Nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện không chỉ là câu chuyện đẹp thể hiện trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng mà còn là nghĩa cử cao đẹp của người của công chúng. Với công chúng, nghệ sĩ chính là cầu nối đáng tin cậy để trao gửi niềm tin. Cũng chính vì thế, khi địa phương hay cá nhân nào gặp khó khăn, người nghệ sĩ đứng ra kêu gọi và luôn nhận được sự hưởng hứng của đông đảo khán giả, các nhà hảo tâm hay cả các nhãn hàng.
Nhiều nghệ sĩ như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Đại Nghĩa… thời gian qua liên tục có những đóng góp bằng việc tự bỏ tiền cá nhân hoặc đứng ra quyên góp, đến trao tận tay cho những người khó khăn hoặc thông qua một tổ chức uy tín nào đó.
Điển hình như trong trận lũ lụt lịch sử xảy ra ở miền Trung vào tháng 10/2020, ca sĩ Thủy Tiên, Lý Hải, Minh Hà, Đại Nghĩa… đã không ngại hiểm nguy, khó nhọc, mua thực phẩm, mang chi phí quyên góp được ra tận tâm lũ để cứu trợ cho đồng bào miền Trung. Hay nam ca sĩ Hà Anh Tuấn trồng 1.800 cây rừng để giúp chống lũ trong dự án Rừng Việt Nam….
Tuy nhiên, câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện lại là chủ đề được đông đảo dư luận quan tâm từ nhiều tuần qua. Nhiều người hoài nghi nghệ sĩ “nuốt” trọn số tiền hay việc từ thiện hết bao nhiêu còn bao nhiêu.
Câu chuyện bắt nguồn từ NGƯT Hoài Linh kêu gọi quyên góp từ khán giả để hỗ trợ người dân thuộc các địa phương chịu ảnh hưởng của thiên tai. Thế nhưng đến nay, hơn 6 tháng mà số tiền 14 tỷ vẫn còn nằm trong tài khoản. Dù đã lên tiếng giải thích nhưng Hoài Linh vẫn không nhận được sự thông cảm từ phía khán giả.
Ca sĩ Thủy Tiên cũng từng gặp tranh cãi khi số tiền cô quyên góp lên đến hàng trăm tỉ đồng và nhiều người cũng thắc mắc rằng cô đã làm gì với số tiền đó. Tuy nhiên, Thủy Tiên thuyết phục hơn khi đã công khai toàn bộ thu chi và giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi đến ủng hộ từ thiện.
Gần đây, báo chí và mạng xã hội lại “xới lên” một phát ngôn của nghệ sĩ Trấn Thành: “Nếu quý vị bảo phải giải trình số tiền ra thế này thì nói thiệt tụi em có thể không làm. Nó không phải là nhiệm vụ, sinh ra là để làm từ thiện”. Mặc dù phát ngôn này được đưa ra từ năm trước, nhưng khi đặt vào câu chuyện của Hoài Linh hiện giờ, thì nó vẫn còn rất “tươi mới”. Không cần phân tích kỹ càng về phát ngôn nói trên, cũng có thể thấy rằng, một số nghệ sĩ đang tự huyễn hoặc mình qua hành động gọi là “làm từ thiện”. Đành rằng nhiệm vụ chính của nghệ sĩ không phải là làm từ thiện, và cũng không ai sinh ra chỉ để làm từ thiện, nhưng một khi đã “chấp nhận” làm từ thiện thì bắt buộc phải làm một cách thực tâm và hết sức minh bạch.
Có thể nói việc từ thiện của các cá nhân, điển hình là các nghệ sĩ luôn mang nghĩa cử cao đẹp, tuy nhiên làm điều tốt phải đi liền với làm đúng. Hiện nay, pháp luật đã có chế tài rõ ràng trong việc kêu gọi ủng hộ từ thiện.
Nếu đúng theo pháp luật, ngoài những tổ chức: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương,… Các quỹ xã hội, các tổ chức, đơn vị được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép… thì không có tổ chức, cá nhân nào được quyền tổ chức nhận tiền và cứu trợ. Tuy nhiên, để phù hợp tình hình hiện nay, nhà nước chúng ta vẫn tạo điều kiện cho cá nhân hoặc các tổ chức khác thực hiện việc kêu gọi quyên góp, phân phối đến tay người dân khó khăn. Nhưng những cá nhân, tổ chức này phải phối hợp chính quyền địa phương.
Vậy nên việc đứng ra kêu gọi làm từ thiện là điều tốt. Nhưng vì một lý do nào đó mà chậm trễ hay thậm chí không thể thực hiện đượ cần phải có trách nhiệm thông báo, giải trình trước xã hội. Điều này không chỉ minh bạch về khoản tiền “từ tâm” mà còn làm vững chắc niềm tin của khản giả.
Hồng Quang (Theo TTV)