Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28.06, Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện toạ đàm trực tuyến “Ước mơ của con – Kỳ vọng của cha mẹ” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children).
Đây cũng là sự kiện cuối cùng trong chiến dịch và chuỗi toạ đàm trực tuyến thuộc khuôn khổ Tháng Hành động Vì Trẻ em năm 2021.
Là những người làm cha, làm mẹ, mỗi người đều ít nhều đặt kì vọng vào những đứa con của mình. Điều này xuất phát từ tình yêu thương, bởi bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn và nỗ lực dành cho con em mình những gì tốt nhất và mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp, thành công. Vì thế, rất nhiều cha mẹ đặt áp lực vào con cái trong chuyện học tập, lựa chọn nghề nghiệp theo ý mình mà quên mất các con cũng có những suy nghĩ, những mong muốn ước mơ riêng.
Toạ đàm được thực hiện hướng tới ngày Gia đình Việt Nam năm 2021, với hi vọng chia sẻ với những người làm cha, làm mẹ những cách thức để lắng nghe, thấu hiểu những mong muốn của trẻ em, đồng thời phát huy hết những tiềm năng mà trẻ có. Toạ đàm có sự tham gia của:
– Ông Khuất Văn Quý – Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
– Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD
– PGS.TS Lê Văn Hảo – Chuyên gia tâm lý
– Anh Lê Xuân Đức – Facebook Bố con Sâu
Toạ đàm được phát sóng lúc 15h ngày 27.06.2021 trên Fanpage MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em và Lan toả yêu thương.
Kỳ vọng của cha mẹ và những mặt trái
Trong chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình rằng các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí,… Một vài ý kiến tiêu biểu như:
- “Ba mẹ em tự ý sắp đặt tương lai của em, em muốn học nghề nhưng cha mẹ lại muốn em học đại học để phát triển bản thân. Em đã nói chuyện với bố mẹ rồi nhưng không khả quan. Em chưa có giải pháp gì” (Em nam, Đăk Lăk)
- “Khi con đã cố gắng rồi mà điểm vẫn không được như mong muốn của bố mẹ, có cách nào để bố mẹ không đặt áp lực không ạ?” (Em nam, Hải Phòng)
- “Em mong bố mẹ không ép con trong học tập, thay vào bố mẹ nên lắng nghe và giúp mình sửa lỗi sai, không dùng bạo lực với mình” (Em nữ, Lào Cai)
Theo ông Khuất Văn Quý, việc cha mẹ đặt kì vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực: “Hiện nay trong một số gia đình, cha mẹ chưa quan tâm tới suy nghĩ của trẻ, không đặt trẻ ở vị trí trung tâm. Các phụ huynh mong muốn, kỳ vọng ở trẻ rất lớn. Mong muốn, kỳ vọng thì không sai, nhưng nếu bố mẹ không tìm hiểu mong muốn sở trường của con, không đặt mình vào vị thế của trẻ, có những kỳ vọng rất lớn thì sẽ tạo ra cho trẻ sự căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Mỗi người sinh ra có sở trường khác nhau. Chúng ta không thể bắt một trẻ có thiên hướng về âm nhạc hội họa đi học bác sĩ. Khả năng con mình chỉ có vậy nhưng lại yêu cầu con phải học trường chuyên lớp chọn. Nếu trẻ có làm thì cũng không cảm thấy thoải mái, chỉ là chống đối. Vì vậy, chúng ta cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Chúng ta cần dõi theo trẻ, hướng trẻ để làm sao trẻ đều có thể theo đuổi ước mơ, và chúng ta cũng đạt được kỳ vọng, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình.”
Bình luận các quan niệm của cha mẹ và con cái về khoảng cách giữa ước mơ của con, kỳ vọng của cha mẹ, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ: “Cha mẹ thường lấy lý do “vì con” và “cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con” để nguỵ biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Nếu cha mẹ nhớ lại hồi mình còn trẻ, tôi không biết có bao nhiêu cha mẹ thực sự nghĩ là cha mẹ mình hiểu mình, cha mẹ đã quên mất hồi còn bé mình cũng là một cá nhân có những suy nghĩ độc lập với cha mẹ, có ước mơ và có những định hướng của riêng mình cần được tôn trọng. Tôi tin rằng cha mẹ “vì lợi ích tốt nhất của con”, “hiểu con” cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, những nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, những tiềm năng của bản thân, lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình. Ngoài ra, quan niệm của cha mẹ “tôi làm thế để con thành công” cũng cần phải thay đổi, quá trình con được trải nghiệm, được rèn giũa, được đưa ra các quyết định độc lập cho tương lai của mình, và kể cả quyết định sai và biết sửa chữa, khắc phục và đứng lên từ thất bại cũng quan trọng, cũng là thành công của con.”
Từ góc độ một ông bố trẻ, anh Lê Xuân Đức chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của mình: “Khi tôi còn là một đứa trẻ, bố mẹ không hiểu tôi. Tôi nghĩ cha mẹ cần hiểu thế mạnh của con là gì, con có năng khiếu, sở trường gì để định hướng cho con. Tôi và vợ đều thống nhất là không áp đặt con quá mức, nhưng chúng tôi vẫn luôn quan sát con hàng ngày qua việc chơi cùng con và trò chuyện với con để tìm hiểu năng khiếu, tiềm năng của con, từ đó có những cách thức để khơi dậy niềm yêu thích của con. Nếu không nắm được những điều đó mà áp đặt con thì đó hoàn toàn là sai lầm. Cha mẹ cũng chỉ có thể nỗ lực hết sức để tạo cho con các điều kiện tốt nhất, tạo nền tảng cho con phát triển sau này.”
Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến. Lý giải điều này, ông cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của việc này đến từ hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua nhiều thời đại, hay là nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ. Dù cha mẹ nhân danh tình yêu để dẫn dắt, gò ép con, thì điều này thường dẫn đến những hệ quả không mong muốn vì trẻ không được là chính bản thân mình. Nếu đem con so sánh hay định khuôn mẫu con nên trở thành thế nào có thể khiến trẻ bị “phủ nhận bản thân” tức là nghĩ bản thân của hiện tại không có giá trị, dẫn đến những hậu quả tất yếu về tâm lý và tinh thần. Một đứa trẻ như một mầm cây, nếu đủ nắng, đủ gió, đủ năng lượng,… sẽ này mầm và phát triển kỳ diệu, có thể hơn nhiều so với cha mẹ kỳ vọng.”
Cha mẹ hãy là người tạo động lực cho con cái
Ở phần 2 của chương trình, các diễn giả đã cùng sôi nổi thảo luận, chia sẻ và trả lời các câu hỏi của khán giả về những cách thức để cha mẹ có thể đồng hành, truyền động lực cho con cái cũng như thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em trong gia đình. Các diễn giả đều đồng ý rằng bố mẹ hãy lắng nghe con cái nhiều hơn.
PGS.TS Lê Văn Hảo gợi ý phương pháp để cha mẹ và con cái có tiếng nói chung: “Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta đều nên duy trì mối quan hệ tốt với con để đem lại ảnh hưởng tích cực cho con. Phần lớn mẫu thuẫn trong gia đình đều tiếp tục khi trong gia đình không có giao tiếp, hoặc giao tiếp không phù hợp khiến cho một trong hai bên bị tổn thương. Con có thể thay đổi cách truyền đạt nguyện vọng với cha mẹ một cách phù hợp. Cha mẹ cũng có thể thay đổi cách tương tác, lắng nghe con, chuyển từ áp đặt sang hỗ trợ. Cha mẹ phải hiểu con thì mới có thể hỗ trợ con. Như vậy, cha mẹ vừa là người lắng nghe, vừa là người hướng dẫn, cổ vũ con. Khi chúng ta thay đổi, thì kết quả sẽ thay đổi”.
Ông Hảo cũng nhấn mạnh: “Cha mẹ nên dùng phương pháp giáo dục tích cực – Giáo dục tích cực cũng không phải là để con làm gì tuỳ thích mà là việc cùng nhau thảo luận các giới hạn phù hợp, các giới hạn trong gia đình, theo pháp luật, theo xã hội và cuộc sống, để cùng nhau tuân thủ nhưng không hạn chế các tiềm năng của trẻ”.
Anh Lê Xuân Đức chia sẻ thêm: “Cha mẹ hãy bắt đầu đồng hành với con càng sớm càng tốt. Từ việc đồng hành với con từ bé, chúng ta sẽ trở thành một người bạn của con, trở nên thân thiết với con, từ đó tạo cho con niềm tin để khi con trưởng thành, mình sẽ không phải rình rập để xem con mình đang gặp vấn đề gì mà con có thể tự chạy về tìm bố, mẹ để kể ra vấn đề, trăn trở của mình, có thể giúp đỡ và hỗ trợ con tốt hơn. Đừng chờ đến khi con 14 – 15 tuổi, khi giữa cha mẹ và con đã có khoảng cách rồi mới làm bạn với con, điều này rất khó.”
Bà Nguyễn Phương Linh đồng tình với bố Sâu Lê Xuân Đức và đưa ra lời khuyên với các phụ huynh: “Tôi gợi ý các phụ huynh hãy nghiêm túc trong việc tôn trọng và lắng nghe con, hãy “họp gia đình” dành thời gian để nói chuyện và trao đổi với con ít nhất 1 giờ có chất lượng hàng ngày ngay từ khi con còn nhỏ. Không có công thức chung cho việc nuôi dưỡng một đứa trẻ vì mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau nhưng có thể có nguyên tắc chung trong việc dành thời gian cho con, tôn trọng và lắng nghe con.”
Bà Linh chia sẻ một bí kíp Hành động cho cha mẹ với chữ ACT – trong đó A là Accompany – Đồng hành cùng con; C – Commitment và Communication: Cam kế tôn trọng con và trao đổi nói chuyện với con hàng ngày; và T là Time – dành thời gian chất lượng cho con. Bà Linh cũng nhấn mạnh: “Trẻ em cần học để lớn khôn, cha mẹ cũng cần học tập các phương pháp giáo dục tích cực để là động lực, tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, tối đa hoá các tiềm năng của mình. Chúng tôi luôn đồng hành cùng cha mẹ trong tiến trình cùng con khôn lớn”
Ông Khuất Văn Quý cho biết, về phía các cơ quan nhà nước đang có chính sách, chương trình gì để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ quyền và sự tham gia của trẻ em, cụ thể là: “Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em được lên tiếng về những ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng – bình đẳng – yêu thương. Chúng tôi cũng đang mong muốn cùng các bên liên quan xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc để cha mẹ có thể tham khảo đồng hành cùng con khôn lớn một cách hiệu quả ”.
Toạ đàm tạm kết thúc với các thông điệp thống nhất của các diễn giả về sự cân bằng và hài hoà, đồng hành cùng con giữa “Ước mơ của con” và “Kỳ vọng của cha mẹ”. Các diễn giả nhấn mạnh rằng hạnh phúc và thành công nằm ở trải nghiệm và quá trình, và chúc cho các gia đình Việt Nam sẽ có những trải nghiệm tích cực, hạnh phúc và yêu thương mỗi ngày bên nhau.
Về Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)
Là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam, MSD nỗ lực hành động vì một môi trường phát triển thuận lợi cho sự phát triển của khối các tổ chức xã hội và thúc đẩy việc thực hiện quyền của các nhóm cộng đồng bị lề hoá và dễ bị tổn thương, đặc biệt là nhóm trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người khuyết tật. Hiện nay, MSD được công nhận là một tổ chức đi đầu trong việc phối hợp, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ nâng cao năng lực, đào tạo và tham vấn cho các tổ chức xã hội tại Việt Nam. Thêm vào đó, MSD cũng là một tổ chức chuyên nghiệp đáp ứng hiệu quả nhu cầu và bảo vệ quyền của các cộng đồng yếu thế, bao gồm thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua các chương trình, dự án và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người nhập cư và người khuyết tật, v.v… tại Việt Nam.
Xem lại chương trình tại đây: https://www.facebook.com/www.msdvietnam.org/videos/3086119671615774
Để tiếp tục cập nhật những thông tin hữu ích và phương pháp các thông tin hữu ích về những kiến thức chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đồng hành và thúc đẩy sự tham gia, tiếng nói của trẻ em, vui lòng truy cập Fanpage Lan toả yêu thương và nhóm Chuyện nhà mình – Hành trình cùng con khôn lớn.
Gia Anh (Theo TTV)