Ăn ngon 3 miền: Thanh Hóa không chỉ có nem chua

18:00 | 10/10/2020
Không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt - nơi sản sinh ra rất nhiều anh hùng dân tộc, Thanh Hóa còn sở hữu cảnh trí thiên nhiên thơ mộng, hữu tình cùng nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn làm say lòng du khách bốn phương.

Nem chua

Khi nói đến ẩm thực xứ Thanh, có lẽ món ăn đầu tiên hiện lên trong đầu du khách chính là nem chua. Nem chua Thanh Hóa có nhiều loại, phân biệt theo hình dạng thì sẽ có nem dài, nem vuông, theo cách làm thì lại có nem cối, nem thính… Nguyên liệu chính để làm món ăn này là thịt lợn mông nạc, lá đinh lăng, lá ổi, thính và các loại gia vị khác như ớt, tỏi cắt lát. Ở một số địa phương, người ta còn cho thêm da lợn vào cho đỡ ngán. Nem chua Thanh Hóa có vị chua thanh, giòn, ngọt, cay đậm đà và có thể kết hợp với nhiều món ăn khác tạo nên hương vị đặc trưng khó quên.

Bánh gai Tứ Trụ

Bánh gai Tứ Trụ hay còn được gọi là bánh gai Thọ Xuân, là loại bánh nổi tiếng ở làng Mía thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Bánh có hương vị thơm ngon, bùi ngọt mang đậm hương vị quê hương. Điểm khác biệt của bánh gai Tứ Trụ là phần nhân bánh mịn và thơm ngon, có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm dịu của đậu, vị ngậy của mỡ lợn, mùi thơm của vừng và lá chuối khô. Banh gai mềm dẻo với vị lá gai thoang thoảng ngai ngái tạo nên hương vị rất riêng của món ăn đặc sản này.

Bánh răng bừa

Sở dĩ chiếc bánh này được gọi là bánh răng bừa vì hình dạng bánh thuôn dài và gần giống với chiếc răng bừa dùng trong nông nghiệp. Bánh được làm từ gạo nếp tẻ pha theo tỉ lệ 3/7, sau khi ngâm 8 tiếng thì đem xay với nước vôi trong. Người dân Thanh Hóa thường ăn món này vào những ngày mùa đông. Bánh vừa hấp xong nóng hôi hổi, vị bùi và thơm của bánh thực dễ dàng làm người ta ấm lòng khi thời tiết trở lạnh.

Bánh khoái nồi gang

Đúng như tên gọi, loại bánh này phải được nấu bằng nồi gang thì mới cho ra vị ngon đúng điệu. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, thịt mở, thịt ba chỉ và trứng gà. Sau khi trộn đều các nguyên liệu và thêm các loại gia vị cho vừa miệng thì người ta đem áp chảo cho bánh chín. Bánh khoái khi được mang ra đang bốc hơi nóng hổi ăn cùng nước mắm ngon và dưa góp được làm từ đu đủ, cà rốt, sung… thêm chút chua của quất, cay của tiêu của ớt, rất thích hợp để thưởng thức trong những ngày mưa rét.

Chả tôm

Cách làm chả tôm không quá phức tạp nhưng để có món chả tôm ngon thì nguyên liệu cần phải có là những con tôm chắc thịt, tươi rói. Với những con tôm này, người ta đem bóc vỏ, băm nhuyễn rồi trộn với thịt ba chỉ cùng hành tím, tỏi xay tạo thành hỗn hợp nhân, sau đó dùng chiếc bánh phở nhỏ bằng bàn tay bọc lại từng miếng. Chả được kẹp vào vỉ, đem nướng trên than hoa. Khi chín ăn cùng rau sống và chấm với nước mắm pha loãng cùng đu đủ xanh thái mỏng, sung thái lát, ớt, tỏi, dấm, đường…

Bánh cuốn

Bánh cuốn xứ Thanh được làm từ bột nước gạo dẻo, mềm dai cùng nhân bánh đa dạng như nhân thịt mộc nhĩ, nhân hành, nhân thịt, tôm… Mỗi loại bánh cuốn với nhân khác nhau sẽ mang đến những hương vị khác nhau, nhưng tất cả đều ngon và vô cùng hấp dẫn. Khi thưởng thức bánh cuốn, bạn có thể ăn kèm với bánh xèo hoặc chả nướng, chấm cùng nước chấm chua ngọt và rắc thêm ít hành khô lên trên cho dậy mùi thơm.

Bánh ích

Bánh ích là sự kết hợp hoàn hảo của bánh ít và bánh nếp. Bánh ích có hình tròn, vỏ ngoài làm bằng bột nếp thượng hạng. Nhân bánh gồm tôm, thịt băm nhỏ xào với một chút giá vị rồi mang đi hấp. Mẻ bánh ích mới hấp xong khói bay nghi ngút, chiếc nào chiếc nấy trắng ngần, núc na núc ních trông rất thích mắt. Ăn bánh ích phải ăn đúng cách thì mới thưởng thức trọn hương vị. Bánh khi vừa chín được mang ra đĩa rồi rưới lên một lớp mỡ hành phi thơm thơm béo ngậy, ăn kèm với rau sống và dưa leo nữa thì ngon hết sẩy.

Gỏi cá Sầm Sơn

Cá sau khi được lọc và thái thành từng miếng mỏng, to bản sẽ đem trộn với nước cốt chanh, chờ đến khi thịt cá chuyển từ màu hồng nhạt sang màu trắng ngà thì đem vắt kiệt nước và trộn với bột thính. Gỏi cá ăn cùng rau húng, ngò, đinh lăng, lá mơ tam thể, thêm một vài lát khế chua, chuối xanh thái mỏng.Đây là món ăn bạn nên thử khi ghé qua bãi biển Sầm Sơn.

Mắm cáy

Mắm cáy được làm từ con vật cùng tên, tương tự con cua nhưng nhỏ hơn. Cáy bắt về sẽ được sơ chế sạch sẽ, tách yếm ra rồi đem đi giã nhuyễn, sau đó cho muối vào trộn đều và bỏ vào chum đậy kín lại. Chum mắm phải để nở nơi thoáng mát, sau 10 ngày thì đem ra phơi nắng khoảng 1 tuần, cuối cùng là cho thính gạo hòa với men gạo vào chum để khử bớt mùi cáy. Đây cũng là bước quan trọng để mắm cáy dậy lên hương vị đặc trưng. Người Thanh Hóa thường dùng mắm cáy để chấm thịt, chấm rau hoặc ăn với cơm nóng cũng rất ngon.

Canh lá đắng

Một ít lá đắng thái chỉ nấu cùng lòng mề hoặc thịt băm nhỏ hay cá rô đồng, cá mương cùng mẻ chua, mắm tôm, sả, hành khô phi thơm và chút gia vị chắc chắn sẽ là hương vị khó quên đánh thức vị giác của bạn. Khi thưởng thức, thoạt đầu bạn sẽ cảm giác đắng nơi cổ họng, tuy nhiên ngay sau đó vị ngọt ngọt, bùi bùi của bát nước canh, của thịt, lòng mề hay hương vị lạ lạ, khó hòa lẫn của thứ rau rừng sẽ là những gì còn đọng lại nơi cuống họng bạn. Đến Thanh Hóa, hãy thưởng thức món đặc sản này nhé.

Lai La/Theo TTV24

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *