Hình ảnh những gánh hàng rong từ lâu đã trở thành nét văn hóa, ký ức không thể thiếu khi nhắc về Hà Nội.
Trên con phố nhỏ, ngõ nhỏ, không khó để bắt gặp những người bán hàng rong lam lũ, len lỏi ngược xuôi với đôi quanh gánh nặng trĩu chở đầy thức quà vặt theo mùa.
Những người bán hầu hết là những người tỉnh lẻ hoặc ở ngoại thành Hà Nội. Đằng sau đôi quang gánh là những tất tả mưu sinh và bao nỗi lo toan nhọc nhằn thường nhật. Họ có thể là những người phụ nữ tần tảo hoặc là người cha phải gánh gồng, là trụ cột kinh tế cho cả một gia đình.
Chia sẻ với PV Dân trí, PGS – TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa) cho hay, không ai biết gánh hàng rong có từ khi nào, chỉ biết nó gắn liền với sự phát triển, thăng trầm qua từng thời kỳ của Hà Nội.
Sở dĩ gọi là gánh hàng rong là vì những người bán hàng xưa thường sử dụng đôi quang gánh đi bán cho thuận tiện, dễ di chuyển vào từng ngõ ngách nhỏ. Ngày nay gánh hàng rong đã trở thành danh từ chung để chỉ những người bán hàng không cố định một chỗ dù họ có sử dụng đôi quang gánh nữa hay không.
Với người Hà Nội, những gánh hàng rong không chỉ là ký ức mà còn chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng rất riêng. Người Hà Nội quen với mua đồ ăn từ những người bán rong. Đó cũng là cách thưởng thức ẩm thực rất riêng.
Những gánh hàng rong có thể bán các thức quà vặt: bánh trái, bún, phở… hoặc là những đặc sản theo mùa nào táo, mận, vải, nhãn, cốm, sen… Dẫu chỉ là những món ăn đơn giản, bình dị nhưng lại mang theo cả phong vị ẩm thực độc đáo rất riêng của từng vùng miền.
Trước đây, lẫn với những âm thanh nhộn nhịp, tấp nập của phố phường người ta vẫn nghe thấy cả những tiếng rao quen thuộc: “Nào ai mua tào phớ đây”, “Ai bánh trôi, bánh chay, chè cốm nào…”, “Tóc rối đổi kẹo, vỏ chai, hộp xà phòng bán nào”…
Không phải ngẫu nhiên, những gánh hàng rong lại xuất hiện và trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ sáng tác. Nhà văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã miêu tả rất kỹ hình ảnh những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội.
Từ những tiếng rao trong “tang tảng sáng, lẫn với tiếng quét đường” đến những thức quà ngon, nóng hổi: bánh cuốn, bún phở, xôi, bánh rán, đậu nóng… đầy hấp dẫn trong từng đôi quang gánh. Trong “Thương nhớ mười hai”, Vũ Bằng cũng dành những trang viết tinh tế về nét đẹp văn hóa Hà Thành trong đó khẳng định giá trị của văn hóa hàng rong.
Thậm chí, không ít triển lãm nghệ thuật, trưng bày cũng lấy hình ảnh gánh hàng rong để giới thiệu với công chúng như một nét đặc trưng rất riêng của Hà Nội.
Hà Nội ngày nay thay bằng vẻ cổ xưa cũ là những con phố tấp nập, hiện đại với những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, quán xá hiện đại, lung linh.
Đi cùng với đô thị hóa, những gánh hàng rong cũng có nhiều thay đổi. Những tiếng rao bán ngày càng thưa vắng. Xe đạp dần thay thế phương thức đi bộ bán hàng và đòn gánh. Kỹ thuật rao cũng đã được hiện đại hóa và thích ứng bằng những chiếc loa điện được ghi âm sẵn.
Sự phát triển của công nghệ, với những ứng dụng rao hàng thời 4.0 phần nào cũng khiến cho những gánh hàng rong không còn phát triển, được ưa chuộng như trước.
Thêm vào đó, mặt trái của việc bán hàng rong như: lấn chiếm vỉa hè, nhiều hàng quán không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phần nào “giảm sức hút” của loại hình buôn bán này.
“Những đội quân bán hàng rong trên lòng đường vỉa hè, xả rác bừa bãi… đó là chưa kể, không ít người bán chèo kéo, chặt chém khách du lịch đã khiến cho bộ mặt đô thị Hà Nội trở nên xấu xí, nhếch nhác.
Dù vậy, xét ở một khía cạnh nào đấy, những gánh hàng rong vẫn là một nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, đặc biệt là đối với khách du lịch. Hơn hết cả đó vẫn là công việc mưu sinh nuôi sống rất nhiều gia đình.”, PGS – TS Lê Quý Đức nói.
PGS.TS Hà Đình Đức cũng cho rằng, gánh hàng rong không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân, mà đó còn là gia sản của nhiều gia đình, có người nhờ đó mà nuôi được con ăn học thành tài.
Dù cuộc sống đã hiện đại, phát triển hơn trước nhưng trong các đô thị lớn ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội, TPHCM vẫn không thể thiếu những gánh hàng rong.
Đối với khách du lịch, văn hóa hàng rong cũng trở thành nét rất riêng, độc đáo. Không khó để bắt gặp những hình ảnh người nước ngoài thích thú thưởng thức ẩm thực trên phố.
“Dù rằng bên cạnh những nét tích cực hàng rong cũng có nhiều tồn tại cần phải thay đổi, tuy nhiên, cũng phải có cái nhìn thiện cảm, bao dung hơn. Đằng sau những đôi quang gánh là những thân phận, phận đời, là cuộc sống mưu sinh, là công việc lương thiện, gửi gắm chất chứa cả ước mơ của biết bao gia đình.
Để thay đổi, tạo dựng văn hóa hàng rong văn minh, đẹp đẽ hơn thì cần có những biện pháp, chính sách hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững”, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ.
Theo Hà Trang/ Dân Trí
Ảnh: Toàn Vũ, Hà Trang