Điệp Sơn là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ hoang sơ, hữu tình nằm chơi vơi trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, Khánh Hoà. Nơi đây hấp dẫn cả về tự nhiên và con người, hứa hẹn sẽ là một trong những địa điểm tiềm năng thu hút rất nhiều du khách trong thời gian sắp tới.
Sự thanh bình của đất trời
Cách TP. Hồ Chí Minh gần 500 km, đảo Điệp Sơn nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Hành trình bắt đầu điểm đến là cảng cá Vạn Giã, huyện Vạn Ninh cách thành phố Nha Trang 60km. Từ đây đi canô ra Điệp Sơn tầm 15-20 phút. Điệp Sơn là một dãy bao gồm 3 đảo nhỏ chính Hòn Bịp, Hòn Ó, Hòn Quạ được ví như “con đường nối giữa đại dương”.
Vùng đảo tuyệt đẹp này có con đường chìm dưới biển, đó là con đường cát nối đảo Hòn Ó sang đảo Hòn Quạ. Khi thủy triều hạ xuống sẽ có một con đường chạy thẳng ra lòng biển. Đến đây, không chỉ thích thú bởi cảm nhận được con đường uốn lợn, rộng khoảng 01 mét và nằm dưới mặt biển trong xanh chưa đến 0,5 mét, mà du khách còn được mang trong mình cảm giác hồi hộp vì lo sợ nước dâng. Song, đi bộ giữa biển trời trong xanh bao la là một trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ.
Điều làm cho du khách ấn tượng hơn khi đến với biển đảo nơi này là hòn đảo chính của cụm Điệp Sơn có tên là đảo Phật Nằm. Nếu nhìn từ xa, ta sẽ thấy hòn đảo có hình dáng như tượng Phật nằm trên mặt biển, nửa chìm nửa nổi. Và con đường dưới nước nằm ở đầu “bức tượng” Phật. Cuối đảo Phật Nằm này có một mũi cát chạy dài về phía Tây vô cùng độc đáo. Mũi cát này xâm xấp nước, sóng vỗ tới từ hai phía, bên nông, bên sâu, một bên nước ấm, một bên nước lạnh. Hòa mình cùng làn nước biển trong xanh, cả không gian êm đềm theo tiếng sóng vỗ, Điệp Sơn là địa danh nhất định mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm bất ngờ và lý thú.
Ngắm hoàng hôn khi chiều xuống ở đây là một trải nghiệm hấp dẫn, đặc biệt là khi chúng ta thả chân trần chạy trên mặt nước xâm xấp quyện trong làn cát vàng óng. Nếu lưu trú qua đêm trên đảo, du khách sẽ có cơ hội tận hưởng Điệp Sơn một cách trọn vẹn nhất cả thời điểm bình minh hoặc hoàng hôn.
Điều vô cùng lý thú ở đảo, ngoài sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, thưởng ngoạn tự nhiên như bơi lội, chèo thuyền kayak, chụp ảnh… thì du khách có thể tự mình chài lưới đánh bắt, chế biến hải sản, lặn ngắm san hô… Còn gì mỹ mãn hơn một chuyến đi nhiều trải nghiệm đến vậy?
Con người làm nên tất cả
Điều làm nên dấu ấn của Điệp Sơn đâu chỉ có thiên nhiên hữu tình, mộng ảo mà điều kỳ diệu không thể không nói đến là bàn tay của con người. Ở đó có hai con người đang hết lòng vì một màu xanh của hải đảo.
Vị “chúa đảo” tự gọi mình là Trịnh Robinson. Đó là người đàn ông có nước da đen xạm, mái tóc nhuốm màu nắng biển cả cứ in đậm trong tâm trí tôi ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến. Anh và người bạn đồng hành của mình không muốn nói gì về bản thân, chỉ biết rằng, hai con người ấy ngày ngày vẫn lặng lẽ dành hết tâm huyết để biến nơi này thành thiên đường du lịch, mà tiêu chí đầu tiên là mỗi du khách luôn biết bảo vệ môi trường cho biển đảo. Họ rời xa chốn nhộn nhịp phồn hoa đô thị, dành cả tiền bạc, tình cảm để vun đắp cho Điệp Sơn, với mong muốn đưa khu đảo Phật Nằm sẽ có tên trên bản đồ những điểm du lịch đến hấp dẫn nhất thế giới.
Mỗi đoàn khách dù lớn hay nhỏ hay là khách cá nhân, bằng sự nhiệt tình, chân thành, cởi mở, hai vị “chúa đảo” đều tiếp đón như những người thân trong gia đình, trực tiếp cầm lái canô chở khách ra đảo, giới thiệu cho du khách hiểu về nơi này và tự tay làm những bữa ăn ngon, đậm đà hải vị Điệp Sơn để “đãi” các vị khách của mình.
Con đường trên biển là kiệt tác tạo hóa ban tặng, không có sự can thiệp từ con người. Nhưng, để giữ cho đảo mãi xanh tươi một màu xanh của rừng, màu ngọc bích của nước biển thì hàng ngày, hai vị “chúa đảo” vẫn âm thầm, lặng lẽ làm cái việc mà ít người biết đến, không ngại vất vả là tự tay gom dọn rác đại dương. Từ mỗi sớm tinh mơ khi chưa du khách nào đến hay mỗi buổi chiều muộn khi mọi người đã ra về, người đàn ông và người phụ nữ của biển, nhanh thoăn thoắt bước chân nhặt từng cọng rác, thu gom vào một chỗ đốt hoặc chở vào đất liền tiêu huỷ. Ngoài ra, hai người còn trồng từng cây xanh trên những chỗ trống của đảo, từ đó mà du khách luôn thấy những giàn hoa đủ màu sắc đua nở quanh năm trên khu đảo hoang sơ này.
Nơi đây, chưa có điện nên “chủ đầu tư” của ốc đảo đã sử dụng năng lượng mặt trời. Nước ngọt cũng được chở ra từ đất liền. Cũng chính đôi bàn tay của hai vị “chủ nhà” cần mẫn này dựng những căn bungalow, để du khách có chỗ ngả lưng thư thái và thoải mái đắm mình trong cuộc sống của biển khơi.
Điệp Sơn với con đường xuyên biển có một không hai đã giúp nơi đây tạo nên sự khác biệt và đôi bạn “chúa đảo” sẽ làm cho chúng ta không khỏi nhiều bất ngờ và cảm phục.
Tôi tin, dù là bất cứ ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến, được đặt đôi chân dạo bước trên con đường giữa lòng biển khơi của Điệp Sơn, được gặp gỡ và trò chuyện với đôi bạn “chúa đảo”. Và, càng chắc chắn hơn những ai đã đến, sẽ luôn mong có nhiều dịp trở lại cùng tình cảm yêu mến nồng nàn với biển cả và con người nơi đây./.
Phong Lan