Hôm 29/8, hội sân khấu TP HCM viết thư kiến nghị trao giải thưởng Nhà nước cho cố nghệ sĩ Viễn Châu. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu – Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM – cho biết, Viễn Châu từng được phong Nghệ sĩ Nhân dân trên cơ sở là danh cầm. Cố nghệ sĩ có 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, sức ảnh hưởng của ông vẫn to lớn cho đến nay. Mỗi năm, tác phẩm của ông thường được nhiều đơn vị chọn thể hiện trong các hội diễn.
Vài năm trước, đạo diễn động viên anh Minh Châu, con trai cố soạn giả, làm hồ sơ cho cha nhưng không thành công. Để được xét duyệt, nghệ sĩ phải có vở diễn đi dự hội thi và đoạt huy chương, tác phẩm phải in thành sách công trình nghiên cứu, từ đó trở thành căn cứ trao giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Do sinh thời, ông không có điều kiện gửi kịch bản đến các liên hoan, hội thi. “Nếu chỉ dựa vào các tiêu chí trên để để xét duyệt danh hiệu, giải thưởng thì không công bằng bởi cống hiến của tác giả Viễn Châu đã quá rõ ràng”, đạo diễn Ngọc Giàu nói.
Nghệ sĩ Kim Cương, Lệ Thủy xúc động khi nghe tin Viễn Châu được kiến nghị trao giải thưởng Nhà nước. “Tôi không dám gọi ông là hậu tổ của nền sân khấu cải lương. Nhưng với tôi và chắc chắn với rất nhiều nghệ sĩ, Viễn Châu là bậc đại thụ”, Kim Cương nói.
Bà nhớ lúc làm chương trình kỷ niệm tám năm ngày mất của nghệ sĩ Bảy Nam, bà chia sẻ với Viễn Châu mong có một bài vọng cổ mới tưởng nhớ mẹ. Trong hai ngày, ông đã hoàn thành bài Giấc mộng lá sầu riêng. Đến giờ, bà vẫn không thể nào nghe hết bài hát này mà không khóc.
Soạn giả Viễn Châu (1924 – 2016) là cha đẻ của loạt vở tuồng kinh điển như: Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Hàn Mặc Tử, Tần Quỳnh Khóc bạn, Kiếp cầm ca… Một trong những sáng tạo nghệ thuật của Viễn Châu là việc ông lập nên thể loại tân cổ giao duyên, giúp những giai điệu cổ dễ đi vào lòng người hơn. Nhiều ngôi sao từng thành danh qua các sáng tác của Viễn Châu như: Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên…
Ông còn là một trong ba danh cầm của làng nhạc cổ truyền miền Nam. Danh tiếng của “tam hùng” danh cầm gồm Năm Cơ – Bảy Bá (Viễn Châu) – Văn Vỹ in đậm trong lòng mộ điệu của giới cổ nhạc từ thập niên 1960.
Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau giải thưởng Hồ Chí Minh. Giải được phân ra làm hai lĩnh vực chính: Văn học Nghệ thuật và Khoa học công nghệ. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm.
Hạ Du/Theo TTV24