Chanel và Louis Vuitton là hai hãng đi đầu trong xu hướng này. Họ tăng giá bán với một số mặt hàng túi xách đắt tiền. Theo Purseblog, một website chuyên nghiên cứu về túi xách hàng hiệu, sau khi hoạt động kinh doanh xa xỉ phẩm hoạt động trở lại tại Trung Quốc, một vài thương hiệu cao cấp đã quyết định tăng giá, nổi bật trong số đó là nhà mốt Chanel.
Hãng này cho hay mức giá sẽ tăng từ 5 đến 17%. Và nó áp dụng cho nhóm túi xách mang tính biểu tượng của hãng như Chanel 11.12 và 2.55, cũng như dòng túi Chanel Boy, Gabrielle và Chanel 19 cùng với một số mặt hàng đồ da nhỏ.
Vì sao các nhà mốt lớn này lại chọn Trung Quốc là đất nước mở đầu cho chuỗi tăng giá? Đầu tiên là ở sức tiêu thụ. Người tiêu dùng Trung Quốc đã thúc đẩy 90% tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ toàn cầu vào năm ngoái. Trong kết quả quý đầu tiên, chủ sở hữu của Louis Vuitton – LVMH đã báo cáo doanh số bán hàng tại đại lục tăng mạnh, bắt đầu từ giữa tháng 3 khi các cửa hàng ở nước này bắt đầu mở lại.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc chỉ mua một phần ba số hàng cao cấp tại quê nhà, còn lại là từ những chuyến du lịch nước ngoài. Vì vậy, với doanh số bán hàng ở nước ngoài ở mức 0 do hạn chế đi lại, doanh số tại đại lục sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp ba để bù cho doanh thu bị mất.
Chia sẻ về chiến lược này của hãng, Chanel cho biết, việc hãng tăng giá không phải là nỗ lực nhằm lấy lại phần nào doanh thu đã thất thoát do dịch bệnh mà là một phần của chiến lược tái thẩm định mức giá hiện tại. “Các thương hiệu thường điều chỉnh giá hai lần/năm để đáp ứng điều kiện thị trường. Mức giá cao là một cam kết về chất lượng sản xuất cũng như xuất xứ của nguồn nguyên liệu thô. Đây là biện pháp cần thiết để thương hiệu tiếp tục đầu tư và duy trì các tiêu chuẩn cốt lõi của quá trình sáng tạo thủ công”, đại diện Chanel phát biểu.
Nhìn sang một lĩnh vực khác cũng thấy điều tương tự, các căn hộ cao cấp có vị trí thuận lợi được phát triển bởi các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi trên thị trường chưa bao giờ giảm giá. Thậm chí thực tế đã chứng minh, loại sản phẩm này còn tăng giá ngay sau khi làn sóng Covid-19 lần 1 được kiểm soát.
Bên cạnh các yếu tố tăng giá như nguồn cung thấp trong khi nhu cầu về nhà ở lớn thì bất động sản “cao cấp” được đánh giá là có giá trị sinh lời dài hạn, ít rủi ro so với vàng, chứng khoán. Mức giá cao cũng là một lời cam kết của chủ đầu tư về chất lượng, pháp lý và dịch vụ quản lý lâu dài. Đây cũng là chiến lược để bảo vệ thương hiệu và duy trì sự tin tưởng các các khách hàng cũ đối với sản phẩm của họ.
Tóm lại, việc tăng giá không chỉ giúp các thương hiệu thời trang đảm bảo được chất lượng và giá trị của sản phẩm mà còn là biện pháp thích ứng với các biến động của thị trường và nền kinh tế. Sau khi gặt hái được các thành công bước đầu ở thị trường đại lục, các “ông lớn” sẽ tiếp tục thực hiện việc tăng giá ở các quốc gia khác.
Lợi Vũ/ Theo TTV24