Ngày 4/11, tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, Q2 – TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm “Hoài niệm lụa là” của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng.
Tranh Nguyễn Trọng Dũng được bạn bè trong giới văn nghệ ví như những điệu thức tằm tơ trầm bổng. Tuy nhiên, để tạo ra được những làn điệu ngọt ngào trên toan như thế này lại không hề dễ dàng. Được biết, bức tranh “Đồng dao” được treo ngay chỗ vị trí rất dễ thấy trong phòng triển lãm đây đã được họa sĩ rửa đi rửa lại tới 15 lần, bởi quy trình sáng tạo một bức tranh lụa truyền thống không hề đơn giản và cũng không giống với những gì người khác vẫn nghĩ về tranh lụa.
Giải thích về quy trình làm tranh lụa truyền thống và lý do họa sỹ phải rửa bức tranh này tới 15 lần, Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ: Tùy theo tay nghề, kỹ thuật của mỗi Họa sĩ, quy trình vẽ tranh lụa có thể có nhiều cách khác nhau. Có nhiều người thích vẽ lụa khô, người vẽ lụa ẩm, có người lại vẽ không rửa… tùy theo cá tính và cảm xúc của người cầm bút vẽ. Ngẫm lại, vẽ cũng giống như sở thích ẩm thực, mỗi người một vẻ!
Theo tôi, tranh lụa đẹp nhờ sự ẩn hiện của đường nét, của những mảng màu được nhuộm thắm vào trong từng thớ lụa, từng sợi tơ, dưới tác động của ánh sáng, đã tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ, khiến cho người thưởng ngoạn một xúc cảm nhẹ nhàng, thanh thoát.
Tranh lụa khi lên 1 -2 lớp màu, rửa đi, rồi lên màu tiếp… cứ thế đến khi thấy màu trên tranh đã thắm (mặt trước và mặt sau tranh màu đều như nhau) giống như phác thảo hoặc ý đồ của người vẽ thì đã đạt được.
Tranh càng vẽ nhiều lớp, càng rửa nhiều lần, thì các thớ lụa (trong nghề gọi là ganh lụa) nổi rõ lên, khiến cho bức tranh màu trong trẻo, từng sắc thái, đậm nhạt của mỗi mảng màu trong tranh rõ ràng, lôi cuốn người xem.
Tại The World ArtSpace, ngay trước giờ khai mạc triển lãm là Art Talk “Con mắt nhìn nghệ thuật” với sự trao đổi của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng và Nhà thiết kế Đỗ Thị Trà My.
Đến với cuộc triển lãm có sự quan tâm của rất nhiều đối tượng thụ hưởng nghệ thuật, trong đó có các nhà báo, phóng viên truyền hình, nhà sưu tầm, họa sĩ, và rất đông công chúng yêu cái đẹp. Đối với mỗi đối tượng, chắc chắn sẽ có những góc nhìn khác nhau về cùng một tác phẩm nghệ thuật. Được hỏi công chúng có nên hình dung trước về phạm trù mỹ học trước khi bước vào phòng triển lãm hay cứ đơn thuần thấy thông tin hấp dẫn thì tới thưởng thức? , Nhà thiết kế Đỗ Thị Trà My trả lời: Trước tiên bạn cần là người yêu và quan tâm đến nghệ thuật nói chung. Khi bạn yêu và có cảm thụ nghệ thuật tốt bạn sẽ tự khắc bị hấp dẫn bởi các triển lãm và nếu tình yêu đủ lớn bạn sẽ tự tìm kiếm thông tin, bồi đắp kiến thức về lĩnh vực này. Tiếc rằng ở Việt Nam, ngoại trừ giới nghệ sỹ, nhà sưu tầm, những người hoạt động trong các lĩnh vực gần với hội họa thì số lượng công chúng hiểu và yêu nghệ thuật là không nhiều.
Khác với phương Tây, công chúng được sống, trải nghiệm trong nghệ thuật từ nhỏ một cách tự nhiên như hơi thở hàng ngày. Một môi trường cởi mở chấp nhận những khác biệt về tư duy, nhận thức … là điều kiện để nghệ sỹ và công chúng thể hiện tiếng nói của nội tâm.
Đối với các tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật, chắc chắn rằng chúng ta sẽ có những góc nhìn và cảm nhận khác nhau về cùng một tác phẩm, và tác phẩm nào càng khơi gợi được nhiều sự liên tưởng xúc cảm phong phú nơi công chúng thì tác phẩm đó có giá trị hơn. Không có đúng sai trong cảm nhận của công chúng, hoặc người thưởng lãm cũng không nhất thiết phải cùng đồng cảm với xúc cảm của tác giả. Cái đẹp của tác phẩm là kết nối, gọi lên được những ký ức sâu thẳm bên trong mỗi người, để rồi từ đó chúng ta tự học được gì, chiêm nghiệm được gì từ đó.
Nghệ thuật như là một phương tiện trung gian, là tấm gương soi chiếu nội tâm của nghệ sỹ, và là cầu nối khơi gợi những rung động xúc cảm khác nhau của người thưởng lãm.
Một câu hỏi dành cho họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng: Những công chúng yêu thích cái đẹp và dấu ấn nghệ thuật của tranh lụa liệu có thể ra chợ mua mảnh lụa mà họa sĩ dùng để vẽ tranh về nhờ NTK như chị Trà My đây may áo dài để mặc được không?
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng trả lời: Lụa dùng để vẽ và lụa trang phục khác nhau. Cơ bản lụa vẽ sợi dệt thưa hơn lụa để may trang phục như áo quần… Thông thường, lụa vẽ vẫn có thể dùng để may trang phục, mục đích biểu diễn trong các Lễ hội thời trang như tại Festival ở Huế đã dùng các tranh của các Họa sĩ thành danh như HS Trương Bé, HS Vĩnh Phối, HS Bửu Chỉ…vẽ trên áo dài. Lụa vẽ sợi dệt thưa nên may áo quần dùng hàng ngày mau bị hỏng.
Nhắc đến chất liệu lụa, được biết là lụa truyền thống của Quảng Nam cũng rất nổi tiếng. Vậy có phải họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng đã lựa chọn đúng nguyên liệu lụa truyền thống của quê hương để sáng tác? Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng trả lời: Đã có nhiều địa phương có những làng nghề dệt lụa truyền thống như lụa Vạn Phúc (Hà Nội) lụa Nha Xá (Hà Nam) lụa Tân Châu (An Giang) lụa Duy Xuyên (Quảng Nam).
Sinh ra và lớn lên tại Xứ Quảng, tôi mong muốn được vẽ trên nền lụa quê hương, tận dụng sắc màu bàng bạc và đường nét óng ả của lụa để biểu đạt những trải nghiệm và mơ tưởng … để đi tìm cái Đẹp bản nguyên về tranh lụa truyền thống.
Đến giờ tôi vẫn vẽ trên nền lụa Xứ Quảng ấy, do cộng đồng người Quảng Nam tại Tp Hồ Chí Minh vẫn dệt và bán trên thị trường. Làng lụa Ngã tư Bảy Hiền của người Quảng một thời vang bóng (nay cũng thưa dần vì không cạnh tranh nổi với thị trường!)
Chia sẻ thêm về góc nhìn của người làm sáng tạo với chất liệu lụa khi tài sản văn hóa của dân tộc này được đưa vào nghệ thuật như những bức tranh lụa đang hiện diện nơi đây? Công chúng nên nhìn nhận như thế nào cho đúng về giá trị của lụa Việt Nam? Nhà thiết kế Đỗ Thị Trà My trả lời: Tôi nghĩ rằng là người yêu nghệ thuật thì giá trị nằm ở hành trình thử nghiệm, trải nghiệm sáng tác mà thông qua đó những hy vọng, kỷ niệm, hay tư tưởng được thể hiện. Cùng với bút pháp hoặc kỹ thuật thể hiện khác nhau, mỗi nghệ sỹ sẽ để lại dấu ấn cảm xúc thông qua tác phẩm. Sẽ có những nghệ sỹ như anh Dũng đây yêu quý lụa và cùng với tài năng của mình tạo ra các tác phẩm chuyên chở bao triết lý nhân sinh, nhưng cũng có nghệ sỹ khác yêu thích trải nghiệm với gỗ, kim loại, hoặc những vật liệu truyền thống như vải canvas. Tôi sẽ không đưa định hướng rằng phải nhìn nhận giá trị của lụa Việt nam như thế nào cho đúng bởi vì khi phải xác định giá trị của vật liệu nào đó thì vô hình chung ta lại giới hạn giá trị của chính nó rồi, thay vào đó thì tự mỗi người trong không gian này hãy lắng lại, hãy cảm nhận, kết nối với tác phẩm theo cách riêng của mình.
– Thưa họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, mặc dù Quảng Nam là đất lụa, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là đất Quảng không có nhiều họa sĩ thành danh về lụa. Theo đuổi con đường sáng tạo trên tranh lụa, được biết 28 năm qua họa sĩ cũng đã có rất nhiều trải nghiệm mất mát, trả giá với dòng tranh khó bảo quản trên mảnh đất nhiều mưa bão, lắm thiên tai như dải đất miền Trung. Xin họa sĩ chia sẻ thêm với công chúng về nguyên nhân theo đuổi dòng tranh với rất nhiều vất vả này? Nếu đặt tranh lụa Việt Nam trên bình diện tham chiếu, so sánh với thế giới thì sao thưa họa sĩ?
Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng trả lời: Đúng vậy, ít có những họa sĩ thành danh về lụa tại Đất Quảng!
Không như sơn dầu, khi vẽ có thể chồng lên nhiều màu sắc khác nhau, vẽ lụa giống như Thiền vậy! Trầm tĩnh, bền bỉ,sâu lắng, chỉ một lúc sơ sót lên màu sai, là bỏ hẳn bức tranh! Vẽ xong phải bồi tranh, biểu tranh lên giấy, rồi làm bo tranh, khung tranh. Và chỉ bất cẩn treo vào tường bị ẩm là hư tranh ngay.
Người chọn tranh, tranh cũng chọn người!
Tranh lụa Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo nên những tiếng vang lớn trong các phiên đấu giá mỹ thuật; như tranh lụa của HS Nguyễn Phan Chánh, HS Lê Phổ, Lê Thị Lựu, HS Mai Trung Thứ… đã tạo nên một bản sắc riêng trên nền mỹ thuật trên thế giới. Điều đáng mừng là lớp các HS trẻ rất nhiều HS đã thành danh, đã định hình về tranh lụa trong giới Mỹ thuật như HS Bùi Tiến Tuấn (TP Hồ Chí Minh), Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu (Hà Nội)…
Buổi Art Talk với những chia sẻ của các khách mời sẽ là chiếc cầu nối giúp công chúng yêu nghệ thuật có thể hiểu hơn về những hy sinh, vất vả của những người làm sáng tạo, từ đó, chắc chắn khi hòa mình vào không khí của cuộc triển lãm, mỗi người sẽ thấy yêu hơn những đứa con tinh thần đã được dày công suy ngẫm, thực hành, tìm tòi, thử nghiệm, mỗi người nghệ sĩ đều cần cả một quãng thời gian rất dài để có thể tạo ra con đường riêng.
Triển lãm của người họa sỹ tài ba này sẽ giúp công chúng có cơ hội được thưởng lãm những bức tranh lụa tuyệt vời, thành quả của sức lao động đáng nể, tư duy sáng tạo nghiêm túc với nghệ thuật hội họa của một người họa sĩ đã ở vào lứa tuổi mà tài năng lẫn đức độ đều đạt tới độ chín. Với ngọn lửa đam mê của mình, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng sẽ còn tiếp tục cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm để đời, với những điệu thức trầm bổng ngọt ngào trên toan!
Thu Hiền (Theo TTV)