Bỏ cấm hát nhép có ủng hộ hàng nhái, hàng kém chất lượng?

18:33 | 24/12/2020
Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gần đây bỏ quy định cấm hát nhép đã vấp phải sự tranh cãi dữ dội từ dư luận và những người hoạt động trong nghề. Hầu hết mọi người đều cho rằng, quy định này sẽ tạo ra một môi trường biểu diễn thiếu công bằng, khiến ca sĩ ngày càng lười biếng, dễ dãi với bản thân, coi thường khán giả. Như vậy, có vẻ hàng kém chất lượng cũng sẽ ngang hành với hàng chất lượng cao?

Từ nay ai cũng có thể trở thành ca sĩ?

Ngày 14/12 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo văn bản, nghị định có hiệu lực từ 1/2/2021. So với Nghị định 79/2012/NĐ-CP, thì Nghị định mới này không còn quy định cấm hát nhép, cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn, hoặc thay cho âm thanh của nhạc cụ biểu diễn.

Nhanh chóng, dư luận bắt đầu nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt về việc ai cũng có thể trở thành ca sĩ nếu như không siết chặt việc biểu diễn trên sân khấu của nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng, vốn dĩ thị trường âm nhạc đang ngày càng mất đi vị thế của những con người có tài năng thực sự, việc bỏ cấm hát nhép không khác gì một bước lùi trong nghệ thuật, đưa lĩnh vực âm nhạc ngày càng đi xuống.

Người dùng bày tỏ quan điểm: “Bỏ cấm hát nhép đúng là một bước lùi. Trên sân khấu ta thấy rõ có nhiều ca sĩ hát tệ hơn nghe trong băng đĩa, chỉ những ca sĩ xịn mới giữ được phong độ khi hát live. Tạo điều kiện cho ca sĩ hát nhép vừa là lừa dối khán giả”, “Tôi có cảm giác đa số ca nghệ sĩ chuyên nghiệp thời công nghệ đều trở thành nghiệp dư, không dám hát live vì sợ bị lộ hát… dở hơn băng đĩa”, “Nếu ca sĩ đẳng cấp thật sự thì không ngại hát live, còn hát thu âm xong lên sân khấu hát nhép thì tôi cũng làm ca sĩ được”…

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, nếu một ca sĩ đứng trên sân khấu mà dùng băng đĩa, chẳng khác nào coi thường khán giả, không tôn trọng nghề của mình. Cư dân mạng bình luận: “Đã là ca sĩ thì buộc phải tôn trọng khán giả và kính trọng tổ nghề và hát chân thật mà giọng thật và phải có tâm – có đức với cái nghề âm nhạc này, chứ đừng hát nhép. Hát nhép là không tôn trọng khán giả”, “Khán giả bỏ tiền mua vé xem live thì trên vé phải ghi rõ ràng ra ca sĩ sẽ hát live hay hát nhép trên sân khấu”, “Không khác gì cho phép làm hàng giả, hàng nhái. Quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo quá lố lừa dối người xem”…

Giới nghệ sĩ nói gì?

Ca sĩ Sỹ Luân cho biết hát nhép là lừa dối khán giả.

Nam nhạc sĩ Sỹ Luân chia sẻ quan điểm, hát nhép trên sân khấu là hành vi rẻ tiền, lừa dối khán giả. Anh cho hay: “Là người dạy thanh nhạc nên tôi khắt khe trong việc nghe nhạc. Tôi cảm thấy khó chịu khi nghe các bạn hát bị chênh, phô. Thời đại này, các ca sĩ trẻ được hỗ trợ nhiều về mặt công nghệ nên khi hát live bị hạn chế. Các bạn cần thời gian “chinh chiến”, trải nghiệm để hát tốt hơn. Nếu cho phép hát nhép sẽ hạn chế khả năng trau dồi giọng hát của nghệ sĩ”

Nữ ca sĩ Hà Linh cũng cho rằng, bỏ cấm hát nhép là bước đi lùi của nền nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Cô cho rằng, hát live trên sân khấu bộc lộ sự trung thực, đạo đức của ca sĩ cũng thể hiện sự tôn trọng khán giả từ phía nghệ sĩ. Nếu bỏ lệnh cấm hát nhép là một sự thiếu chuyên nghiệp. Chúng ta cần góp ý để phản đối việc hát nhép.

Nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh cho rằng quy định mới về hoạt động biểu diễn không hợp lí. 

Còn nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh thì lại cho rằng chẳng còn xa lạ với việc sử dụng băng đĩa thay cho giọng hát thật trong các chương trình truyền hình trực tiếp lẫn game show. Anh cũng tiết lộ: “Đối với một số ca khúc thuộc thể loại dance, nhạc điện tử, các ca sĩ thường để nhạc nền cao nhất khoảng 80% và giọng hát của mình là 20%. Điều này giúp nghệ sĩ kiểm soát tốt nhất phần biểu diễn của mình trên sân khấu. Lâu nay, anh em làm nghề có sự chấp thuận ngầm nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi điều này được cụ thể hóa thành quy định của Chính phủ thì tôi thấy không hợp lí”.

Ca sĩ Minh Quân cho biết, cho dù trước đây có luật cấm nhưng nhiều ca sĩ vẫn giấu việc hát nhép khi biểu diễn. Bây giờ khi Chính phủ bỏ lệnh cấm thì ca sĩ có thể công khai, lợi dụng công nghệ để chỉnh giọng, như vậy sẽ giết chết một số giọng ca có thực lực. Anh cũng cho hay, cho phép nghệ sĩ hát nhép tạo ra môi trường biểu diễn thiếu công bằng, khán giả là đối tượng cuối cùng chịu sự thiệt thòi nhất. Công chúng là người bỏ tiền mua vé xem nghệ sĩ hát lại phải nghe hát nhép, điều đó chẳng khác gì mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ai là người hưởng lợi?

Bích Phương từng vướng vào ồn ào bị giật míc trên sân khấu để lộ phần “hát đè”.

Trong đêm diễn tại sự kiện Hạ Long vào tối ngày 30/10/2019, Bích Phương vướng phải ồn ào bị một người đàn ông lạ lên sân khấu giật míc tìm con và để lộ “tiểu xảo hát đè” của nữ ca sĩ. Ngay sau đó, truyền thông đã liên tục đưa tin về sự việc này, đồng thời cũng có nhiều tranh cãi từ dư luận.

Trước phản ứng dữ dội từ cư dân mạng, Bích Phương lên tiếng giải thích rằng: “Tôi chỉ có thể xin lỗi vì đã không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Còn chuyện tôi có làm gì sai hay không, tôi tin tôi không làm gì sai, trên sân khấu đó, trong tình huống đó. Và tôi không hát nhép”. Nhiều nghệ sĩ trong nghề cũng lên tiếng bênh vực cho nữ ca sĩ và cho rằng, cô chỉ đang sử dụng thuật hát đè chứ không phải hát nhép như những gì cộng đồng đang tranh cãi.

Tuy nhiên, khán giả lại không đồng tình với lời giải thích của Bích Phương, họ cho rằng nhép hay đè cũng là lừa khán giả, họ mất tiền mua vé xem để nghe hát trực tiếp chứ không phải để thưởng thức hát đè. “Nói như Bích Phương thì hát đè chỉ là một cách nguỵ biện”, người dùng bình luận. Bên cạnh đó, nhiều người trong giới thanh nhạc cũng khẳng định, không có thuật ngữ hát đè trong âm nhạc, chỉ có hát nhép.

Chi Pu liên tục bị khán giả cười chê về khả năng hát live yếu kém, lệch tông.

Chi Pu cũng là một trong những nghệ sĩ trẻ bị gọi tên khi có quy định bỏ lệnh cấm hát nhép. Bởi lẽ, Chi Pu là người liên tục nhận được làn sóng phản đối kể từ khi cô tuyên bố trở thành ca sĩ và cũng không ít lần vướng phải lùm xùm hát lệch tông hay hát nhép mà không khớp với khẩu hình.

Ngày 5/12 vừa qua, Chi Pu trở thành tâm điểm hứng gạch đá nặng nề vì một video quay lại khoảnh khắc cô bị lạc tông giọng lúc đang biểu diễn ca khúc Cho ta gần hơn. Ở nốt cao đoạn “Con đường dài phía trước” thì cô bị hụt hơi vì lên cao quá khiến khán giả có mặt tại đó bật cười.

Cũng cách đây không lâu, Chi Pu lại tiếp tục gây xôn xao khi tham gia sự kiện âm nhạc quốc tế Double Happiness. Bên cạnh những lời khen tích cực dành cho những tên tuổi lớn như 88rising, ATEEZ, Chung Ha… thì nhiều người cũng thẳng thắn chê bai Chi Pu hát quá yếu, giọng dở, lệch tông… Thậm chí, khán giả còn cho rằng, Chi Pu nên hát nhép để đỡ lộ điểm yếu về giọng hát trong một chương trình tầm cỡ quốc tế.

Thị trường âm nhạc Việt đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều hướng. Những nghệ sĩ có tên tuổi hàng đầu như Mỹ Tâm, Mỹ Linh, Hồng Nhung… hay những lớp tuổi trẻ như Bích Phương, Chi Pu… luôn gặt hái được những thành công vang dội trong con đường hoạt động nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, chắc hẳn khán giả cũng không ít lo ngại cho tương lai của một nền âm nhạc Việt khi Nghị đinh mới quy định bỏ cấm hát nhép. Như vậy, chẳng còn sự phân biệt giữa giọng hát có thực lực và chất giọng yếu kém?

Bích Thủy/ Theo TTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *