Không tôn trọng người nghe
Bạn sẽ nghĩ như thế nào nếu mỗi giá vé xem liveshow ca nhạc có giá “trên trời” từ 600.000 đồng, đặc biệt là vé V.I.P có giá từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng để được gần nghệ sĩ nhất mà chỉ nhận lại buổi liveshow toàn những bài hát đã được thu sẵn. Nếu là tôi thì đây có lẽ là lần cuối cùng mà tôi đốt thời gian, tiền bạc cho những “chiêu trò” không tôn trọng khán giả như vậy.
Một khán giả tham gia show diễn của ca sĩ C.P đã nêu lên quan điểm của mình rằng: “Thật không thể chấp nhận được, chúng tôi dùng tiền và thời gian để thưởng thức những món ăn tinh thần. Nhưng những gì nhận lại được là “sản phẩm chỉ mang tính chất minh họa”, không có một chút gì gọi là tôn trọng khán giả.”
Có thể nói việc hát nhép, hát đè không chỉ xuất hiện gần đây mà từ lâu việc hát nhép, hát đè được tẩy chay mạnh. Dù vậy, vẫn còn nhiều nghệ sĩ dùng chiêu trò để qua mắt khán giả trong những tiết mục cần vũ đạo, tiết tấu mạnh. Thế nhưng “múa rìu làm sao qua mắt thợ”, nhiều netizen vẫn soi ra được nhưng cảnh quay âm nhạc và khẩu hình miệng không khớp với nhau. Qua nhiều ý kiến trái chiều của khán giả, việc để một ca sĩ được đào tạo bài bản nhưng lên sâu khấu làm “con rối” cho chính bài hát của mình thì đây là sự thiếu tôn trọng người nghe một cách thậm tệ.
Giọng hát không còn là yếu tố tiên quyết của một ca sĩ
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã ban hành không ít quyết định xử phạt cho việc hát nhép, hát đè. Tuy nhiên, những hành lang cứng rắn này chỉ có thể ngăn cản những hành động “vượt rào” ở những show diễn âm nhạc, vậy còn những chương trình giải trí thì sao?
Ở Việt Nam, có thể thấy được việc một nghệ sĩ “mấp máy môi” dù cố ý hay vô tình đều nhận được nhiều làn sóng với những ý kiến đối nghịch nhau. Tuy nhiên, với nghị định 144 thì việc hát nhép, hát đè trở nên công khai và để trở thành một ca sĩ không còn quyết định vào giọng hát. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, một bộ phận khán giả dễ tính đang tạo ra cơ hội lớn để những người “chỉ cần cầm micro là trở thành ca sĩ” lấn át những giọng ca thực.
Tạo nền tảng phát triển kỹ năng trình diễn
Để trở thành một ca sĩ thực thụ không chỉ có giọng hát nội lực, truyền cảm mà kỹ năng, vũ đạo còn là một lợi thế lớn khi trình diễn. Tuy nhiên, có thể dễ dàng bắt gặp ở đâu đó một tiết mục trình diễn vũ đạo đến hơn 70% nhưng giọng hát chỉ phô trương được 30% còn lại, vả lại không chắc đó là giọng hát thật.
Với số lượng khán giả hiện nay đa số là người trẻ, việc tiếp nhận một sản phẩn ca nhạc mới nằm ở các yếu tố như: giai điệu lôi cuốn, vũ đạo mới mẻ, cộng cả việc số lượng fan như thế nào. Một ví dụ điển hình cho vấn đề nay là những sản phẩm âm nhạc K-pop, có thể thấy giới trẻ Việt Nam liên tục cover lại những vũ đạo trong MV hay “sao chép” một phần cho bài dance của mình mà không hề để ý đến việc lời bài hát như thế nào. Hiệu ứng này đã mang đến không ít những tác dụng, đặc biệt là trong việc lôi khéo khán giả.
Với việc được “hát nhép, hát đè công khai tại Việt Nam sẽ giúp cho những nghệ sĩ có nhiều thời gian hơn trong việc trau chuốt lại vũ đạo của bản thân để mang đến khán giả những màn trình diễn cháy hết mình và mang đến “cơn gió” mới cho các trend hiện đại.
Vừa có lợi nhưng cũng có hại, việc khán giả Việt sẽ đón nhận vấn đề này như thế nào luôn là dấu chấm lớn cho nền giải trí Việt Nam.
Hồng Dạ Quang