Luôn cố gắng vươn lên nghịch cảnh, hai vợ chồng khiếm thị tại TP.HCM đã giành được giả thưởng lớn khi được Thần Tài Gõ Cửa trao cho một cơ hội may mắn.
Chương trình Thần Tài Gõ Cửa số 638 là chuyến “vi hành” của Thần tài Đình Toàn cùng vợ Thổ địa Ngọc Hoa để tìm hiểu câu chuyện của vợ chồng anh Trương Văn Thuận (1976) và chị Trần Thị Kim Phượng (1980), đang sống tại đường Hòa Hảo, phường 5, quận 10, TP HCM.
Theo chia sẻ, anh Thuận là trẻ mồ côi được Trung tâm Bảo trợ Thị Nghè cưu mang. Vừa lọt lòng, anh đã không may mất đi ánh sáng khiến cuộc đời anh khởi đầu bằng một màu đen. Tuy nhiên, sau khi lớn hơn một chút thì anh may mắn được học tập tại trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, anh đã nuôi trong mình ý chí và nghị lực phi thường để vượt lên nghịch cảnh của mình. Không những chăm chỉ học chữ nổi, anh Thuận còn học thêm nghề để khi đủ tuổi có thể tự kiếm ăn, lo lắng chi tiêu cho bản thân để mình không còn là gánh nặng của người khác. Nhờ vậy, ngoài chữ nổi, anh còn học thêm được nghề mat-xa, xoa bóp và coi đó là cái nghề để kiếm cơm của mình.
Cũng nhờ sự chăm chỉ, chịu khó của mình mà chị Phương – người phụ nữ có cùng khiếm khuyết đã đem lòng thương mến anh Thuận. Hai con người có chung cảnh ngộ đã dần xích lại gần nhau, chia sẻ với nhau mọi vui buồn, cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Năm 1999, nhờ tay nghề nhuẫn nhuyễn mà cả hai vợ chồng được trường Nguyễn Đình Chiểu nhận làm nhân viên mat-xa cho cơ sở tại trường. Dẫu phải chật vật chuyện cơm áo nhưng 2 vợ chồng khiếm thị đã có thêm hạnh phúc mới khi lần lượt chào đón 2 con trai Minh Hoài (2007) và Minh Trí (2009) hoàn toàn khỏe mạnh, không mang khuyết tật như cha mẹ.
Thế nhưng, biến cố ập đến khi năm 2013, cơ sở mat-xa mà anh chị bám trụ dần vắng khách và giải thể. Gom góp được vỏn vẹn 6 triệu trong tay, anh chị quyết tâm gầy dựng cửa tiệm riêng cùng với một vài người bạn khiếm thị đồng cảnh ngộ. Vậy là cơ sở mat-xa ở quận Bình Thạnh được mở ra với bao nhiêu hy vọng về một ngày mai đỡ nhọc nhằn hơn. Thế nhưng vừa tìm được nguồn khách quen thì chủ nhà thu hồi lại mặt bằng.
Vừa không có chỗ để ở, vừa mất việc không có thu nhập nên anh Thuận chuyển sang nghề mua bán chổi để tạm qua cơn khó khăn. Dẫu rằng trên đường phố chật chội, đông đúc đầy rẫy những nguy hiểm đối với người thiếu đi ánh sáng, dẫu rằng người chồng, người cha này nhiều lần bị sụp ổ gà, trượt chân, va chạm khắp người nhưng khó khăn mấy anh cũng chẳng ngại vì anh biết vẫn còn gia đình cần phải lo. Và hơn ai hết, anh hiểu chỉ có làm việc cật lực thì bữa cơm gia đình mới được no đủ.
Không thể thuê được phòng trọ ở vị trí thuận tiện, anh chị tìm về con hẻm thuộc quận 10 và sinh sống cho đến nay. Gom góp rồi vay mượn khắp nơi, hai vợ chồng tiếp tục viết lại ước mơ sống với nghề xoa bóp tại chính căn gác nhỏ phía trên ngôi nhà trọ cũ.
Chị Phượng nói: “Mình xin lại 3 cái giường từ lúc trường cũ mở cơ sở mat-xa. Sau khi cơ sở giải thể, trường cho mỗi nhân viên 1 cái. Nhưng đồng nghiệp ai cũng đi làm nghề khác, không còn mấy người bám nghề nên 2 vợ chồng xin thêm được nhiều đồ hơn. Chúng tôi cũng cố gắng làm, vừa duy trì cái nghề như một cách trân quý, vừa tận dụng được đồ cũ vì thật ra 2 vợ chồng không đủ tiền mua đồ mới”.
Mùa dịch bệnh kéo dài khiến cho thu nhập của gia đình một lần nữa bấp bênh khiến anh chị chạy vạy khắp nơi mới đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh việc nhận mat-xa khi được hoạt động trở lại, anh Thuận và chị Phượng còn tranh thủ nhận thêm vé số, tăm bông để đi bán mỗi khi có thời gian để kiếm thêm thu nhập. “Chỉ cần làm gì có tiền là 2 vợ chồng cứ làm. Dậy sớm thức khuya hay dầm mưa dãi nắng cũng làm vì các con cần nhiều chi phí ăn học chứ để tụi nó đi bán như mình thì cực lắm”, anh Thuận trải lòng.
Thương cha mẹ vất vả, anh em Minh Hoài và Minh Trí luôn cố gắng học tập và giành được nhiều thành tích tốt. Đến nay em trai Minh Trí đã học lớp 8 còn anh lớn Minh Hoài đã đậu 1 trường đại học và 1 trường cao đẳng. Dù mong muốn được học đại học luôn cháy bỏng trong lòng câu thanh niên 18 tuổi, thế nhưng vì lo cho cha mẹ nên Minh Hoài đành từ bỏ ước mơ mà học Cao đẳng để giảm bớt học phí.
Thương con, nhưng nghĩ đến số nợ 5 triệu vay mượn đã lâu mà chưa thể trả hết, anh chị nào đâu đủ sức sắm sửa, trang bị lại phòng ốc mat-xa để phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thấu hiểu ước mơ vô cùng giản đơn của vợ chồng người thợ mát-xa khiếm thị, những vị thần đã tìm đến và trao cho họ một chiếc “chìa khóa” để thay đổi cuộc sống.
Tới với Thần Tài Gõ Cửa vượt và qua những thử thách mà chương trình đưa ra, gia đình anh Thuận, chị Phượng đã mang về giải thưởng lên tới 41 triệu đồng.
Đón xem chương trình Thần Tài Gõ Cửa phát sóng lúc 19h10 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện.
Gia Anh (Theo TTV)