Thực ra, ăn đậu đỏ ngày Thất Tịch không phải là một phong tục lâu đời của người Hoa. Mà đây là một chiêu trò PR của Tập Đoàn Hồng Đậu vào năm 2001 khi tổ chức sự kiện “Thất Tịch – Hồng Đậu Tương Tư Tiết” vào ngày 7/7 âm lịch.
Theo truyền thống là ngày Ngưu Lang – Chức Nữ gặp lại nhau, một trong những ngày lãng mạn nhất theo quan điểm Á Đông. Dựa trên bài thơ Tương Tư của thi sĩ Vương Duy – một bài thơ ca ngợi về tình yêu có nhắc đến “hồng đậu”, Tập đoàn Hồng Đậu đã quyết chọn ngày này nhằm vinh danh những phong tục truyền thống, và dĩ nhiên là để nhân tiện marketing luôn cái tên của mình.
Nhưng vì sao lại có việc ăn chè đậu đỏ
Từ “hồng đậu” theo nghĩa gốc trong bài thơ là một loại hạt sinh trưởng ở miền nam Trung Quốc, hạt cứng, dùng làm trang sức chứ không ăn được. Một truyền thuyết đau buồn về cây hồng đậu này là thời xưa có một người chồng bị ép đi lính, vợ của anh ngày ngày đứng dưới thân cây trước thôn, mòn mỏi chờ chồng về. Mãi đến một ngày, người vợ vì quá thương nhớ chồng nên khóc ra máu rồi qua đời.
Sau đó, trên cây bỗng dưng kết trái, hạt của nó nửa đỏ nửa đen, tươi láng. Mọi người nhìn thấy cho là những giọt huyết lệ của người vợ kiên trinh hoá thành, và gọi đó là Hồng đậu, cũng còn gọi là Tương tư tử, đậu Khổng Tước…. Cũng vì câu chuyện ái tình bi thương ấy, đậu đỏ đã đi vào thơ ca qua biết bao thế hệ.
Thật sự thì đậu đỏ là một loài thực vật sinh trưởng ở khu vực vùng Lĩnh Nam, Trung Quốc. Hạt như đậu Hà Lan và có màu đỏ tươi có đường kính khoảng 8, 9 mm. Trong văn hóa Trung Hoa, Hồng đậu được cho rằng nó cũng giống như ngọc, thần vật cát tường có linh tính với các phẩm chất tôn vinh tình yêu đôi lứa : “Đậu có hình trái tim. Màu sắc của đậu tương tư đỏ tươi, lại bóng láng, tượng trưng cho “tình yêu chân thật thuần khiết”, “Hạt đậu không bị mục, không bị sâu mọt, không vỡ, không nát nên cũng được gọi là “thiên trường địa cửu, kiên trinh bất biến”, “Cây sinh trưởng nơi vách núi cao, hấp thụ linh khí của trời đất, là sự kết tinh thần diệu của trời đất”, “Nếu đậu tương tư có đầu màu đen thì được gọi là “giọt lệ của tình nhân” (tình nhân đích nhãn).
Một số địa phương miền nam Trung Quốc chọn đậu tương tư làm lễ vật đầu tiên, tặng cho trẻ em để biểu thị ý nghĩa bình yên, trừ tà. Những đôi nam nữ thanh niên chưa kết hôn tặng cho nhau đậu tương tư biểu thị sự yêu thương.
Nếu đã kết hôn, thì đậu tương tư tượng trưng cho thiên trường địa cửu. Người thân tặng cho nhau đậu tương tư biểu hiện sự nhớ nhung. Mỗi khi lễ thất tịch, đậu tương tư càng là một lễ vật quý báu, nó là một sự lựa chọn không thể thiếu.
Nhưng trong tiếng Hán, khi đọc cùng âm “đậu đỏ” thì loại đậu đỏ mà chúng ta hay ăn cũng được gọi như vậy. Thế là nó được người ta chọn ăn vào ngày này để cầu chúc ý nghĩa về tình yêu.
Khi sự kiện “Hồng Đậu Thất Tịch Tiết” được nhiều người đón nhận dần hóa thành sự kiện thường niên. Đậu đỏ món ăn cùng tên với sự kiện trên cũng ngày càng bán chạy hơn. Với thực trạng dân “ế” quá nhiều và tuyệt vọng như hiện tại, thì cũng không khó hiểu khi trào lưu ăn đậu đỏ được hưởng ứng mãnh liệt.
Duyên thì chưa biết có đến không nhưng cơ hội kinh doanh thì rõ ràng đã đến khi trên các trang mạng truyền thông cứ đua nhau làm giàu về việc bán chè đậu đỏ. Không đứng ngoài cuộc đua, các cửa hàng kinh doanh trà sữa cũng chiêu đãi các tín đồ thưởng thức món “trà sữa đậu đỏ”.
Việc tiếp nhận các văn hóa từ các nước trên thế giới là một điều đáng để chúng ta học hỏi, thế nhưng “hòa nhập chứ không hòa tan”. Các phong tục cũng thế, cần có sự kiểm chứng và chọn lọc trước khi “nhập khẩu”.
Huỳnh Mon/ Theo TTV24