Xem Gia đình Haha, khán giả không chỉ thích hình ảnh cuộc sống vùng cao mà còn ấn tượng với chị Vàng Thị Thông, người phụ nữ tháo vát, hài hước.

Chị Vàng Thị Thông cùng gia đình sống ở bản Liền (Lào Cai). Hằng ngày, mọi người tự tay làm hết các công việc tự cung tự cấp như băm thức ăn cho gà, thả ngựa ra đồng, cho vịt ăn, lên nương làm việc, hái chè, chặt tre, vác tre… Công việc mỗi ngày có thể kéo dài từ 5h sáng đến 1h sáng hôm sau.
Dù công việc mỗi ngày vất vả, mọi thứ đều tự tay làm trực tiếp, chị Thông luôn muốn cùng các thành viên Gia đình Haha nấu những bữa ăn thịnh soạn với nhiều món đặc sản vùng cao. Vì chị muốn bất cứ ai đến với gia đình mình đều hiểu thêm về văn hóa ẩm thực bản địa.
Làm du lịch và yêu văn hóa vùng cao
Gia đình chị Thông – anh Hà (Lâm A Hà) kinh doanh homestay với những căn nhà sàn truyền thống của người Tày. Chị Thông tâm huyết phát triển du lịch nhưng đi liền với giữ gìn văn hóa vùng cao.
Là người ham học hỏi, chị Thông có chứng chỉ đào tạo năng lực lãnh đạo từ Trung tâm phát triển kinh tế nông thôn (CRED), hay Bản Liền Pine Homestay đoạt giải nhất cuộc thi Hạt giống thúc đẩy kinh doanh của một công ty hỗ trợ phát triển xanh.
Bên cạnh đó, chị Thông cũng có ước mơ giúp người dân trong bản có công việc và nguồn thu nhập ổn định không mà phải xa quê kiếm sống.

Trong Gia đình Haha, chị Thông – anh Hà (mà đặc biệt là chị Thông) kiêm luôn hướng dẫn viên du lịch. Anh chị hướng dẫn cho mọi người làm nông, làm việc nhà, giới thiệu món ăn vùng cao.
Chị chia sẻ nhiều kinh nghiệm và những câu chuyện đời thường. Chẳng hạn: cho trâu ăn muối để trâu nhớ đường về nhà, bánh dày là lễ vật quan trọng trong đám cưới của người Tày, cách hái lá chè “một tôm hai lá” thật nhanh mà không cần nhìn, lợp cọ sao cho gió thổi không bay, thổi kèn bằng lá chè… Khi người lớn hỏi thăm em bé đã biết đi chưa thì sẽ hỏi: “Có chân để đi chưa?”…
Lễ cúng đầu mùa là nét văn hóa nhằm tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe bình an. Trong lễ cúng, người dân tránh mặc quần áo toàn màu trắng.

Đêm trước lễ cúng, mọi người quây quần chuẩn bị, đồ xôi, làm bánh, sao chè. Gia đình em gái chị Thông ở bên cạnh cũng sang để phụ việc. Căn bếp rộng rãi là “trái tim” của nhà sàn, nơi mọi người sinh hoạt chung, vun đắp đời sống cộng đồng.
Có con nhỏ, chị Cân – em gái chị Thông – người mẹ vùng cao vẫn phải làm nông, làm việc nhà hằng ngày. Chị địu con đi hái chè, bẻ măng, làm vườn, làm ngô… Ở đây ai cũng làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Bản thân chị Thông sau khi sinh con gái cũng nghỉ 40 ngày rồi đi làm nông bình thường.

Khi mọi người ăn trưa trên đồi chè, ca sĩ Jun Phạm xót xa vì đồi trọc xác xơ. Chị Thông giải thích đó là do ảnh hưởng của bão, địa hình dốc và đất cát nên dễ sạt lở. Khi bão gây sạt lở, hoa màu và cây cối đều bị thiệt hại, người dân bị cô lập trong vòng chục ngày, không có điện. Có người bị cuốn trôi trong sạt lở nên đã qua đời.
Nghe chuyện, Jun Phạm khóc và nói: “Mọi người rất vất vả để có được chén cơm mà lại có một cơn bão nó…”. Khi bão đi qua, người dân lại kiên cường sống tiếp.
Cây hài, đội trưởng đội văn nghệ
Bên cạnh sự nghiêm túc, tâm huyết khi giới thiệu về văn hóa bản địa, chị Thông còn được yêu mến vì tính cách vui vẻ, hoạt ngôn. Nhiều “meme” trên mạng về Gia đình Haha xuất phát từ những màn trò chuyện hài hước giữa chị và các thành viên như Bùi Công Nam, Duy Khánh.


Chị Thông cũng thích văn nghệ, hát và thổi kèn bằng lá chè. Khi được các thành viên khen ngợi, chị “flex” mình là đội trưởng đội văn nghệ ở bản.
Khán giả còn so sánh chị Thông với nhân vật nam chính trong phim Hometown Cha-cha-cha vì sự tháo vát, dễ mến, lại đầy ắp chứng chỉ trong nhà.
Giữa cuộc sống vùng cao vất vả, chị Thông khiến khán giả cảm thấy “chữa lành” khi xem vì gương mặt luôn tươi cười. Vì ham học hỏi, chị cũng tìm hiểu những thứ rất trendy như dùng CapCut để chỉnh sửa video hay dùng ChatGPT. Thấy chị Thông hát hay, khán giả còn gợi ý nhà sản xuất mời chị tham gia Chị đẹp đạp gió nếu có mùa 3.