Bảo tàng hấp dẫn người trẻ

11:05 | 21/04/2025
TP – “Từ ngày mở cửa đến nay, hôm nào bảo tàng cũng đón mấy ngàn người. Mừng nhất là trong số đó có rất đông bạn trẻ, có bạn đi tới 3, 4 lần. Điều đó khẳng định rằng thế hệ trẻ không hề quay lưng với lịch sử”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng bày tỏ.

Bảo tàng Đà Nẵng vừa chuyển về địa chỉ mới ở số 31 Trần Phú và 42 Bạch Đằng, là điểm đến văn hóa hấp dẫn bậc nhất thành phố. Không chỉ dịp lễ hay cuối tuần, dòng người mỗi ngày vẫn đổ về nơi trưng bày gần 3.000 tài liệu, hiện vật bên sông Hàn.

Rất nhiều học sinh, sinh viên đổ về Bảo tàng Đà Nẵng để xem các tư liệu, hiện vật lịch sử. Ảnh: Thanh Hiền
Tìm sâu trong trang sử

Cùng nhóm bạn đến thật sớm vì sợ phải xếp hàng chờ đợi lâu, Thùy Trang (sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) háo hức vào bên trong tòa nhà bảo tàng khang trang, hiện đại, còn có cả robot dẫn đường. Trang đi tới bức tường ảnh tổng quan về thành phố ngắm nghía rồi dừng lại ở khu vực trưng bày chứng tích chiến tranh, cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ở đây, Trang tận thấy 76 ngày đêm đấu tranh sục sôi của Đà Nẵng (10/3-24/5/1966), phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, kho bom đạn khổng lồ,… “Dù đã học và đọc trên sách báo nhưng em vẫn thấy có quá nhiều điều chưa biết về lịch sử. Những hiện vật, tư liệu đều mang câu chuyện lịch sử rất thật, để lại cho em nhiều cảm xúc và giúp em nhớ về sự kiện lịch sử sâu hơn”, Trang nói.

Đã đến bảo tàng lần thứ 3, nhưng Anh Thư (20 tuổi, quận Hải Châu) vẫn rất hứng thú. Thư kể hai lần trước đã xem phần lớn các chuyên đề trong bảo tàng, còn một số nơi chỉ mới lướt qua nên Thư quyết đi thêm lần nữa để không bỏ lỡ những trang sử bi thương lẫn hào hùng. Thư chia sẻ đã từng tới khá nhiều bảo tàng nhưng chưa nơi nào bị cuốn hút như Bảo tàng Đà Nẵng cả. “Mỗi khu vực là một không gian khác biệt gắn với một gian đoạn, trưng bày theo cách riêng nên em không thấy nhàm chán. Lần trước vì quá đông nên em không xem được phim 3D tái hiện lại cuộc chiến liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860), lần này em đã xem được và hiểu rất rõ”, Thư phấn khởi.

Toàn bộ tài liệu, hiện vật trong bảo tàng được kết hợp phong cách trưng bày truyền thống với công nghệ trình chiếu hiện đại, đặc biệt là ứng dụng phim 3D Mapping, phim 3D, phim tư liệu, slide hình ảnh. Những câu chuyện lịch sử không chỉ còn hai màu đen trắng khô khan cũ kỹ mà chạy vào trí óc các bạn trẻ bằng hình ảnh sắc màu, âm thanh sống động, thuyết minh rõ ràng khiến các bạn không thể rời mắt.

Không gian trưng bày chiến công của Mẹ Nhu và bảy dũng sĩ Thanh Khê thu hút bạn trẻ. Ảnh: Thanh Hiền

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận Bảo tàng Đà Nẵng đáp ứng được công năng của một bảo tàng hiện đại với các ứng dụng công nghệ số tạo hiệu ứng trực quan sinh động, các không gian tương tác kết nối cảm xúc, trí tuệ giúp khách tham quan có thể tự khám phá, trải nghiệm… Chính nhờ yếu tố này mà người xem, nhất là thanh thiếu niên hào hứng hơn với lịch sử.

“Điều hạnh phúc nhất của những người làm bảo tàng chúng tôi là mỗi ngày được đón những bạn trẻ tới đây, không chỉ các bạn trẻ ở Đà Nẵng mà khắp nơi trên cả nước. Chúng tôi vui biết bao khi thấy các bạn ngồi xem trọn vẹn những thước phim lịch sử, đứng thật lâu nghiền ngẫm từng không gian trưng bày. Các bạn chưa hề quên lịch sử”.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng

Gieo mầm yêu nước

Ở khu vực giới thiệu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, rất nhiều bạn trẻ đã đứng lại thật lâu để ngược về thập niên 60, 70 của thế kỷ trước với những cuộc bãi khóa, xuống đường.

Linh Nhi (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) bày tỏ rằng tình yêu đất nước không chỉ nói bằng lời mà nên thể hiện bằng việc phải “biết sử ta”, cố gắng học tập, rèn luyện để đóng góp cho quê hương. Trong khi đó, em Uyên Như (11 tuổi, quận Cẩm Lệ) say sưa đọc hết những dòng thông tin về chiến công của Mẹ Nhu và 7 dũng sĩ Thanh Khê. Em kể đã đi qua tượng đài Mẹ Nhu trên đường Điện Biên Phủ và cũng từng nghe về mẹ nhưng khi đến bảo tàng, em mới rõ hơn câu chuyện đấu tranh, hy sinh của mẹ và các chiến sĩ.

“Em rất xúc động khi thấy bức ảnh căn nhà mẹ Nhu, ảnh mẹ và các chiến sĩ. Sau này mỗi lần đi qua tượng mẹ Nhu, em sẽ kể cho mọi người nghe về sự hy sinh anh dũng này”, Uyên Như bày tỏ.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc bảo tàng không giấu được niềm vui bởi từ khi mở cửa đến nay, bảo tàng là điểm đến của đông đảo thầy trò, bạn trẻ từ khắp nơi. “Có cả những bạn đứng trước không gian Mẹ Việt Nam Anh hùng đã bật khóc. Điều đó chứng tỏ thế hệ trẻ không hề quay lưng với lịch sử, biết trân trọng lịch sử là biết yêu quê hương mình”.

Ông nói thêm, bảo tàng đã có kế hoạch mở các lớp học lịch sử tại toà nhà 31 Trần Phú, nội dung bám sát lịch sử địa phương và các tư liệu hiện vật trưng bày trong bảo tàng. Lớp học này được trang bị thiết bị nghe nhìn để các em tương tác tốt nhất. Bảo tàng cũng sẽ kết nối với sinh viên khoa Văn, khoa Lịch sử các trường đại học để làm cộng tác viên đứng lớp. Như vậy các bạn vừa tiếp cận lịch sử mỗi ngày, vừa có thêm nghiệp vụ.

Theo Báo Tiền Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *