Làng Vọc thuộc xã Vũ Bản, nằm cuối huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, rượu tại làng Vọc trở nên nổi tiếng không chỉ trong nước mà được biết đến rộng rãi ngoài nước.
Tương truyền rằng, từ thế kỷ XIII, trên dòng sông Ninh Giang, thuyền buôn của các thương gia thường xuyên xuôi về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch khắp nơi. Từ đó, rượu làng Vọc đã theo chân các thương nhân đến khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, từ xứ Thanh, xứ Lạng, xứ Nghệ hay rượu được dâng tiến vua.
Làng Vọc được coi là làng thịnh vượng hơn cả nhờ có nghề làm rượu. Hầu hết các gia đình nơi đây đều tham gia vào nghề nấu rượu và họ chung thành với một công thức chưng cất đặc trưng để duy trì cái hương vị riêng biệt đất Bình Lục, có thơm của mùi gạo, có vị đậm đà, ngọt mà khó say, hương nồng mà êm dịu.
Được biết, rượu Vọc được nấu từ 16 đến 36 vị thuốc Bắc có đặc tính cay, nóng qua 11 bước và khâu rất công phu, quan trọng nhất là khâu chế biên men. Phải mất từ 2-3 ngày để úp men, chờ khi men dậy vừa, không được khô quá hay nhão quá. Men chuẩn có hương thơm, màu men trắng, sau một ngày sẽ chuyển sang màu hanh vàng, có vân lăn tăn, nhẹ và tơi xốp.
Người dân nơi đây dùng nồi bằng đồng hoặc nồi đất nung nấu rượu để hương vị rượu đạt chuẩn nhất. Nhiều người trong làng còn cho rằng thứ làm nên hương vị đặc trưng của rượu Vọc chính là do thiên nhiên ưu đãi một nguồn nước trong lành và mát lịm. Chính vì thế, rượu làng Vọc chỉ ngon khi được nấu tại chính ngôi làng này.
Theo người dân làng xã Vũ Bản, rượu đạt chuẩn là rượu sau khi chưng cất phải trong vắt, có mùi thơm nồng, khi rót có tăm tròn, uống vào thấy êm êm, tê ở đầu lưỡi và đặc biệt rượu Vọc không có cảm giác đau đầu. Rượu làng Vọc nặng 45 độ, đậm đà các vị thuốc Bắc (như sâm, quy, truật, thược…) cùng với gạo nếp.
Hiện nay, có khoảng trên 200 hộ làm nghề nấu rượu ở làng Vọc đem hương vị truyền thống của con người Hà Nam đến với thị trường cả nước, đặc biệt là thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… và được du khách mua mang sang các nước Nhật, Đức, Pháp, Nga… để làm quà đồng thời cũng để quảng bá thương hiệu.
Cùng với cái tâm giữ lửa nghề làm rượu của người dân làng Vọc đã luôn gìn giữ nghề truyền thống lâu đời và đưa thương hiệu rượu Vọc trở thành niềm tự hào của đất Bình Lục, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bích Thủy/ Theo TTV24