Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM gồm 3 khối nhà 1, 2 và 3, nằm trong khuôn viên diện tích khoảng 3.500 m2, ngoài ở địa chỉ 97-97A Phó Đức Chính còn tiếp giáp đường Lê Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thái Bình.
Theo ghi nhận, trong vài năm trở lại đây, nhiều hạng mục của bảo tàng bị hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt khối nhà 1, nhà bảo vệ và dãy hàng rào ở đường Lê Thị Hồng Gấm (dài khoảng 50 m, cao hơn 2 m) bị thiệt hại nhiều nhất.
Cụ thể, hàng rào bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm xuất hiện “lượn sóng”, hơi nghiêng ra đường và có nhiều chỗ nứt nẻ. Hai cổng nằm ở con đường này cũng bị nghiêng, cửa bị kênh không thể đóng kín.
Về phần tòa nhà bảo vệ sát vỉa hè cũng có chung số phận. Để đảm bảo an toàn, bảo tàng đã căng băng rôn cảnh báo “khu vực nguy hiểm”, đề nghị người dân không đến gần hàng rào và cổng.
Phía trong, khối nhà 1 có nhiều vách tường bị nứt, có vết dài 2-3 m, một số họa tiết trang trí trên tường còn bị bung ra, rơi rớt. Công ty kiểm định xây dựng đã dán giấy niêm phong theo dõi một số kẽ nứt.
Năm 2017, bức phù điêu “cá hóa long” nằm gần ống thoát nước ở tầng mái khối nhà 1 bị rơi xuống.
Ngoài yếu tố thời gian thì theo Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, việc thi công công trình cao ốc tứ giác Bến Thành giáp bảo tàng (phía đường Lê Thị Hồng Gấm) cũng là nguyên nhân khiến bảo tàng bị hư hỏng. Theo đó, khi thi công công trình này, người ta đã đào đất rất sâu đến đến tòa nhà bảo tàng bị lún, mặt sàn và tường nhiều chỗ nứt kéo dài.
Phía bảo tàng đã chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (tổng thầu công trình) sửa chữa, khắc phục sự cố phù điêu bị rơi và gia cố nhà bảo vệ. Tuy nhiên, sau thời gian tạm ngừng thi công, cuối năm 2019, công trình tiếp tục xây dựng tầng cao, ảnh hưởng đến bảo tàng.
Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, phía nhà thầu đã nhiều lần làm việc với bảo tàng để đưa ra các phương án giải quyết. Định kỳ 1-2 tháng, nhà thầu cử chuyên gia đến quan trắc, theo dõi chỗ hư hỏng ở bảo tàng. Nhà thầu có đề xuất giải pháp chống đỡ ở những vị trí có nguy cơ đổ sập nhưng bảo tàng đánh giá không phù hợp.
Mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch TP. HCM Trần Thế Thuận kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan yêu cầu chủ đầu tư công trình cao ốc tứ giác Bến Thành khắc phục nguyên trạng trước ngày 8/10 với tường rào, cửa cổng và nền khuôn viên bảo tàng. Các bên cần tổ chức kiểm định chất lượng khối nhà 1, 2, 3 và nhà bảo vệ để có giải pháp khắc phục trước 19/11.
Hôm 17/9, sau đề xuất của Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch thành phố, đoàn công tác của Sở Xây dựng TP. HCM làm việc với đại diện chủ đầu tư và bảo tàng. Lãnh đạo Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư lập phương án khắc phục những vị trí hư hỏng như cổng, hàng rào, nhà bảo vệ… sau đó báo cáo Sở để có phương án xử lý.
Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM là một tòa nhà tráng lệ được xây dựng từ năm 1929 theo thiết kế của Rivera – một kiến trúc sư người Pháp. Công năng ban đầu của tòa nhà là nơi sinh sống của con cháu, người thân ông Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa, 1845 -1901) – một thương nhân người Hoa mà dân Sài Gòn quen gọi là Chú Hỏa.
Đến năm 1987, tòa nhà được lập thành Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Tuy nhiên, do thiếu hiện vật nên đến năm 1992 bảo tàng mới chính thức đi vào hoạt động.
Bảo tàng có hình chữ U, lợp ngói âm dương, tường dày 40-60 cm, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Bảo tàng có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau. Đây là nơi đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy, điều cực kỳ xa xỉ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20.
Hiện tại, bảo tàng trưng bày hơn 21.000 hiện vật, chia thành hai mảng là mỹ thuật cổ, thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật đương đại. Năm 2012, bảo tàng được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, mỗi năm thu hút hơn 200.000 lượt khách tham quan.
Lai La/Theo TTV24