Ẩm thực Hà Giang nổi tiếng không thua kém gì hoa tam giác mạch. Các món ăn đặc sản tại đây mang hương vị dân giã, mộc mạc đậm vị núi rừng Tây Bắc. Nơi dừng chân lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài, nếu muốn bắt đầu hành trình khám phá ẩm thực Việt không đâu khác ngoài địa đầu của Tổ quốc Việt Nam – Hà Giang.
Cùng thegioigiaitri.com.vn điểm lại các món ăn ngon độc đáo tại vùng đất “cao nguyên đá” Hà Giang.
1. Cháo ấu tẩu
Ở Hà Giang có nhiều món ăn độc đáo khiến du khách đã một lần tới đó đều không thể nào quên được. Cháo đắng, hay cháo ấu tẩu là một loại ẩm thực như thế. Làm từ loại củ độc, đồng bào nơi đây đã chế biến ấu tẩu thành món ăn rất tốt cho sức khỏe. Cháo ấu tẩu – đặc sản Hà Giang có bán quanh năm và thường được bày bán ở các chợ vào lúc chiều tà. Cháo sẽ cho người ăn giấc ngủ sâu ngon và xua tan đi mệt mỏi suốt một ngày dài.
Ít loại cháo nào để lại dư vị nhiều như cháo ấu tẩu. Cái beo béo của gạo, của nước chân giò, của trứng gà và mùi thơm thơm quen thuộc với các loại phụ liệu cũng như cay nồng tiêu ớt thì dễ tìm, nhưng vị đắng đắng khác biệt của củ ấu tẩu thì không dễ kiếm, càng không dễ quên.
2. Thắng cố
Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.
Thắng cố đúng vị phải làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, luôn nóng bỏng khi được múc ra bát, thực khách vừa ăn vừa thổi. Bên ngoài có thêm muối hoặc bột canh, khi ăn mới chấm cho vừa miệng mỗi người. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, ớt, tiêu quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Thắng cố được bán ở các chợ phiên thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú…
3. Thịt chuột
Người dân La Chí coi thịt chuột là loại thực phẩm thường xuyên, hằng ngày. Theo lời kể, mỗi mùa lúa chín đàn ông trong bản kéo nhau đi săn chuột khắp huyện, hết mùa gặt họ lại vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Họ có thể chế biến thịt chuột thành vô vàn món ăn như nướng, xào, treo gác bếp…
Thịt chuột nướng ăn ngay thơm lừng, dai dai, ngọt mà không bị khô. Còn thịt treo gác bếp sau một thời gian sẽ quắt lại, cứng như củi. Nhưng có thể vùi tro nóng, dùng chày đập và chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hay ngâm nước sôi cho nở ra, rồi ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Cùng hấp dẫn nhưng vị thịt chuột ở đây khác hẳn thịt chuột miền Tây.
4. Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng là món ăn đặc sản mỗi sáng của du khách khi đến Hà Giang. Bánh cuốn ở đây khi được tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh gói lại. Khi ăn sẽ ăn kèm với một bát nước lèo nóng hổi thả giò trắng thơm ngon ở trong. Bánh cuốn trứng Hà Giang ngon bởi sự kết hợp của bột bánh dẻo vừa đủ, nhân thịt đậm đà, và nước chấm có vị đậm đà riêng biệt.
Là món “vừa ăn vừa đợi”, bánh chỉ được tráng khi có khách, đập thêm trứng lên mặt lớp bột rồi dùng vỏ bánh gói lại. Trứng không chín hẳn mà chín lòng đào, có vị béo ngậy, chấm ngập vào chén nước chấm được ninh từ xương, khác với nước mắm thông thường. Món bánh cuốn trứng chủ yếu được bán buổi sáng ở TP. Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và trong một số chợ.
5. Thịt lợn cắp nách
Lợn cắp nách làm sạch rồi có thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích hay dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.
Sở dĩ, món ăn này có tên là thịt lợn cắp nách bởi vì cứ đến đợt xuất chuồng, người dân ở đây sẽ xẻ thịt cắp nách đem ra chợ bán theo phiên. Người ta nướng lợn cùng với các loại gia vị đặc biệt và mùi hương rất lạ. Có nhiều cách chế biến món lợn cắp nách như quay thịt với mật ong, thịt lợn nấu rượu mận, thịt lợn luộc chấm các loại mắm lạ,… Đến với Hà Giang thì đây cũng là món ăn đặc sắc không nên bỏ qua.
6. Thịt gác bếp
Thịt trâu hay thịt lợn gác bếp thường được làm từ những miếng thịt có thớ dọc và dài. Từng miếng thịt trâu, thịt lợn được xiên vào những que to rồi treo lên gác bếp.
Trước khi mang gác bếp, thịt được tẩm các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang.
7. Phở chua
Phở chua ở Hà Giang thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “lường pàn” nghĩa là “phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè.
8. Chè Shan tuyết
Những cây chè Shan cổ thụ vùng cao màu trắng xám, bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan tuyết – đặc sản Hà Giang. Đây là nguồn nguyên liệu sạch vì khai thác từ tự nhiên.
Giữa núi rừng, thưởng trà Shan tuyết sẽ là trải nghiệm không thể quên khi đến Hà Giang. Pha trà Shan tuyết, phải dùng nước nguồn trên núi chảy về sẽ cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Vị chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn khi thưởng thức.
9. Thắng dền
Thắng dền trông giống bánh trôi tàu ở Hà Nội, giống bánh cống phù ở Lạng Sơn, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra.
Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng. Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc.
10. Cơm lam Bắc Mê
Đến Hà Giang mà không thưởng cơm lam Bắc Mê sẽ thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu.
Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.
11. Rêu nướng
Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng. Khi đi tìm rêu người dân thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi đem về được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, sau đó có thể chế biến thành nhiều món.
Rêu là một món ăn quý, rêu có thể được chế biến thành nhiều món như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
12. Bánh tam giác mạch
Đến Hà Giang đúng mùa tam giác mạch, khách du lịch không chỉ chìm đắm giữa thiên nhiên tươi đẹp mà còn có cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng ấy qua chiếc bánh tam giác mạch.
Bánh được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía. Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
13. Rượu ngô
Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có riêng cho mình loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế.
Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ này. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy.
14. Cam Bắc Quang
Bắc Quang đến mùa cam là vàng rực màu mọng nước. Những trái cam hấp dẫn đầy rẫy khắp đường khắp chợ. Bổ ra, ruột mọng nước, thơm mát sảng khoái. Cam sành vì thế luôn là món quà được chọn khi khách ghé Hà Giang đúng mùa.
15. Hồng không hạt Quản Bạ
Hồng không hạt Quản Bạ đã có từ rất lâu đời. Sự thơm ngon nức tiếng của loại quả này được tạo thành nhờ các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý Quản Bạ.
Khác với giống hồng không hạt ở các địa phương khác, hồng không hạt Quản Bạ là giống bản địa, đã được đồng bào các dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Bố Y…) trồng từ lâu đời. Đồng thời, nó vẫn được bảo tồn và phát triển.
Hồng không hạt Quản Bạ có một số tính chất đặc thù so với các sản phẩm cùng loại như: Thịt quả giòn, ngọt, thơm, nhiều bột mịn; quả to, vỏ quả cứng, thịt chắc rất dễ bảo quản và vận chuyển.
16. Mật ong bạc hà Mèo Vạc
Mật ong bạc hà được người dân ở đây sản xuất theo phương pháp truyền thống, chủ yếu lấy từ hoa bạc hà và một số loài hoa của các loại thảo mộc hoang dại. Mật ong bạc hà có màu xanh nhạt, pha lẫn chút màu vàng, khi thưởng thức có mùi thơm đặc trưng riêng, vị ngọt dịu mát và sánh đặc.
17. Bánh chưng gù
Bánh chưng gù được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người dân Hà Giang, bánh có kích thước khá nhỏ, không được gói theo hình vuông thông thường mà được gói giống như bánh chuối nếp. Bánh chưng gù được chế biến bởi các nguyên liệu như nếp dẻo, thịt heo, đậu xanh, hành củ.
Quang Thịnh/ Theo TTV24