Áo dài: trang phục truyền thống của người Việt
PGS.TS Bùi Hoài Sơn từng nhận định: “Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trang phục áo dài, văn hóa mặc áo dài là một nét văn hóa sống động, đại diện cho văn hóa Việt Nam cần được bảo vệ và phát huy giá trị trong bối cảnh xã hội đương đại”.
Cũng theo PGS, dù Việt Nam chưa có một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là “quốc phục” nhưng từ lâu nay nó đã được mặc định là “Áo dài dân tộc” hay “Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam”.
Ở nhiều trường học, áo dài trở thành đồng phục của giáo viên và học sinh nữ. Tại một số địa phương, các nữ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện mặc áo dài các ngày trong tuần. Áo dài xuất hiện nhiều hơn trong các đám cưới, lễ hội hay ngày Tết…
Đặc biệt, trong số 13 loại hình nghệ thuật của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì có đến 7 di sản liên quan đến chiếc áo dài: quan họ, ca trù, hát xoan, ví – giặm, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế và đờn ca tài tử. Theo đó, trang phục của các nghệ nhân khi biểu diễn các loại hình nghệ thuật này đều là áo dài hoặc áo tứ thân.
Với nhiều người, khoác lên mình tà áo dài chính là một cách để tìm về những giá trị văn hóa nguồn cội và thể hiện niềm tự hào dân tộc, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của cha ông.
Áo dài cần được bảo vệ
Bởi những ý nghĩa khó có thể thay thế trong đời sống người Việt, áo dài xứng đáng được bảo vệ.
Trong những năm gần đây, áo dài Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi, bằng chứng là nó được không ít ngôi sao trong nước và quốc tế sử dụng. Thế nhưng, người dân Việt Nam có nhiều lần không khỏi bất bình khi một số nghệ sĩ mặc áo dài một cách một cách phản cảm. Ví dụ như ca sĩ Hiền Thục mặc áo dài với quần quá ngắn, Saweetie hay Kacey Musgraves (nữ ca sỹ nhạc đồng quê từng đoạt giải Grammy 2019) thậm chí diện áo dài Việt Nam nhưng không mặc quần.
Như một lẽ tất nhiên, những nghệ sĩ đó đã nhận về không ít “gạch đá”. Nhiều người yêu áo dài còn phát động phong trào tẩy chay những nghệ sĩ này với lý do họ đã “làm nhục quốc phục” Việt.
Đặc biệt, vào cuối năm 2019, tại tuần lễ thời trang Xuân Hè Bắc Kinh, một thương hiệu thời trang cao cấp của Trung Quốc đã cho ra mắt một bộ sưu tập mà tâm điểm là hình ảnh tà áo dài Việt Nam. Mọi chuyện sẽ không trở nên phức tạp nếu bộ sưu tập này được báo chí Trung Quốc đăng với tựa đề: “Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân Hè”. Theo đó, bài báo đã ngầm khẳng định áo dài là trang phục Trung Quốc. Điều này khiến cộng đồng mạng Việt Nam không khỏi tức giận và một làn sóng bảo vệ áo dài đã nổi lên trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ áo dài
Hiện giờ chúng ta có rất ít (nếu không muốn nói là không có) căn cứ pháp lý để bảo vệ áo dài. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta khó có thể khởi kiện các tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu họ sử dụng hoặc nhận quyền sở hữu đối với áo dài Việt Nam.
Chúng ta phải xây dựng thương hiệu áo dài, phải xác định địa vị pháp lý cho áo dài Việt Nam. Đây là việc làm quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với áo dài Việt.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Trịnh Thị Thủy cho biết, chúng ta đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh áo dài tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Thế nhưng quá trình này gặp không ít khó khăn.
Phó Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Hiền chia sẻ, muốn xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO, Việt Nam cần xác định khía cạnh phi vật thể của áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thể, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản.
Theo bà Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Áo dài, bản thân áo dài chỉ là một vật thể, để áo dài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thì hồ sơ cần xem xét từ nghề may áo dài đến không gian mặc áo dài.
Bà cũng chia sẻ một trăn trở là bảo tàng từng “báo động” tình trạng chưa có nghệ nhân may áo dài (Nhà nước chưa công nhận nghệ nhân may áo dài). Trong khi đó, nghề may là bí quyết của mỗi gia đình, không dễ truyền bá rộng rãi. Để áo dài trở thành di sản thì phải có nghệ nhân may áo dài nắm giữ kỹ thuật may có trình độ cao.
Bởi những bất cập này, đến nay, áo dài vẫn chưa có một danh xưng chính thức. Hi vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có những chủ trương, hành động cụ thể, thiết thực nhằm phá vỡ những nghịch lý đang tồn tại, nhằm bảo vệ và tôn vinh giá trị áo dài. Về lâu dài, việc bảo vệ áo dài chính là xây dựng thương hiệu văn hóa quốc gia.
Lai La/Theo TTV24