Một bộ phận công chúng cho rằng mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả giống như sự mua và bán. Nghệ sỹ bán tài nghệ của mình, còn khán giả mua được giá trị tinh thần. Dựa trên mối quan hệ tương quan này thì cả hai đều có lợi, không thể gọi là khán giả nuôi nghệ sỹ được.
Một bộ phận công chúng còn lại thì quan niệm, tất cả show diễn, tác phẩm của nghệ sĩ phải có khán giả xem thì mới kiếm được tiền. Nên nếu nói khán giả nuôi nghệ sĩ đâu có sai?
Quả thật, nghệ sĩ cũng phải lao động mới tồn tại. Họ sáng tạo nghệ thuật, mang đến sự giải trí cho khán giả. Giá trị tinh thần mà nghệ sĩ mang lại không nhỏ. Còn khán giả thì bỏ thời gian, tiền bạc để thưởng thức nghệ thuật. Chung quy lại cũng được xem là sự trao đổi, mua bán.
Trong kinh doanh có câu: Khách hàng là thượng đế, và kinh doanh phải tôn trọng khách hàng, sản phẩm phải giải quyết được nhu cầu của khách hàng để doanh nghiệp có thể sống sót. Cũng tương tự như vậy, nghệ sĩ bán nghệ thì phải biết tôn trọng khán giả. Không có khán giả, nghệ sĩ diễn cho ai xem?
Chẳng một doanh nghiệp nào mạnh miệng đến nỗi tuyên bố không cần khách hàng. Vậy mà một số nghệ sĩ thì dám làm chuyện ấy. Họ thẳng thừng vỗ ngực nói không cần khán giả nuôi. Thử hỏi, nếu không có sự ủng hộ của khán giả, rạp chiếu phim không một bóng người, dưới khán đài không ai đến nghe hát, hài diễn ra không ai muốn xem, thì số nhiều nghệ sĩ sẽ có nhà lầu, xe hơi, cuộc sống sang chảnh du lịch tứ phương như hiện tại sao? Thử hỏi, nếu không có khán giả, ai thuê nghệ sĩ quảng cáo, ai mời họ làm gương mặt đại diện nhãn hàng, họ sẽ có tiếng nói để tuyên bố không cần khán giả như hiện tại sao?
Nếu không có nghệ sĩ, khán giả vẫn ‘sống’. Nhưng không có khán giả, nghệ sĩ sẽ ‘chết’, đây là sự thật. Và những nghệ sĩ đã tuyên bố không cần khán giả thì có lẽ chính họ đang tự ‘bức tử’ sự nghiệp của mình.
Thay vì liều mình đôi co với khán giả, liên tục bác bỏ vai trò của khán giả với thái độ bất cần, có lẽ những người nhân danh nghệ sĩ ấy nên ‘học hỏi’ thái độ của những đồng nghiệp có cách cư xử khéo léo và được lòng công chúng như Lý Hải, Đen Vâu. Khi được phỏng vấn về thành tích mà bộ phim “Lật Mặt 5” đạt được, Lý Hải được người hâm mộ đánh giá cao khi anh khiêm tốn nói “Nhờ bà con thương!”.
Hay Đen Vâu sáng tác bài “Cảm ơn” để tri ân khán giả đã dành tình cảm và ủng hộ anh với lời ca nhẹ nhàng mà sâu lắng:
“Cảm ơn người đã theo dõi
Cảm ơn người đã lắng nghe…”
“Và tôi biết, tôi phải nói lời cám ơn…”
Phải thừa nhận rằng sự tôn trọng lẫn nhau giữa người làm nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật là cần thiết. Cả hai phía nên cư xử văn minh và có sự kết nối tích cực với nhau. Song, ngày nay hiện tượng các nghệ sĩ ‘giang hồ’, nghệ sĩ quảng cáo, PR kem trộn, thuốc xương khớp một cách thần thánh hoá công dụng tràn lan, đối với người kiếm tiền trên sự tin tưởng của người hâm mộ mà không màng đạo đức, lương tâm như vậy khán giả nên mạnh dạn tẩy chay. Bởi còn rất nhiều nghệ sĩ có tâm và hết lòng vì nghệ thuật khác mà đa phần họ không đủ ‘may mắn’ nổi tiếng, họ trân trọng khán giả hơn bất cứ ai!
Bên cạnh đó, những nghệ sĩ không có thực tài nhưng vẫn nhan nhản xuất hiện khắp các chương trình, gameshow bằng khả năng hài nhảm cũng nên được loại bỏ cho một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp và công bằng.
Túc Mạch