thực, đáp án đúng là “đã”. Đây là một từ Việt cổ được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức với nghĩa là “khỏi” (bệnh). Từ này cũng xuất hiện rất nhiều trong kho tàng ca dao tục ngữ, có thể kể đến như “khó muốn giàu, đau muốn đã”, “đau chóng, đã chầy”…
Tóm lại, câu gốc phải là “thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng”. Sau này, từ “đã” bị mất nghĩa nên mới dẫn tới việc dùng sai qua các dị bản “giã tật” và “dã tật” như ngày nay.
Ra ngô ra khoai?
Câu này vốn để chỉ việc làm cho cái gì đó mập mờ, lẫn lộn trở nên rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Chúng ta đã quen nói “ra ngô ra khoai” nhưng liệu cách nói này có đúng?
Kỳ thực, ngô với khoai là hai lương thực rất dễ phân biệt, không hề mập mờ, gây nhẫm lẫn, chỉ cần nhìn qua là chúng ta đã phân biệt được đâu là ngô, đâu là khoai. Vậy nên nói “ra ngô ra khoai” có vẻ không được hợp lý lắm.
Đúng vậy, cách nói chuẩn phải là “ra môn ra khoai”. Theo đó, “môn” ở đây là khoai môn, còn “khoai” là khoai sọ. Hai loại khoai này vốn có hình thù tương đối giống nhau, nếu không phải là người am hiểu tường tận thì khó mà phân biệt được.
Cho nên, cách nói “ra môn ra khoai” đúng hơn cả.
Chân nam đá chân chiêu?
Khi miêu tả ai đó có dáng đi loạng choạng, không vững (thường là chỉ những người say rượu), người ta thường dùng câu “châm nam đá chân chiêu”, ý nói chân phải và chân trái cứ vấp vào nhau, quệnh quạng.
Nhưng “chân nam” và “chân chiêu” là gì?
Thật ra, câu đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu”, với “chân đăm” là chân phải và “chân chiêu” là chân trái. Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895) giải nghĩa như sau: đăm là “tay mặt” (tay phải), chiêu là “tay tả” (tay trái). Như vậy, đăm – chiêu là tổ hợp trái nghĩa tương đương với phải – trái.
Xưa, khi nói “đăm chiêu” có nghĩa là ngó nghiêng bên phải bên trái, nhìn bao quát, nhưng nay, “đăm chiêu” thường được hiểu là đang băn khoăn, bận tâm suy nghĩ về điều gì đó. Nghĩa gốc của từ này đã không còn thông dụng.
Dùi đục chấm mắm cáy?
Dùi đục vốn là dụng cụ mà người làm mộc thường sử dụng, còn mắm cáy là một món ăn, “dùi đục chấm mắm cáy” nghĩa là thế nào?
Thật ra, câu đúng phải là “bầu dục chấm mắm cáy”.
Bầu dục ở đây là một món ăn ngon, còn mắm cáy là thứ máy thường thấy ở vùng biển, được coi là thứ mắm xoàng. “Bầu dục chấm mắm cáy” ý nói những cái không cân đối, không tương xứng được đặt cạnh nhau.
Về món bầu dục, ca da còn có câu “Sáng ngày bầu dục chấm chanh/Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày” để chỉ những người có đời sống ẩm thực phong phú, được ăn ngon.
Lai La/Theo TTV24