Cậu Vàng
Tên phim được đặt theo nhân vật chính, vì lẽ đó ngay từ đầu Cậu Vàng trở thành trung tâm thu hút sự chú ý của khán giả. Chú chó đảm nhận vai Cậu Vàng đảm bảo yếu tố tinh nhanh, biểu cảm tốt và đặc biệt đôi mắt lanh lợi, ấm áp lột tả được những cung bậc cảm xúc đa dạng. Đó là tình thương yêu dành cho chủ nhân, khi khác lại là ánh mắt căm hờn khi chứng kiến Lão Hạc bị bắt trói và áp bức.
Vốn được ví là tri kỷ với Lão Hạc, Cậu Vàng còn được xây dựng với đầy đủ phẩm chất tốt đẹp. Ở cậu có sự khôn ngoan, lòng trung thành, can đảm, như một chàng “vệ sĩ” đặc biệt bảo vệ Lão Hạc trước thế lực cường hào, ác bá. Trong trailer, Cậu Vàng có những cảnh quay mãn nhãn khi vừa phải chiến đấu với chó săn của phe cường quyền, vừa trực tiếp lao vào tấn công Lý Cường để bảo vệ ông chủ.
Lão Hạc (Viết Liên)
Lão Hạc có thể xem là lão nông khắc khổ, lam lũ, hiền lành điển hình ở làng quê Bắc Bộ những năm 1940. Tạo hình của Lão Hạc toát lên chân dung của con người chan hòa với láng giềng, cả đời không gây thù chuốc oán với ai. Thế nhưng đôi mắt của Lão Hạc luôn chất chứa nỗi u buồn thời thế. Đó là tâm thế của kẻ thấp cổ bé họng trong xã hội, quanh năm côi cút làm ăn nhưng không thể yên thân trước luật lệ thu tô thu thuế đầy bóc lột trong xã hội Thực dân – phong kiến thời bấy giờ.
Nét mới mang dấu ấn sáng tạo ở chỗ, Lão Hạc chân chất, hiền lành là thế nhưng khi bị áp bức bóc lột không dễ dàng buông xuôi. Lão Hạc kiên cường đấu tranh theo cách riêng. Chỉ qua vài hình ảnh đầu tiên, nghệ sĩ Viết Liên cực hợp vai từ gương mặt, dáng dấp tới thần thái chứng tỏ sự nghiên cứu, đầu tư tỉ mỉ và sâu sắc cho nhân vật Lão Hạc.
Bá Kiến (NSƯT Hữu Châu)
Đại diện sừng sỏ nhất cho tầng lớp cường hào trong phim Cậu Vàng chính là Bá Kiến. Bá Kiến là hiện thân của một con sói già, thừa khôn ngoan với kinh nghiệm cả đời lăn lộn chốn quan trường để tồn tại, vơ vét của cải làm giàu cho gia tộc trên mồ hôi, nước mắt của lương dân. Bá Kiến thét ra lửa truyền đi mệnh lệnh đòi lật tung cả mảnh vườn của Lão Hạc để tìm được tờ văn tự.
Khác hẳn một Hữu Châu đôn hậu trong nhiều hình ảnh ông già Nam bộ trước đó, NSƯT Hữu Châu hóa thân thành một Bá Kiến đầy âm mưu nham hiểm, tham lam và tàn ác.
Lý Cường (Will)
Là con trai duy nhất của Bá Kiến, Lý Cường có thể xem là kẻ sinh ra ngậm thìa bạc trong miệng. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, vì thế chảy trong huyết quản của Lý Cường không thể thiếu sự chuyên quyền tàn bạo. Đó là một Lý Cường ngang tàng, hống hách làm mọi giá để có được mảnh vườn của lão Hạc, đày đọa hai cha con lão nông nghèo khổ và cả chú chó Vàng. Sự tàn ác càng khiến người ta kinh hãi khi hắn đã ra tay tàn độc với người vợ Ba của bố mặc cho thiếu phụ trẻ nhắc nhở đang mang giọt máu của Bá Kiến.
Xuất thân ca sĩ, Will rẽ sang nghề diễn xuất và ngày càng chứng tỏ thực lực của mình. Will lột tả được một Lý Cường tàn ác khi làm tay sai đắc lực cho cha, mặt khác cũng là cậu ấm đam mê tửu sắc.
Bà Cả (NSƯT Chiều Xuân)
NSƯT Chiều Xuân vào vai người vợ đầu tiên, lớn tuổi nhất của Bá Kiến. Chất Hà Nội quý phái giúp chị thể hiện rất ngọt một bà Cả đầy quyền uy, sắc sảo và cực đôi lứa xứng đôi với Bá Kiến. Bà Cả miệng ngoài nói cười giả lả nhưng mưu mô khôn lường, đúng kiểu “Bề ngoài thơn thớt nói cười/Mà trong nham hiểm giết người không dao”.
Nhắm mắt làm ngơ để chồng có thêm vợ lẽ nhưng bà Cả không cam tâm nhìn gia sản bị chia năm xẻ bảy. Bà Cả không bỏ qua cho bà Ba- một trong những người trở thành mối đe dọa tới gia sản kếch xù.
Bà Hai (Khánh Huyền)
Không có được quyền uy cai quản việc nhà tay hòm chìa khóa như bà Cả, phải chấp nhận thân phận người đến sau. Bề ngoài về phe bà Cả nhưng bà Hai cũng là người nhiều toan tính, mưu mô khó lường.
Với kinh nghiệm diễn xuất dày dặn, vai bà Hai không làm khó nghệ sĩ Khánh Huyền. Chỉ qua một câu nói dằn mặt bà Ba “Nề nếp nhà này không biết đẻ thì bị tống ra ngoài đường” với âm vực, sắc độ nổi da gà, Khánh Huyền khắc họa một người phụ nữ ghê gớm, có khả năng tạo sóng gió.
Bà Ba (Băng Di)
Người vợ trẻ nhất của Bá Kiến chỉ đáng tuổi như con trai Lý Cường. Chân ướt chân ráo bước vào cửa hào môn chưa biết sung sướng đến đâu nhưng bà Ba phải đối đầu với màn dằn mặt của bà Cả, bà Hai.
Gương mặt phảng phất buồn của bà Ba còn chất chứa nỗi niềm của người con gái đương độ xuân thì bị gả cho một ông già đáng tuổi bố. Bá Kiến yêu chiều vợ trẻ nhất, lại thêm giọt máu cô đang mang nên bà Ba khác nào cái gai trong mắt bà Cả, bà Hai. Để tồn tại trong gia đình Bá Kiến, bà Ba liệu có thể thoát được dã tâm của Lý Cường?
Binh Tư (Phương Nam)
Nhân vật Binh Tư vốn mờ nhạt và chỉ xuất hiện thoáng qua trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao nhưng trong Cậu Vàng, nhân vật này đã được chăm chút và xây dựng đậm nét với nhiều sáng tạo mới mẻ hơn. Binh Tư có cặp mắt dữ tợn, với vết sẹo gần mắt chứng tỏ đời sống bất hảo.
Thế nhưng khác với nguyên tác chỉ là tay ăn trộm không ưa Lão Hạc vì lão quá lương thiện, Binh Tư của Cậu Vàng lại có lúc xả thân vì nghĩa. Với tuyên bố hùng hồn: “Đến con chó nó còn biết sống sao cho phải đạo nữa là con người”, Binh Tư có hành động cụ thể. Anh ta dám đứng lên đánh lại tay sai của bè lũ cường hào áp bức dân lành. Cả Binh Tư và Phương Nam hứa hẹn mang lại sự tươi mới cho câu chuyện về Lão Hạc vốn quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả.
Cò (Doãn Hoàng) – Cải (Bích Ngọc), vợ chồng Giáo Thứ và Lê Văn
So với tác phẩm gốc, nhân vật Cò không chỉ được nhắc gián tiếp trong câu chuyện của Lão Hạc với ông Giáo Thứ, Cò có đời sống và tính cách rõ nét hơn. Nhân vật Cải được phát triển thêm. Cải là người yêu của Cò được trao cho diễn viên Bích Ngọc (Nhà trọ Balanha) sở hữu gương mặt nhẹ nhàng, trong sáng và lối diễn tự nhiên.
Hai diễn viên vào vai vợ chồng Giáo Thứ (Trần Nam-Thanh Hoa) đều là gương mặt mới, góp thêm vào dàn diễn viên trẻ trung, tươi tắn trong phim.
Lê Văn là nhân vật nặng tình nhất trong Cậu Vàng. Vai chàng trai mang vẻ ngoài lãng tử và đôi mắt si tình được đạo diễn tin tưởng giao cho nam diễn viên Thanh Bình. Đây là vai diễn nặng nội tâm được Thanh Bình lột tả xuất sắc không chỉ qua ngoại hình mà còn ở lối diễn xuất giàu cảm xúc của mình.
Hải Linh/Theo TTV