Câu Chuyện Cuộc Sống: Sinh viên và kỹ năng hoạch định tài chính cá nhân

21:08 | 25/10/2022

Tháng 11 này, Câu Chuyện Cuộc Sống tập trung các chủ đề về chi tiêu, hành xử dành cho các bạn trẻ giúp họ có thêm nhiều kiến thức xã hội cần thiết để đến gần với thành công.

 

Kỹ năng chi tiêu cho sinh viên

Bước chân vào ngôi trường đại học từng mơ ước, nhiều bạn trẻ bắt đầu cuộc sống xa vòng tay cha mẹ để đối mặt với sự tự do nhưng đầy nỗi lo toan. Sự thay đổi này càng rõ ràng hơn đối với những sinh viên ở tỉnh lên các thành phố lớn học tập. Khởi đầu kỳ học của một sinh viên không chỉ gói gọn với sách vở nữa mà là một danh sách dài đồ đạc, khoản mục chi tiêu: thuê nhà, máy tính, laptop, điện thoại, xe cộ, đồ dùng cá nhân… Và ngân sách ba mẹ cho chỉ có vài triệu/tháng, các bạn trẻ phải tự cân đối chi tiêu này thế nào trong trạng thái thiếu kinh nghiệm hoạch định tài chính.

Đa số các bạn trẻ đều không được trang bị các kiến thức về chi tiêu chủ động dẫn đến thiếu trước hụt sau khi bước vào cuộc sống tự lập. Cũng không lạ khi chưa đến cuối tháng hoặc thậm chí, mới giữa tháng số tiền đó đã bốc hơi mà không còn dấu vết. Chuyên gia của chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống đưa ra một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh và các bạn trẻ xoay quanh chủ đề này: Bạn nên thiết lập ngân sách cá nhân có tính chu kỳ, phân loại thu nhập và chi tiêu hàng tháng. Nếu ở trọ, hãy chọn phòng trọ không cách xa trường quá 2km để có thể tiết kiệm chi phí đi lại. Nên tự nấu ăn thì bạn có thể tiết kiệm đến 50% chi phí ăn uống, còn giúp bạn chủ động lựa chọn món ăn đa dạng, đảm bảo chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ chi tiêu những thứ đã được ghi trong danh mục chi tiêu hàng tháng. Tiền vay mượn không phải là một loại thu nhập, đó là một khoản chi tiêu có giá trị bằng “lãi suất 0%” do được vay từ người thân quen. Không sử dụng các dịch vụ thẻ tín dụng. Một nguyên lý đơn giản trong cân đối tài chính cá nhân là gia tăng phần thu nhập. Những công việc phổ biến dành cho sinh viên Đại học dưới hình thức part-time hoặc thậm chí là full-time mà ngay từ năm nhất đều có thể bắt đầu làm.

Kỹ năng Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng quan trọng mà các bạn sinh viên nên trang bị ngay từ khi còn đi học. Còn rất nhiều kỹ năng nữa sẽ được bật mí trong số phát sóng của Câu Chuyện Cuộc Sống tuần đầu tiên tháng 11.

“Cảm ơn” và “xin lỗi” là biểu hiện của ứng xử văn hóa

Trong cuộc sống thường ngày của mỗi chúng ta, lời cám ơn và xin lỗi tưởng chừng như rất khó nói nhưng thực chất nó có tác dụng rất lớn trong việc duy trì và kết nối các mối quan hệ. Đặc biệt tại môi trường công sở, khi công việc được giải quyết bằng sự phối hợp của tập thể thì giá trị của lời cảm ơn và xin lỗi càng được nhân lên gấp nhiều lần. Trong nhiều trường hợp, lời cảm ơn hay lời xin lỗi không chỉ đem niềm vui tới người nhận, chúng còn trực tiếp giải tỏa khúc mắc, gỡ rối các quan hệ, và con người cũng vì thế mà sống vị tha hơn. hư một luật lệ bất thành văn, thường thì chỉ có con cái xin lỗi hay cảm ơn cha mẹ, người ít tuổi xin lỗi hay cảm ơn người lớn tuổi, mà nhiều người lớn tuổi không chú ý tới việc cảm ơn hay xin lỗi khi ứng xử với người khác. Thậm chí thường ngày khi cha mẹ dặn dò con cái phải biết cảm ơn và xin lỗi nhưng đôi khi lại ít chủ động làm gương trong việc nói những lời ấy.

Xin lỗi khi bản thân mắc lỗi là chuyện bình thường và mỗi người ứng xử với lỗi lầm của mình theo cách khác nhau. Có người thừa nhận sai lầm, xin lỗi rồi sửa sai; lại có người biết là sai lầm nhưng không dám thừa nhận, hoặc thừa nhận nhưng không chịu sửa chữa và không hề biết nói lời xin lỗi. Biết nói và sử dụng lời cảm ơn hay lời xin lỗi là biểu hiện của nhận thức, của việc thực hiện hành vi ứng xử văn hóa. Ðể các lời nói thân thiện này trở thành thói quen trong quan hệ xã hội, mỗi người trong chúng ta cần nhận thức cụ thể hơn, để mọi người ứng xử có văn hóa hơn trong giao tiếp. Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi là một tiêu chí đánh giá phẩm chất và vốn liếng văn hóa của mỗi cá nhân, từ đó góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Tất nhiên, nói như thế nhưng cũng phải loại trừ những lời cảm ơn hay xin lỗi không thật lòng, để cho qua chuyện.

Trong tháng 11, các chủ đề về giá trị của sự nỗ lực, chọn lọc những lời khuyên phù hợp, người lớn làm gương cho thế hệ trẻ… sẽ mang đến rất nhiều góc nhìn tích cực cho khán giả trong việc làm giàu vốn sống của mình. Đừng quên khung giờ lúc 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên THVL1.

 

Gia Anh (Theo TTV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *