Một số làng nghề nổi bật ở Nam Định – Kì I

16:35 | 06/11/2020
Nam Định vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề”, nơi đây đã và đang tồn tại, phát triển hàng trăm làng nghề từ xa xưa nổi tiếng khắp cả nước với những nghề đặc trưng như: nghề nấu rượu ở Kiên Lao, nghề đan lát ở Nam Trực, nghề dệt tơ lụa ở Cổ Chất, nghề nặn tò he ở Nghĩa Hưng…

 Làng nghề nấu rượu ở Kiên Lao

Nhắc đến rượu là phải kể đến rượu ở làng Tổng Kiên Lao, nay là hai xã Xuân Kiên – Xuân Tiến, huyện Xuân Trường. Người ta không rõ nghề nấu rượu ở đây xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng rượu ở khu vực này đã nức tiếng có vị thơm ngon đặc biệt đến từ nguyên liệu nếp cái hoa vàng.

Tại đây, nhà nào cũng làm rượu với phương thức thủ công trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, lên men cho đến khi rượu nấu thành phẩm, đạt được độ trong, giữ nguyên được hương vị của thứ quà quê Nam Định.

Làng nghề nấu phở  

Về Nam Định, nếu đi qua cầu Đò Quan và rẽ phải khoảng 14km thì ta sẽ đến với cái nôi của nghề nấu phở nối tiếng, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực. Tại đây nổi tiếng có 3 làng nghề chuyên làm phở lâu đời nhất, món phở bò cũng “độc nhất”, đó là Vân Cù, Tây Lạc và Giao Cù.

Nổi tiếng nhất vẫn là Phở Cồ, tức phở của dòng hộ Cồ. Món nước này đã góp phần xây dựng và gìn giữ thương hiệu phở gia truyền Nam Định.

Làng rèn Vân Chàng – Nam Trực

Được biết, nghề rèn được du nhập vào Vân Chàng từ thời Vua Trần Nhân Tông, cách đây khoảng 700 năm. Tương truyền rằng, 6 vị tổ sư khi tới làng Vân Chàng thấy thế đất “Đông Kỳ, Tây Tượng, Bắc Phượng, Nam Long” (tức là thế đấy bốn mặt là hình lá cờ và các con vật voi, phượng, rồng) đã dừng lại, truyền nghề rèn cho người dân tại vùng đất này.

Làng rèn Vân Chàng, thuộc thị trấn Nam Giang – Nam Trực cách thành phố Nam Định khoảng 7km, đây là một trong làng nghề lâu đời bậc nhất miền Bắc. Được biết, hiện nay ở đình thờ tổ nghề rèn làng Vân Chàng còn lưu giữ được một số cổ vật hàng trăm năm tuổi do chính các thợ rèn thời xưa chế tạo ra.

Thời xa xưa, Vân Chàng chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn điệu mang tính thủ công như dao, kéo, bản lề, đinh, ốc viét, bếp kiềng, răng cào… Trong kháng chiến chống Pháp, thợ rèn đã rèn ra hàng vạn gươm giáo, mã tấu, kiếm, dao găm phục vụ cho quân đội. Ngày nay, làng nghề Vân Chàng từng bước phát triển, sản phẩm được cơ giới hoá với kỹ thuật tinh xảo, mẫu mã đẹp đạt độ bền cao như: phụ tùng xe đạp, ấm, xoong nhôm…

Làng nghề khăn xếp độc nhất

Ít ai biết được rằng, làng nghề thôn Giáp Nhất, Nam Định là nơi sản xuất ra những chiếc khăn xếp thường thấy trong các lễ hội, đám cưới, mừng thọ ở nhiều tỉnh miền Bắc.

Tuy nhiên, cũng không ai nhớ làng nghề này có từ bao giờ và ông tổ nghề là ai. Người ta chỉ biết rằng, ông cha cứ nối tiếp từ đời này qua đời khác để truyền lại cho nhau những kinh nghiệm của nghề truyền thống làm khăn xếp.

Làng nghề ngày nay dường như bị mai một theo thời gian và xu hướng hiện đại hoá phong cách thời trang trong các tiệc cưới hỏi, lễ hội. Nhưng nhờ những con người nghệ nhân yêu nghề trong thôn vẫn cố gắng giữ nét đẹp hồn Việt gói gọn trong những chiếc khăn xếp để truyền lại cho con cháu đời sau.

Làng nghề sơn mài Cát Đằng – Ý Yên

Cát Đằng (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là vùng đất kẹp giữa hai trục đường bộ và đường sắt xuyên Việt. Được biết, nghề sơn mài làng Cát Đằng có từ khoảng thế kỷ thứ XI, do 2 cụ tổ nghề là Ngô Dũng và Đinh Ba từ thời triều vu Đinh, đến làng ở và truyền dạy cho trai tráng trong làng.

Một số đồ sơn mài được dùng để trang trí nội, ngoại thất trong các lăng tẩm, các cung đình xưa ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… chủ yếu là do bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Cát Đằng làm ra.

Sản phẩm tại đây khác biệt hoàn toàn với những nơi khác nằm ở bí quyết pha trộn sơn giữ nguyên màu cho sản phẩm khi ở dưới bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào của thời tiết.

Ngày nay, trải qua bao thămg trầm của lịch sử, nghề sơn mài tại làng nghề Cát Đằng, thuộc huyện Ý Yên vẫn được gìn giữ và ngày một phát triển. Nếu như trước kia người ta vẫn thấy sơn mài chỉ được làm trên những tấm gỗ đã được lựa chọn rất kỹ thì ngày nay người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ việc chắp nứa rồi đem sơn mài. Mặt hàng này vừa có độ nhẹ, giá thành rẻ và chất lượng vẫn đảm bảo cho sản phẩm và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Bích Thủy/ Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *